Khi chủ trương phù hợp

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/9/2016 | 7:33:00 AM

YBĐT - Sau hơn 5 năm trở lại xã Lâm Thượng (Lục Yên), tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê vốn khó khăn. Bên cạnh những nếp nhà sàn truyền thống, từng dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. Ở trung tâm xã, người dân và tư thương đi lại giao lưu buôn bán tấp nập. Tất cả đang tạo nên một bộ mặt nông thôn mới mà không phải địa phương nào cũng có được.

Lãnh đạo xã Lâm Thượng kiểm tra sản phẩm măng mai tại thôn Bản Khéo.
Lãnh đạo xã Lâm Thượng kiểm tra sản phẩm măng mai tại thôn Bản Khéo.

Thấy tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở nơi đây, đồng chí Trần Thanh Trúc - Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng phấn khởi cho biết: “Tất cả nhờ Đảng soi đường chỉ lối đấy chú ạ!”. Nghe mà vui mừng quá! Bởi cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc ở Lâm Thượng luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt trên lĩnh vực nông lâm nghiệp và xây dựng Đảng vững mạnh.

Đồng chí Trần Thanh Trúc bày tỏ: “Phải xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, trước hết là Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Từ đó, đoàn kết, thống nhất trong nhận thức, hành động để phát huy, tập trung trí tuệ của toàn Đảng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”.

Nghe có vẻ lý thuyết, nhưng cách mà Đảng bộ xã Lâm Thượng triển khai thực hiện, quả thật rất có hiệu quả. Đơn cử trong công tác xây dựng Đảng, luôn được Đảng bộ triển khai đồng bộ gắn với củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nhờ vậy, sinh hoạt của các chi bộ không những được duy trì mà nội dung được đổi mới theo hướng thiết thực, tập trung bàn các giải pháp giải quyết những vấn đề cụ thể, trọng tâm, trọng điểm được người dân quan tâm như: tình trạng khai thác khoáng sản, vấn đề an sinh xã hội như cấp thẻ bảo hiểm y tế, phát gạo cứu đói, trợ cấp các đối tượng chính sách, giải quyết việc làm.

Cùng với đó, Đảng bộ xã Lâm Thượng đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình và triển khai trực tiếp đến các chi bộ với các chuyên đề gắn với điều kiện thực thực tế của từng chi bộ. Qua đó, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo, quản lý thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ được giao; thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Qua đánh giá hàng năm, tỷ lệ chi bộ trong sạch vững mạnh đạt 85%, đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 85,5%, nhiều năm liền Đảng bộ đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm, thời gian qua, Đảng bộ xã Lâm Thượng luôn năng động, sáng tạo, tìm các hướng đi để không những phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, mà còn đưa các cây, con giống có giá trị về mặt kinh tế vào sản xuất.

Nhắc đến Lâm Thượng, là nhớ đến các đặc sản nổi tiếng như: vịt bầu, cá bỗng, gà thiến, măng mai. Về phát triển kinh tế, trong khi nhiều địa phương đang khó khăn để giải bài toán đưa cây, con gì cho phù hợp vào sản xuất thì ở Lâm Thượng đã thành công từ cây măng mai.

Đồng chí Hoàng Kim Thành - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện, toàn xã có trên 250 ha măng mai, tổng sản lượng hàng năm đạt hơn 5.200 tấn măng tươi. Với giá bán hiện tại từ 110 - 130 nghìn đồng/kg măng khô, ước tính năm 2016, các hộ trồng măng sẽ thu về vài tỷ đồng”.

Rừng măng mai ở xã Lâm Thượng.

Ở thôn Bản Khéo có 75 hộ thì tất cả đều trồng măng mai, hộ ít thì 5 - 7 sào, hộ nhiều thì cả chục ha. Gia đình anh chị Trần Văn Quý và Sầm Thị Thường là minh chứng điển hình. Trước đây, cuộc sống của đôi vợ chồng này gặp không ít khó khăn bởi chưa tìm được hướng đi trong phát triển kinh tế. Nhưng khi được tuyên truyền vận động về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thấy hiệu quả từ cây măng mai, anh chị đã mạnh dạn trồng măng mai. Đến nay, gia đình có trên 10 ha măng mai, bình quân mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

“Lúc đầu gia đình mình chỉ trồng mấy khóm để cải thiện bữa ăn hàng ngày, nhưng khi các tư thương đến mua với giá cao, mình đã mở rộng diện tích. Trồng cây măng mai không vất vả, không phải đầu tư nhiều mà hiệu quả kinh tế rất lớn. Nhờ cây măng này mà gia đình mình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững” - chị Thường cho biết.

Cũng như gia đình chị Thường, trước đây gia đình chị Lý Thị Liềm, thôn Bản Khéo gặp nhiều khó khăn vì ruộng ít, đất rừng chưa phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, sau mấy năm trồng măng mai, đời sống của gia đình chị không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Chị Liềm phấn khởi: “Lúc đầu trồng măng mai mình cũng lo lắng nên chỉ trồng mấy chục khóm, nhưng khi thấy cây măng là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo nên đến nay đã trồng được hơn 2 ha, mỗi năm thu về 50 triệu đồng”.

Qua tìm hiểu, việc trồng cây măng mai không chỉ đem lại lợi ích về phủ xanh đất rừng, tạo việc làm cho người dân mà so với cây sắn, ngô thì măng mai đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Sản phẩm măng mai làm đến đâu đều được tư thương đến mua tại nhà và họ hướng dẫn cách sơ chế. Với 250 ha cây măng mai, sản lượng đạt 5.200 tấn/năm, thì hàng năm người dân thu về vài chục tỷ đồng.

Rõ ràng, Đảng bộ xã Lâm Thượng đã thành công nhờ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhất là mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Chính yếu tố đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động của Đảng bộ xã Lâm Thượng đã phát huy được hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân từng bước được khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm khá. Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm, xã đạt 11/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Với sự năng động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ cùng với sự nhạy bén, hưởng ứng tích cực và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước của người dân nơi đây, sẽ là động lực thúc đẩy cho Lâm Thượng ngày càng phát triển toàn diện.

Phan Tuấn 

Các tin khác
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thị xã Nghĩa Lộ) áp dụng bài giảng điện tử thiết kế chữ trên phần mềm Power Point trong giảng dạy.

YBĐT - Bài giảng điện tử thiết kế chữ trên phần mềm Power Point, máy tẽ ngô hay máy thái rau lang là những sản phẩm khoa học đã và đang được ứng dụng trong thực tế trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Và tác giả của những sản phẩm này, không ai khác, chính là những người phụ nữ dân tộc thiểu số bình thường.

Cán bộ thôn Làng Trục cùng kiểm lâm địa bàn trao đổi về công tác bảo vệ rừng.

YBĐT - Làng Trục là thôn đặc biệt khó khăn của xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. Toàn thôn có 148 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, đời sống khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Làng Trục đã có những đổi thay đáng kể.

Đồng chí Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn (thứ 3 bên phải) cùng các phòng, ban chuyên môn kiểm tra tiến độ xây dựng thêm phòng học ở Trường Mầm non Đại Lịch.

YBĐT - Thực hiện Đề án “Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới quy mô trường lớp học đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020” (Đề án) huyện Văn Chấn có 17 trường phải sắp xếp lại quy mô và 103 điểm trường lẻ sẽ được sáp nhập về điểm trường chính.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh dùng bè cứu sinh đưa người dân vùng lũ tới nơi an toàn.

YBĐT - Sáng ngày 21/8, nước sông Hồng xuống nhanh, để lại bùn đất nhầy nhụa trên các tuyến phố. Những chiến sỹ quân đội, công an lại xắn quần, xắn áo cùng với nhân dân nạo đất, vét bùn... để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục