Lòng dân đồng thuận
- Cập nhật: Thứ tư, 31/8/2016 | 8:42:42 AM
YBĐT - Thực hiện Đề án “Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới quy mô trường lớp học đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020” (Đề án) huyện Văn Chấn có 17 trường phải sắp xếp lại quy mô và 103 điểm trường lẻ sẽ được sáp nhập về điểm trường chính.
Đồng chí Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn (thứ 3 bên phải) cùng các phòng, ban chuyên môn kiểm tra tiến độ xây dựng thêm phòng học ở Trường Mầm non Đại Lịch.
|
Để bảo đảm quy mô diện tích đất cho các trường sau sáp nhập, huyện Văn Chấn đã kêu gọi và vận động các hộ dân hiến đất xây trường, tạo điều kiện cho con em mình sớm có điều kiện học tập tốt nhất.
Năm học 2016 - 2017 này sau khi triển khai thực hiện Đề án, Trường Mầm non Nghĩa Tâm sẽ phải sáp nhập điểm trường Nghĩa Hùng về khu trung tâm. Điều này buộc nhà trường phải xây dựng mới 3 phòng học và bổ sung quỹ đất trên 600 m2. Ngay sau khi rà soát, Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động 4 hộ dân lân cận di chuyển cây cối và nhà cửa để nhà trường sớm có mặt bằng xây dựng phòng học.
Gia đình anh Trần Văn Khanh và chị Phạm Thị Trúc, thôn Khe Tho vốn là hộ gia đình khó khăn, bản thân anh Khanh và người con trai bị bệnh mãn tính phải điều trị thường xuyên. Cách đây 3 năm gia đình anh được Nhà nước quan tâm hỗ trợ qua Chương trình 167 xây dựng được ngôi nhà gỗ 3 gian. Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn và luyến tiếc ngôi nhà mới xây dựng, nhưng nhận thức được ý nghĩa tầm quan trọng của việc mở rộng Trường Mầm non xã, gia đình anh Khanh đã đồng thuận hiến toàn bộ diện tích trên 500 m2 đất của gia đình để di chuyển đến diện tích đất rộng hơn 100 m2.
Anh Khanh chia sẻ: "Mặc dù bản thân bệnh trọng, gia đình hết sức khó khăn nhưng chúng tôi rất muốn các cháu có điều kiện học tập thuận lợi hơn nên đã đồng ý hiến đất cho nhà trường. Mong rằng tấm lòng của gia đình tôi cũng như các hộ dân sẽ giúp các cháu sớm có ngôi trường khang trang, sạch đẹp hơn".
Là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, Nghĩa Tâm hiện có 1 trường THCS, 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non với 2 điểm trường lẻ. Thực hiện Đề án, Nghĩa Tâm sẽ phải ghép Trường Tiểu học Nghĩa Tâm A và Tiểu học Nghĩa Tâm B thành một đơn vị trường và chuyển điểm trường lẻ Nghĩa Hùng của Trường Mầm non xã về khu trung tâm.
Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của Đề án, xã Nghĩa Tâm còn vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí để nâng cấp, mở rộng quy mô trường lớp học. Đến nay, đã có 4 hộ gia đình hiến trên 600 m2 đất cho Trường Mầm non nâng cấp, mở rộng thêm 4 phòng học tại khu trung tâm.
Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm cho hay: "Triển khai Đề án, xã đã cùng với các đơn vị trường rà soát lại quỹ đất, quy mô và cơ sở vật chất. Đối chiếu với nhu cầu học tập của các em học sinh để xem xét, bổ sung các mặt còn thiếu. Đối với đơn vị Trường Mầm non xã sau khi rà soát còn thiếu khoảng 600 m2 đất, xã đã cùng nhà trường tuyên truyền, vận động các hộ dân hiểu rõ ý nghĩa của Đề án, từ đó đồng thuận hiến đất, giúp đỡ các đơn vị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa để người dân tích cực đóng góp, tạo điều kiện cho con em học tập ngày càng đầy đủ hơn".
Với đặc thù của một huyện miền núi có địa bàn rộng với 18 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Trước đây để tạo điều kiện thu hút các em học sinh đến trường, huyện đã xây dựng các điểm trường lẻ ở các khu dân cư quá xa điểm trường chính. Việc xây dựng các điểm trường lẻ đã duy trì tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần duy trì chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, việc học tập ở các điểm trường lẻ còn thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nên các em học sinh ở điểm lẻ có phần bị thiệt thòi.
Mặt khác, việc duy trì các điểm trường lẻ khiến việc đầu tư dàn trải, quy mô trường lớp manh mún, thiếu đồng bộ. Thực hiện Đề án, huyện Văn Chấn có 17 đơn vị trường phải sắp xếp lại quy mô và 103 điểm trường lẻ cần sáp nhập về điểm trường chính. Điều này đồng nghĩa với việc các đơn vị trường phải bổ sung trên 4,1 ha đất để xây dựng thêm 281 phòng học, nhà bán trú và một số công trình phụ trợ khác bảo đảm việc sinh hoạt, học tập của các em học sinh.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các đơn vị trường đều thiếu diện tích đất để đáp ứng nhu cầu, diện tích đất công xung quanh các trường đều do các tổ chức, cá nhân quản lý. Vì thế, bắt buộc các đơn vị nhà trường phải sử dụng một số diện tích đất của cá nhân, tổ chức đang quản lý. Trong khi các đơn vị trường không có thẩm quyền cũng như nguồn kinh phí dành cho việc mua bán đất thì rất cần sự đồng thuận, giúp đỡ, hiến tặng của các tổ chức, cá nhân.
Anh Trần Văn Khanh (bên trái) thôn Khe Tho, xã Nghĩa Tâm - người đã đồng thuận chuyển nhà để hiến đất xây thêm phòng học cho Trường Mầm non xã.
Ông Lê Quang Minh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết: "Ngay sau khi triển khai Đề án, ngành giáo dục đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các đơn vị trường rà soát, thống kê hiện trạng, dự báo nhu cầu và xây dựng phương án nâng cấp, mở rộng quy mô trường lớp học trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đề xuất của các trường, Phòng đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện và các xã, thị trấn tiến hành thẩm định và lên phương án đầu tư xây dựng. Đối với diện tích đất của các đơn vị trường còn thiếu, ngành đã cùng với các ngành chức năng và các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tạo điều kiện cho các nhà trường sớm có quỹ đất để xây dựng. Chúng tôi cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình hiến tặng đất và giúp đỡ các trường thực hiện mục tiêu của Đề án".
Trên thực tế, mặc dù mới triển khai thực hiện nhưng qua tuyên truyền, vận động người dân đã nhận thức được ý nghĩa của Đề án, đồng thuận cùng các nhà trường thực hiện. Đã có hàng chục nghìn mét vuông đất được người dân đồng thuận giúp các trường, trong đó có gần 7.000 m2 được hiến để huyện triển khai xây dựng các phòng học, nhà ở bán trú cho học sinh.
Bà Hoàng Thị Khuyến - thôn Khe Ba, xã Cát Thịnh, một trong những hộ dân hiến đất cho Trường Phổ thông bán trú Tiểu học Cát Thịnh xây nhà ở bán trú, chia sẻ: "Bản thân tôi cũng là nhà giáo nên thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các em học sinh khi sinh hoạt, học tập trong môi trường chật chội. Dù đã nghỉ hưu nhưng thấy các cháu vất vả, gia đình cũng sẵn sàng nhường một phần đất để nhà trường hoàn thành Đề án, giúp các cháu học sinh được học tập, sinh hoạt trong ngôi trường khang trang, thuận lợi hơn".
Đề án "Rà soát, sắp xếp mạng lưới quy mô trường, lớp học giai đoạn 2016 - 2020" là một trong những đề án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp chuyển biến căn bản quy mô mạng lưới trường lớp học theo hướng đồng bộ và hiện đại hơn. Trong thời điểm hiện nay, việc sắp xếp này ít nhiều ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, học tập của các em học sinh. Tuy nhiên, vì mục tiêu lớn, cao cả và lâu dài các bậc phụ huynh và nhân dân cần nhìn nhận và có sự đồng thuận, nhất trí cao để giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đơn vị trường hoàn thành các mục tiêu Đề án đặt ra, giúp con em mình có điều kiện sinh hoạt, học tập ngày càng đầy đủ, hoàn thiện hơn.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Sáng ngày 21/8, nước sông Hồng xuống nhanh, để lại bùn đất nhầy nhụa trên các tuyến phố. Những chiến sỹ quân đội, công an lại xắn quần, xắn áo cùng với nhân dân nạo đất, vét bùn... để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân.
YBĐT - Những năm gần đây, cụm từ “kinh tế du lịch” đã trở nên quen thuộc với người dân Yên Bái. Thậm chí, ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện những cách làm mô hình du lịch cộng đồng vô cùng sáng tạo, phong phú, hấp dẫn thu hút du khách.
YBĐT - Năm 2007, từ một vài hộ nuôi cá lồng ban đầu đến nay huyện Yên Bình có trên 450 lồng nuôi cá và 120 ha diện tích quây lưới nuôi cá trên các eo ngách hồ Thác Bà. Với chủ trương đúng, cách làm hay, việc phát triển và nuôi cá lồng không chỉ giúp ngư dân nơi đây thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bền vững.
YBĐT - Với công việc ở đội phẫu thuật tiền phương Quân khu 8, mặc dù chỉ được 5 tháng huấn luyện về quân y nhưng ông đã sớm nổi tiếng và được đồng đội đặt cho cái biệt danh đầy ý nghĩa: “Người đàn ông có bàn tay mát” bởi ông khâu và băng bó vết thương cho đồng đội rất nhanh lành. “Nói là lính quân y, phục vụ công tác hậu phương song nhiều trận đánh chúng tôi cũng đều tham gia…”.