Tỏa sáng trên vùng đất khó

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/8/2019 | 8:08:31 AM

YênBái - Một lần cùng ngồi với chị Nông Thị Lụa - Bí thư Đoàn xã Ngọc Chấn, chị mãi khoe gương một thanh niên trẻ xếp bút nghiên, cất bằng cử nhân lên rừng lập nghiệp, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đó chính là Nông Kim Ngọc ở thôn Nà Đình, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình.

Niềm vui của anh Nông Kim Ngọc khi cây trái sinh sôi.
Niềm vui của anh Nông Kim Ngọc khi cây trái sinh sôi.

Lần này về Ngọc Chấn, tôi hẹn gặp Nông Kim Ngọc. Chàng trai có thân hình rắn chắc, bắp tay vạm vỡ, ánh mắt biết cười đang chờ sẵn ở đầu đường đưa chúng tôi lên núi thăm mô hình kinh tế. 

Chỉ tay lên phía đỉnh núi, Ngọc nói có ý thử: "Từ đây đi đến nơi phải hơn 3 km, đường nhỏ, lầy lội, nhiều đoạn dốc đứng lại cua gấp, nhà báo có đi được không?”. "Các bạn hàng ngày vẫn lên đấy lao động sản xuất, sao mình không đi được chứ?” - tôi đáp. 

Đúng như lời của Ngọc, 3 km mà chiếc xe Win phải "bò” hơn 45 phút, nếu gặp trời mưa thì chắc chắn không lên nổi. Bao nhiêu mệt nhọc bỗng tan biến khi trước mắt chúng tôi hiện ra những vườn cam, ổi, bưởi được quy hoạch bài bản với những chùm quả tươi ngon. Thấy tôi ngạc nhiên, Ngọc giãi bày: "Em tốt nghiệp đại học nông nghiệp ra đấy!”. 

Thì ra, năm 2011, tốt nghiệp Đại Nông nghiệp Hà Nội với tấm bằng loại giỏi, anh về công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên. Cuối năm 2016, đầu năm 2017, Ngọc chuyển công tác về Tỉnh đoàn Yên Bái trực tiếp tham gia xây dựng mô hình "Làng thanh niên lập nghiệp” tại xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu.

 "Đang có công việc ổn định sao Ngọc lại về quê lập nghiệp vậy?”. Ngọc cười: "Chuyện kể ra dài lắm. Với em, công tác ở đâu không quan trọng, miễn là được cống hiến, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội”. 

Ngọc chia sẻ thêm: "Quê em còn nghèo lắm, các anh em trong gia đình, dòng họ làm lụng quanh năm mà chỉ đủ ăn. Người dân làm ăn cũng nhỏ lẻ, manh mún, dừng lại ở vài ba sào ruộng, nuôi vài chục con gà, mấy con lợn… chưa có sự đột phá và liên kết với nhau, trong khi họ có tiềm năng về đất đai. Hơn nữa, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, khí hậu rất hợp với trồng cây ăn quả và các cây con giống khác. Đó là động lực để em xây dựng mô hình phát triển kinh tế ngay tại quê hương”. 

Để biến ước mơ thành hiện thực, Nông Kim Ngọc đã vận động anh em trong gia đình, dòng họ chuyển nhượng khoảng 30 ha đất sản xuất kém hiệu quả để đầu tư mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp, trong đó, chú trọng cây ăn quả có múi và cây gỗ rừng trồng. 

Anh Ngọc nhớ lại: "Sau khi đã được anh em chuyển nhượng đất, tôi đã huy động mở đường, thuê nhân công cải tạo đất, san tạo mặt bằng, phân khu trồng cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi gia cầm… 

Bằng những kiến thức đã học và hơn 6 năm trải nghiệm thực tế, em đã lựa chọn những, con giống mới và sử dụng phân chuồng, lá cây ủ mục để bón cây; sử dụng tỏi, ớt, rượu cùng một số loại lá rừng để chế ra thuốc phòng trừ sâu bệnh gắn với bảo vệ môi trường. 

"Lấy ngắn nuôi dài”, không khuất phục trước khó khăn, đến nay, Nông Kim Ngọc đã sở hữu 15 ha cam (chủ yếu là cam Vinh), 5 ha bưởi các loại, 2 ha ổi lê Đài Loan, 8 ha rừng trồng cây keo Úc và cây trẩu. Hiện đã có 4 ha cây ăn quả cho thu hoạch, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động có mức thu nhập trên 4,5 triệu đồng/tháng. 

Không giữ cho riêng mình, từ thành công ban đầu, Ngọc đã đem kiến thức, kinh nghiệm chia sẻ cho nhiều người dân trong xã. Chị Nông Thị Lụa - Bí thư Đoàn xã Ngọc Chấn nói: "Chính mô hình phát triển kinh tế của Nông Kim Ngọc đã tạo sức lan tỏa, thi đua trong toàn xã, được nhiều đoàn viên thanh niên, hộ gia đình đến tham quan học tập”. 

Chia tay với Ngọc khi cơn mưa rào vừa ngớt, những tia nắng xiên sáng cả một vùng ven hồ, chúng tôi biết dù phía trước sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những dự định của Ngọc về đầu tư nuôi bò sinh sản; nuôi gà đen, gà rừng; nuôi giun quế... cùng những cánh rừng, những vụ cây trái bội thu trên vùng đất khó sẽ thành hiện thực.

Văn Tuấn

Tags Bí thư đoàn Ngọc Chấn Yên Bình mô hình

Các tin khác
Bản định cư mới Cu Vai, xã Xà Hồ, Trạm Tấu. (Ảnh : Thanh Miền)

Từ triển khai hiệu quả chương trình, dự án, chính sách của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, bộ mặt cũng như đời sống người dân hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải tiếp tục có những đổi thay.

Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã hoàn thành 45 km đường rộng 1 mét ở các thôn, bản vùng cao.

Hàng chục ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đến các thôn, bản của huyện Mù Cang Chải chỉ trong một thời gian ngắn; người dân sẵn sàng góp công, góp tiền làm đường giao thông mà không sử dụng đến tiền vốn sự đầu tư của Nhà nước - đó là những kết quả mới và một bước tiến dài trong nhận thức, tư duy, hành động của người dân vùng cao trong phát triển giao thông nông thôn.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình anh Thào A Phổng đã có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Từ chỗ nghèo khó, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mấy năm gần đây anh Thào A Phổng ở thôn Hua Khắt, xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Vợ chồng Giàng A Dê – Vàng Thị Lỳ chia sẻ cùng PV

Đến La Pán Tẩn, Mù Cang Chải (Yên Bái) chúng tôi gặp vợ chồng Giàng A Dê, người đã vượt khó để xây dựng “Hello Mù Cang Chải” - mô hình du lịch cộng đồng (homestay) hoạt động có hiệu quả. Những hoạt động homestay đã đánh thức tiềm năng du lịch to lớn nơi đây, hiện thực hóa “giấc mơ” Mù Cang Chải trở thành trung tâm du lịch vùng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục