Niềm vui chữa bệnh cứu người

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/9/2019 | 8:02:02 AM

YênBái - 80 tuổi tròn theo cách tính dân gian, bà mế dân tộc Tày Hoàng Thị An ở thôn 5 Khe Sấu, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, đặc biệt nụ cười tươi rói khoe hàm răng đều đen nhánh. Nụ cười ấy đã xóa nhòa hết khoảng cách giữa khách với chủ, giữa người bệnh với bà mế này.

Bà mế Hoàng Thị An hàng ngày vẫn bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người.
Bà mế Hoàng Thị An hàng ngày vẫn bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người.

Bà mế An nói rằng cũng chẳng biết mình có giỏi hay không, chỉ biết là bốc thuốc nam chữa bệnh cho nhiều người rồi nhiều người khác lại tự tìm đến. Nghề thuốc đến với bà bắt đầu từ người mẹ dì chuyên bốc thuốc nam. Cách đây 29 năm, khi bà nghỉ công tác ở xã thì mới chính thức bốc thuốc và có nhiều thời gian làm nghề.

Lúc trước, vừa làm công tác hội phụ nữ vừa nuôi một đàn con nhỏ, bà túc tắc tranh thủ lấy thuốc hộ hàng xóm, người quen nhờ thôi vì cây thuốc có sẵn, có nhiều trên các đồi, gò gần nhà. Những ngày ấy, bà đã được nhiều người biết tiếng bởi "mát tay” chữa bệnh dạ dày. Sau này thì bà còn làm thuốc chữa các bệnh khác nữa như: sa dạ dày, sa dạ con, trĩ nội, trĩ ngoại, xương khớp, gan, thận. 

Ngay trong thôn có ông Phạm Văn Lương năm 2017 bị sỏi thận, bà đã cắt cho 5 thang thuốc và uống đến thang thứ ba thì ông hết đau. Bệnh nhân khỏi bệnh, nhiều người gọi điện cảm ơn nhưng bà không thể nhớ hết. Mọi thứ đều thay đổi theo thời gian, rất nhanh và rất khác nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao cứu giúp người, được nhiều người tin tưởng tìm đến mình để chữa bệnh. 

Bà vẫn nhớ khoảng năm 1995, trong một buổi sáng mà mình bà lấy được 5 bao tải cây thuốc. Càng ngày càng ít cây thuốc mọc tự nhiên và tuổi thêm cao, bà phải tìm nơi bán cây thuốc mình cần và đã chọn được một cửa hàng ở huyện Yên Bình, tùy mỗi đợt lấy từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Mỗi thang thuốc là 20.000 đồng nhưng bà thường cho bệnh nhân thêm thuốc hoặc không lấy hết tiền, thậm chí không lấy tiền.

Bà mế kể chuyện với giọng điệu rất trẻ trung: "Nhiều người hỏi bà sao không tăng giá thuốc cao lên chứ phải đi mua cây thuốc như thế thì có mà "lõm” à… Lõm thì không lõm đâu, chỉ là không giàu thôi, quý nhất là giữ được nghề”. 

Bà nói bà có lương, vợ chồng ông bà sống cùng vợ chồng anh con trai út và hai cháu nội, kinh tế có 3 ha quế mỗi năm bóc tỉa cũng được khoảng 100 triệu đồng, nuôi thêm con gà, con vịt và trồng cấy 5 sào ruộng. Vậy là tạm ổn về thu nhập vì hàng tháng bà tính cũng có thêm độ 3 triệu đồng nữa từ nghề bốc thuốc nam chữa bệnh. Năm 1998, bà mế An chính thức trở thành hội viên Hội Đông y Việt Nam. 

Với bà, việc này vui lắm, phấn khởi lắm, vinh dự lắm và càng thêm có ý nghĩa, có trách nhiệm bởi mình vừa được làm nghề vừa giữ uy tín cho tổ chức Hội. Hàng năm, bà có sổ ghi chép, theo dõi số người đến bốc thuốc bình quân là 550 - 570 người. 

Bệnh nhân xa thì ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, còn gần thì trong xã, trong huyện, trong tỉnh. Ngày xưa cứ phải đến tận nơi, giờ thì tiện đủ thứ: điện thoại để gọi, đường sá thuận lợi, dịch vụ vận chuyển… 

Bà cũng kể chuyện con cháu quay, chụp bằng điện thoại rồi đưa mình lên cả Facebook nữa đấy, hay ghê! Hỏi bà có ý định giới thiệu thuốc chữa bệnh của mình lên Facebook, bà cười rõ tươi: "Không đâu, ai đã chữa khỏi ở đây thì mách cho người khác tìm đến bà thôi, không muốn tự giới thiệu về mình đâu”. Điều khiến bà phấn khởi hơn nữa là vợ chồng anh con trai út ở cùng thì nay đều có thể làm thuốc giúp bà, riêng anh con trai đã đi học và có chứng chỉ làm nghề. 

Cuộc sống của bà mế An bây giờ là hàng ngày vui vầy bên gia đình, cùng con trai và con dâu bốc thuốc chữa bệnh cứu người, chứng kiến xóm làng và quê hương mỗi ngày đổi mới. "Đó là cái phúc lớn nhất của bà, như thế còn gì vui hơn”, bà cười sảng khoái.

Nguyễn Thơm

Tags Dân tộc Tày Hoàng Thị An Khe Sấu Đào Thịnh Trấn Yên người bệnh bà mế

Các tin khác
Văn hóa dân tộc ngay trong cuộc sống hàng ngày đã giúp nhiều gia đình người Thái Mường Lò làm dịch vụ du lịch homestay nhanh chóng.

Một ngày của chị Lường Thị Chung ở bản Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ bắt đầu từ rất sớm. Việc đầu tiên của chị là búi tằng cẩu gọn gàng, bận trang phục truyền thống phẳng phiu rồi mới đến các công việc khác. Mấy năm nay, nhà chị mở dịch vụ homestay nên ngoài việc đồng áng, chị còn phải tiếp đón, nấu ăn phục vụ du khách...

Sinh ra và lớn lên ở bản Hát 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu - một miền quê còn nhiều gian khó, song là một đảng viên trẻ, anh Lò Văn Păn đã không cam chịu đói nghèo, tích cực vươn lên phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê mình.

Bà con dân tộc Mông ở thôn Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình chung sức bê tông hóa nhiều tuyến đường liên thôn.

Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí, cán đích nông thôn mới ở các xã vùng thấp đã khó, ở xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải lại càng khó hơn.

Niềm vui của anh Nông Kim Ngọc khi cây trái sinh sôi.

Một lần cùng ngồi với chị Nông Thị Lụa - Bí thư Đoàn xã Ngọc Chấn, chị mãi khoe gương một thanh niên trẻ xếp bút nghiên, cất bằng cử nhân lên rừng lập nghiệp, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đó chính là Nông Kim Ngọc ở thôn Nà Đình, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục