Huyện Lục Yên có 23 xã và 1 thị trấn. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện có 15 xã khu vực III và 15 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc 8 xã khu vực II. Toàn huyện có trên 119.000 người thuộc 22 dân tộc; đồng bào dân tôc thiểu số (DTTS) chiếm trên 80%, trong đó trên 53% là dân tộc Tày.
Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện có sự đầu tư từ Chương trình 135 với các dự án thiết thực cho đồng bào DTTS như Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh phí thực hiện trên 13 tỷ đồng; Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng gần 86 tỷ đồng đã xây dựng mới 70 công trình giao thông, thủy lợi, điện dân dụng, nhà sinh hoạt cộng đồng và công trình chợ; cùng đó là trên 3 tỷ đồng cho duy tu, bảo dưỡng 14 công trình sau đầu tư.
Đối với Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, huyện đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức mở 19 cuộc bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho 833 lượt cán bộ, người dân đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thực hiện Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn đã có 1.157 hộ được vay với tổng số tiền 19 tỷ 647 triệu đồng.
Nguồn vốn vay đã được quản lý và sử dụng đúng mục đích, giúp hộ gia đình phát triển sản xuất hiệu quả. Đối với chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, toàn huyện đã có 101 hộ ở 18 xã được vay vốn tín dụng ưu đãi với số vốn trên 4,1 tỷ đồng.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thực hiện theo Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg đã hỗ trợ 2.870 hộ mua thiết bị nước sinh hoạt phân tán; 460 hộ được hỗ trợ mua máy móc, nông cụ sản xuất.
Thực hiện chính sách cấp phát thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đồng bào DTTS vùng khó khăn, hàng năm huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng địa phương tiến hành rà soát, thẩm định và tổ chức in, cấp phát đến gần 80.000 đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; tạo điều kiện cho đồng bào DTTS được khám chữa bệnh kịp thời, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ cơ sở. Công tác hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; việc cấp phát báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện đúng quy định...
Nhân dân xã Khách Thiện đóng góp công sức hoàn thiện các công trình giao thông đầu tư từ Chương trình 135.
Từ sự quan tâm đầu tư đó, bộ mặt nông thôn vùng cao, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn nhiều thay đổi. Từ năm 2015 đến 2019, kinh tế của huyện có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Ngành nông nghiệp tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi; nâng cao chất lượng cây giống, con giống, hình thành các vùng thâm canh tập trung nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.
Đến nay, diện tích, năng suất, chất lượng các sản phẩm nông lâm nghiệp của huyện đều tăng, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 864 tỷ đồng, đảm bảo an ninh lương thực với sản lượng lương thực có hạt đạt 38.124 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 506 kg/người/năm. Toàn huyện đã trồng mới được trên 10.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 66,5% năm 2015 lên 67,3% năm 2019.
Chăn nuôi chiếm tỷ trọng 37,9% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, nhiều cơ sở chăn nuôi tập trung, đông đàn hình thành; tổng diện tích nuôi thả cá trên địa bàn huyện tăng 32 ha so với năm 2015.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp có chuyển biến, giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện năm 2018 đạt trên 1.434 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2015, đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.
Hoạt động khoa học và công nghệ được sự đầu tư thích đáng với việc chuyển giao những phương pháp canh tác mới, đưa giống mới vào trồng thử nghiệm, nhân rộng mô hình đạt hiệu quả, có năng suất cao, chất lượng tốt, làm thay đổi nhận thức của đồng bào, tạo nên phong trào đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Về văn hóa - xã hội, tỷ lệ học sinh DTTS đến trường ngày càng tăng, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi, trẻ trong độ tuổi học sinh tiểu học, trung học cơ sở là người DTTS đi học luôn đạt từ 99 đến 100%. Nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, các chương trình mục tiêu về y tế được triển khai rộng khắp đến tận thôn bản vùng sâu, vùng khó khăn của huyện.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai sâu rộng; chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở được nâng lên đã góp phần hạn chế đáng kể các vụ việc phát sinh ở cơ sở. Đặc biệt, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào được chú trọng thực hiện...
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Lục Yên tiếp tục quán triệt sâu sắc về nhiệm vụ của công tác dân tộc; thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cả hệ thống chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời, huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn; thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc đưa huyện trở thành địa phương phát triển.
Minh Quang