Cùng với triển khai các văn bản, nghị quyết của Trung ương, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án "Sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020” nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo điều kiện giảng dạy và học tập tốt nhất cho giáo viên và học sinh, nhất là đối với vùng cao, vùng khó khăn.
Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả giáo dục tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú (PTDTNT, BT) đã được nâng lên rõ rệt.
Đến năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 9 trường PTDTNT với 2.966 học sinh, 7 trường PTDTNT THCS, 2.144 học sinh; 2 trường PTDTNT THPT với 822 học sinh; 100% học sinh trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh thuộc diện học sinh hưởng chế độ theo Thông tư 109. Trong tổng số 9 trường PTDTNT có 7 trường đạt chuẩn quốc gia (trước năm 2010, không có trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia).
So với năm học 2007- 2008, cấp THCS tăng 16 lớp, 874 học sinh, cấp THPT tăng 1 trường (PTDTNT Miền Tây), 6 lớp, 314 học sinh. Tỷ lệ học sinh người DTTS cấp THCS, THPT được học tại các trường PTDTNT tăng 2,13%.
Hiện nay, hệ thống các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ăn, ở, học tập cho học sinh ở nội trú. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 9 trường PTDTNT với quy mô 88 lớp, 2.972 học sinh, trong đó có 7 trường THCS, 64 lớp, 2.150 học sinh; 2 trường THPT, 24 lớp, 822 học sinh; học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) cấp THCS, THPT được học tại các trường PTDTNT đạt 7,13%.
Hệ thống trường PTDTBT được củng cố và phát triển với quy mô 53 trường PTDTBT, 51 trường có học sinh BT với 23.723 học sinh dân tộc BT được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có 22.378 học sinh ở trong trường, đạt 93,2%.
Các trường PTDTBT tiếp tục được quan tâm đầu tư, tăng số lượng tuyển sinh và đã từng bước khẳng định được chất lượng giáo dục; số lượng học sinh BT hàng năm tăng trên 10%. Chất lượng giáo dục so với các năm học trước cũng được tăng lên; tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi của các trường PTDTNT cao hơn so với các trường phổ thông khác.
Năm học 2017 - 2018, tỷ lệ xếp loại học lực giỏi cấp THCS đạt 11,8%, khá 59,1%, trung bình 28,9%, yếu 0,14%, không có học sinh xếp loại học lực kém (so với mức trung bình toàn tỉnh, tỷ lệ học sinh có học lực giỏi cao hơn 4,2%, tỷ lệ học sinh yếu thấp hơn 2,7%). Cấp THPT, học lực giỏi đạt 4,5%, khá 52,7%, trung bình 42,5%, không có học sinh xếp loại học lực yếu, so với mức trung bình toàn tỉnh (không tính trường Chuyên), tỷ lệ học sinh có học lực giỏi cao hơn 0,6%, tỷ lệ học sinh yếu thấp hơn 2,4%). Học sinh giỏi quốc gia tăng vượt trội so với những năm học trước đây: giai đoạn 1998 - 2008, có 10 giải học sinh giỏi THPT quốc gia; giai đoạn 2008 - 2018 đã có 27 giải học sinh giỏi THPT quốc gia...
Năm học 2018 - 2019, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi cấp THCS đạt 20,5% (tăng 8,7%), học lực khá 50,1%; cấp THPT, tỷ lệ học lực giỏi đạt 5,25%, học lực khá 60,07% (tăng 7,3%). Đối với các trường PTDTBT, cấp tiểu học, 96,7% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn Tiếng Việt; 98,9% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn Toán; đảm bảo tỷ lệ chuyên cần. Trong năm học 2018 - 2019, không có học sinh trường PTDTBT cấp tiểu học bỏ học; cấp THCS, học lực khá, giỏi đạt 23,9%...
Những kết quả đạt được trong công tác phát triển giáo dục dân tộc trong những năm qua của tỉnh đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS có chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của vùng cao, vùng đồng bào dân tộc nói riêng. Hiện nay, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh đang xây dựng "Đề án thành lập các trường PTDTNT THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Yên Bái”, trình tỉnh phê duyệt trong thời gian tới, nhằm củng cố, phát triển trường PTDTNT huyện theo hướng liên thông từ cấp THCS đến cấp THPT, phấn đấu đạt mục tiêu có 10% học sinh DTTS được học tại các trường PTDTNT, tạo nguồn đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS phục vụ yêu cầu lãnh đạo, quản lý hệ thống chính trị của tỉnh.
Minh Hằng