Văn Chấn tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/10/2019 | 12:38:31 PM

YênBái - Văn Chấn là huyện có địa bàn rộng với 31 xã, thị trấn, trong đó 17 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) khu vực III và 28 thôn bản ĐBKK thuộc 10 xã khu vực II được thụ hưởng Chương trình 135 với 18 dân tộc sinh sống.

Một buổi giải ngân cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: T.L)
Một buổi giải ngân cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: T.L)

Để thực hiện tốt các chính sách đầu tư hỗ trợ đối với các xã và thôn bản vùng DTTS, hàng năm, Phòng Dân tộc huyện đã chủ động tham mưu với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện triển khai nhiều chương trình, dự án như: tập huấn nâng cao kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ giống, phân bón, vật tư phục vụ phát triển sản xuất; làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản; xây dựng mô hình phát triển kinh tế tạo điều kiện cho người dân tham quan học tập; nâng cao năng lực cho cán bộ là người dân tộc thiểu số; đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn thông qua các chương trình, dự án… 

Từ năm 2015 đến nay, tổng nguồn thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn huyện là trên 138 tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu 134 tỷ đồng và duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư trên 4 tỷ đồng. 

Từ nguồn vốn trên, huyện đã triển khai xây dựng 118 công trình giao thông, 27 công trình thủy lợi, 2 công trình điện, 11 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và 10 công trình duy tu bảo dưỡng. 

Để hỗ trợ người dân vùng ĐBKK phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, huyện đã chỉ đạo các xã, các tổ chức đoàn thể trực tiếp giúp hộ DTTS về khoa học kỹ thuật, tư liệu sản xuất, nguồn vốn… cho 7.200 hộ với tổng kinh phí 18 tỷ 379 triệu đồng. Từ các chương trình hỗ trợ từ năm 2015 đến nay, huyện đã có gần 3.000 hộ DTTS thoát nghèo bền vững.

Điểm nổi bật trong việc triển khai thực hiện các chính sách vùng DTTS những năm qua là việc huyện đã triển khai thực hiện Quyết định số 33/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc di dân tái định cư đối với đồng bào DTTS ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Những địa bàn này điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Từ việc triển khai 2 dự án tái định cư tập trung cho 93 hộ, trên 500 khẩu tại thôn Chiềng Pằn 1, xã Gia Hội và ở bản Táng Khờ 1 xã Cát Thịnh với kinh phí hỗ trợ gần 22 tỷ đồng đã giúp cho đời sống vật chất, tinh thần người dân nơi đây từng bước được cải thiện. Huyện còn chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tiến hành rà soát, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất. 

Từ đồng vốn chính sách được sử dụng đúng mục đích đã giúp nhiều hộ DTTS thoát nghèo. Để tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS được cắp sách tới trường, huyện còn xây dựng 21 trường nội trú, bán trú. 

Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2019 đã thực hiện hỗ trợ cho 10.500 học sinh bán trú với kinh phí trên 70 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở gần 50 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực trên 21 tỷ đồng…

 Bà Phạm Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nhiều năm qua, Phòng đã phối hợp với các địa phương và các ngành chức năng triển khai các chương trình, dự án đều đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS được tiếp cận khoa học kỹ thuật, được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. 

"Từ các dự án hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vùng ĐBKK, đến nay 100% các xã có đường ô tô, điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất; trường học, trạm y tế đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân… Các chương trình, dự án được triển khai đã góp phần để mỗi năm huyện giảm trên 5% hộ nghèo” - bà Tuyết nhấn mạnh.

Từ thực hiện tốt các chính sách dân tộc nên đời sống vùng DTTS ở huyện Văn Chấn đã từng bước được nâng lên. Đường làng, ngõ xóm, nhà ở dân cư ngày càng khang trang sạch đẹp, khối đại đoàn kết các dân tộc luôn được giữ vững, lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, góp phần để an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tạo đà cho kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển. 

Thái Hưng

Các tin khác

Từ năm 2012 đến nay, xã Minh Chuẩn (Lục Yên) đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện mở 11 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, nâng cao kiến thức sản xuất cho 545 lượt người.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Trạm Tấu trao đổi việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn.

Huyện Trạm Tấu có phần lớn dân cư sinh sống là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: Mông, Thái, Tày, Khơ Mú, Cao Lan, Nùng, Dao, Phù Lá... Để từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS, huyện đã triển khai, thực hiện tốt các chính sách dân tộc.

Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thị xã Nghĩa Lộ có những chuyển biến tích cực. Kết quả đó là do các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các chính sách dân tộc nói riêng được thực hiện hiệu quả.

Trẻ trong độ tuổi học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số đi học luôn đạt từ 99 đến 100%.

Toàn huyện Lục Yên có trên 119.000 người thuộc 22 dân tộc; đồng bào dân tôc thiểu số chiếm trên 80%, trong đó trên 53% là dân tộc Tày.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục