Văn Yên phát huy vai trò người uy tín

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/10/2019 | 8:01:33 AM

YênBái - Huyện Văn Yên hiện có trên 150 người uy tín là các già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, cán bộ hưu trí, thầy cúng...

Ông Cầm Văn Dưỡng, người uy tín ở thôn Đoàn Kết, xã Ngòi A cùng Trưởng thôn nhận vật liệu cho công trình bê tông hóa đường giao thông của thôn.
Ông Cầm Văn Dưỡng, người uy tín ở thôn Đoàn Kết, xã Ngòi A cùng Trưởng thôn nhận vật liệu cho công trình bê tông hóa đường giao thông của thôn.

Đây là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở với nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ hủ tục cùng giữ mối đoàn kết, an ninh trật tự... ở địa bàn nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt khó khăn.


Với 12 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 48%, trình độ, nhận thức không đồng đều, bên cạnh đó các việc như tranh chấp ranh giới đất đai, mâu thuẫn hàng xóm, vợ chồng, các hoạt động tín ngưỡng, hủ tục... còn phổ biến, cho thấy sự cấp thiết của công tác tuyên truyền, vận động để bà con đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. 

Với tiếng nói, uy tín và vốn kiến thức qua các đợt tập huấn cung cấp thông tin, học tập, trao đổi kinh nghiệm ở các tỉnh, thành trong cả nước, người uy tín trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. 

Xã Ngòi A, một trong những địa phương giáp với trung tâm huyện lỵ nhưng giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào Tày, Dao. Bởi vậy, vai trò của người có uy tín trên địa bàn đã được phát huy và luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, đóng góp tiền của, công sức cùng Nhà nước xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông nông thôn, trạm, trường, điện, nước. 

Trong đó, điển hình như thôn Đoàn Kết, từ năm 2018 đến nay, với tiếng nói của mình ông Cầm Văn Dưỡng - người uy tín ở thôn Đoàn Kết đã cùng Trưởng thôn, cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp cùng Nhà nước làm được hơn 2 km đường bê tông. 

Ông Dưỡng chia sẻ: "Xin được vốn đầu tư của Nhà nước đã khó, nhưng vận động bà con tham gia cùng làm còn khó hơn. Ví như việc vận động hiến đất mở rộng nền đường không phải lúc nào và ở đâu cũng thuận lợi, có những trường hợp chúng tôi phải kiên trì tuyên truyền, vận động mới có kết quả. Rồi việc đóng góp tiền cũng mắc, do các hộ đi qua trục đường sẽ thi công và hộ không đi qua có mức đóng góp khác nhau. Tuy nhiên, sau nhiều lần bàn lên, tính xuống, cũng tìm ra mức đóng góp phù hợp được mọi người ủng hộ, nhất trí cao”. 

Bên cạnh đó, người uy tín còn tham gia hòa giải hàng chục vụ mâu thuẫn, xích mích giữa hàng xóm, vợ chồng, anh em, không để phức tạp kéo dài, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Ngoài ra, công tác định canh, định cư, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm. 

Ông Đặng Phúc Vạn, người uy tín thôn Khe Ván, xã Quang Minh cho biết: "Mình là người bản địa, mình biết rõ và hiểu hơn ai hết về hủ tục, thói quen của bà con. Mình luôn xác định, muốn phát triển được phải thay đổi tư duy, loại bỏ những cách làm không còn phù hợp. Nói đi đôi với làm, từ những kinh nghiệm học tập, tiếp thu được, mình đã đi đầu trong mọi hoạt động và vận động anh em trong nhà làm trước, dần dần bà con nhìn thấy rồi làm theo”.

 Nhờ đó, thôn Khe Ván hiện có trên 130 hộ với trên 99% là đồng bào Dao thì các công việc cưới xin, ma chay đều đã được tổ chức ngắn gọn, tiết kiệm, văn minh; không còn thả rông gia súc, gia cầm; không di dịch cư, phát nương làm rẫy mà tập trung trồng quế, trồng màu, không bỏ hoang đất trống, đồi trọc. 

Từ đó, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, bình quân mỗi hộ có từ 3 ha quế trở lên, có đường bê tông đi lại, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, con em được đến trường học chữ, hộ nghèo của thôn giảm xuống hiện chỉ còn 12 hộ. 

Từ sự đóng góp tích cực của người uy tín, kinh tế, xã hội cũng như an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực; các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được triển khai, thực hiện hiệu quả.

Phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín, huyện Văn Yên đã chủ động rà soát, bổ sung, xây dựng đội ngũ người uy tín đảm bảo về tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực sở trường, cơ cấu dân tộc... để người uy tín luôn là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

A.M

Tags Văn Yên người uy tín dân tộc thiểu số hiến đất góp tiền công sức

Các tin khác
Một buổi giải ngân cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: T.L)

Văn Chấn là huyện có địa bàn rộng với 31 xã, thị trấn, trong đó 17 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) khu vực III và 28 thôn bản ĐBKK thuộc 10 xã khu vực II được thụ hưởng Chương trình 135 với 18 dân tộc sinh sống.

Từ năm 2012 đến nay, xã Minh Chuẩn (Lục Yên) đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện mở 11 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, nâng cao kiến thức sản xuất cho 545 lượt người.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Trạm Tấu trao đổi việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn.

Huyện Trạm Tấu có phần lớn dân cư sinh sống là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: Mông, Thái, Tày, Khơ Mú, Cao Lan, Nùng, Dao, Phù Lá... Để từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS, huyện đã triển khai, thực hiện tốt các chính sách dân tộc.

Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thị xã Nghĩa Lộ có những chuyển biến tích cực. Kết quả đó là do các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các chính sách dân tộc nói riêng được thực hiện hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục