Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định "Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống”.
Quán triệt quan điểm đó, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái luôn xác định công tác dân tộc là nội dung quan trọng, gắn liền trong mọi lĩnh vực, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương; là điều kiện và cơ hội để đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, phấn đấu vươn lên, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Cùng với việc tập trung triển khai thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, với phạm vi và điều kiện của địa phương, giai đoạn 2014 - 2019, tỉnh Yên Bái cũng đã quan tâm ban hành và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trên 35 đề án, chính sách đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Qua đó, tiếp tục khẳng định và củng cố niềm tin sâu sắc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Yên Bái có gần 82 vạn người, 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,24%. Toàn tỉnh có 31 xã thuộc khu vực I, 68 xã thuộc khu vực II, 81 xã khu vực III, 849 thôn đặc biệt khó khăn (177 thôn thuộc xã khu vực II, 652 thôn thuộc xã khu vực III).
Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 17,68% (tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 81,26% số hộ nghèo toàn tỉnh). Riêng huyện Trạm Tấu tỷ lệ hộ nghèo là 52,85%, huyện Mù Cang Chải là 51,66%.
Trong 5 năm qua, thực hiện Chương trình 135, tỉnh đã được đầu tư trên 900 tỷ đồng xây dựng 672 công trình cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt; duy tu bảo dưỡng trên 157 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 48.649 lượt hộ nghèo; tổ chức 94 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở và 4 chuyến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, đã đầu tư hỗ trợ tư gần 270 tỷ đồng giảm nghèo nhanh và bền vững với huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải; xây dựng 35 công trình cơ sở hạ tầng; duy tu bảo dưỡng 40 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với việc khoán quản lý bảo vệ rừng, tiêm vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ giống, phân bón chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu lao động, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở.
Thực hiện Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã đầu tư gần 40 tỷ đồng tiếp tục triển khai thực hiện 23 dự án, di chuyển đuợc 434 hộ đến điểm định canh định cư. Thực hiện Quyết định 1592/QĐ-TTg và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã hỗ trợ trên 45 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ công trình nước sinh hoạt phân tán cho 9.950 hộ; hỗ trợ mua sắm máy móc nông cụ cho 1.937 hộ; đầu tư xây dựng 34 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg với kinh phí trên 7 tỷ đồng đã hỗ trợ téc nước sinh hoạt cho 4.400 hộ, chuyển đổi ngành nghề cho 220 hộ.
Năm 2018, tỉnh đã phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với dân tộc thiểu số rất ít người - dân tộc Phù Lá, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên giai đoạn 2016 - 2025 với kinh phí trên 42 tỷ đồng xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng các thôn bản, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào, hỗ trợ đào tạo, sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, hỗ trợ về giáo dục và y tế.
Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” với kinh phí 1.360 triệu đồng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân cho vùng dân tộc thiểu số; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra nắm bắt, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết thống để kịp thời có biện pháp ngăn ngừa, tuyên truyền vận động phù hợp.
Thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp cho 742.699 lượt khẩu nghèo với kinh phí hỗ trợ gần 70 tỷ đồng bằng tiền mặt hoặc phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi... giúp cho các hộ có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, việc làm ổn định, từng bước cải thiện đời sống, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo.
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số, từ năm 2016 đến nay đã có 21.845 hộ nghèo, 5.771 hộ cận nghèo, 1.790 hộ mới thoát nghèo được xét duyệt cho vay với số tiền giải ngân 1.098 tỷ đồng; mức vay bình quân đạt 37,3 triệu đồng/hộ.
Bên cạnh đó, các nguồn vốn khác tiếp tục được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng quy định và phát huy hiệu quả tốt. Chương trình mở rộng vệ sinh và nước sạch nông thôn đã hỗ trợ cho 30.000 hộ gia đình nghèo, cận nghèo cải tạo, xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỉnh đã quan tâm ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từ năm 2014 đến nay, đã mở mới, mở rộng được 820,35 km đường giao thông; kiên cố trên 1.147 km mặt đường bê tông xi măng.
Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới được tích cực thực hiện với nhiều hình thức phù hợp, được các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân hưởng ứng tham gia, góp phần hoàn thành mục tiêu của chương trình.
Đề án chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu mỗi năm giảm khoảng 2% lao động nông nghiệp, đào tạo nghề cho khoảng 6.000 lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm mới cho hơn 108.900 người.
Về giáo dục đào tạo, tỉnh đã triển khai thực hiện thành công Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp học của tỉnh giai đoạn 2016-2020 nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo điều kiện giảng dạy và học tập tốt nhất cho giáo viên và học sinh, nhất là đối với vùng cao, vùng khó khăn.
Lĩnh vực y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ y, bác sỹ.
Đồng thời, ban hành và thực hiện Đề án "Đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo hướng tự chủ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025"; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các nhóm đối tượng được thụ hưởng, trong đó có đối tượng là người dân tộc thiểu số vùng khó khăn.
Việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận các dịch vụ y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân từ cơ sở. Cùng với các chế độ, chính sách thăm hỏi, tặng quà dịp tết Nguyên đán, việc cung cấp thông tin, gặp gỡ, giao lưu, tham quan, học tập kinh nghiệm được tổ chức giúp những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực sự là trung tâm đoàn kết, gương mẫu và hướng dẫn nhân dân trong thôn, bản phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn an ninh - quốc phòng, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo môi trường ổn định, lành mạnh phục vụ công tác phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Những kết quả đạt được trong thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đã tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Trong 5 năm qua, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh, bình quân hàng năm tỷ lệ giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc đạt từ 5-7%/năm (cao hơn mức bình quân chung của tỉnh từ 1-2%). Sản xuất nông - lâm nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng và có chuyển biến tích cực, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, sản lượng lớn.
Đến nay, đồng bào đã chuyển đổi hầu hết diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng 2 vụ ngô trên đất dốc theo phương pháp canh tác bền vững ở vùng đồng bào dân tộc tại các huyện vùng cao; thay đổi tập quán sản xuất lúa nước từ 1 vụ sang 2 vụ; mở rộng gieo trồng các cây vụ đông trên đất ruộng bậc thang cạn, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào; tiếp tục mở rộng diện tích ruộng bậc thang tại các xã vùng cao để đồng bào có thêm đất sản xuất gắn với phát triển du lịch.
Những thay đổi về tập quán, phương thức sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc đã góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực ở vùng cao và từng bước hình thành một số sản phẩm hàng hóa đặc trưng, chủ lực, có giá trị kinh tế cao như cây sơn tra, thảo quả, chè Shan, quế, tre măng Bát độ, cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.
Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được quan tâm, khuyến khích phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, tạo việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần thúc đẩy sản xuất và cơ cấu kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng đã làm thay đổi căn bản, toàn diện bộ mặt nông thôn miền núi.
Đến nay, 100% đường từ huyện về trụ sở xã được cứng hóa, 100% số thôn bản đi được xe máy trong mùa khô, gần 90% đồng bào được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% số xã có điện lưới quốc gia, trên 90% số xã có công trình thủy lợi nhỏ, 89% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, trên 78% số phòng, lớp học được kiên cố hóa.
Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai tiếp tục nhận được sự quan tâm hưởng ứng, vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh có 54/157 xã (chiếm 34,3%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 30,4% so với cuối năm 2015, cao hơn so với bình quân của khu vực miền núi phía Bắc là 7,85%).
Mục tiêu phấn đấu là có 1 huyện (huyện Trấn Yên) đạt chuẩn huyện nông thôn mới, đến nay, đã hoàn thành 16/21 xã, dự kiến phấn đấu công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2020. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 9 trường PTDTNT với 88 lớp, 2.972 học sinh; 2 trường THPT với 822 học sinh; 53 trường PTDTBT với 23.723 học sinh bán trú.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyến biến tích cực, các chương trình quốc gia về y tế được quan tâm triển khai đồng bộ đã ngăn chặn và kiểm soát được nhiều dịch bệnh.
Đến nay, hầu hết đồng bào đến trạm y tế, bệnh viện để khám, chữa bệnh, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt 98,5%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,7%, tổng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 62,2%. Số bác sỹ/vạn dân là 8,8 bác sỹ, tỷ lệ trạm y tế xã/phường có bác sỹ làm việc là 75%.
Các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư, nhiều nhà văn hóa xã, thôn, bản được xây dựng. Chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên về quy mô, số lượng và chất lượng.
Hạ tầng, mạng lưới và dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển, 100% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở; 191 điểm phục vụ bưu chính; 155/157 xã có báo đến trong ngày; tỷ lệ hộ dân được nghe, xem phát thanh truyền hình đạt 97,5%; báo Yên Bái duy trì xuất bản và phát hành ấn phẩm "Yên Bái vùng cao” với 72.000 cuốn/năm.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển đảng viên tiếp tục được chú trọng, củng cố và giữ vững từ tỉnh đến cơ sở, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện.
Đến nay, toàn tỉnh có 539 tổ chức cơ sở đảng với 55.803 đảng viên, trong đó 21.196 đảng viên dân tộc thiểu số, chiếm 37,9%; 2.301 cán bộ người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu HĐND các cấp. Quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội cơ bản được giữ vững, ổn định. Vai trò của các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy, đã góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Ông Lý Văn Ngọc - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Văn Yên:
"Trong những năm qua, Phòng Dân tộc huyện đã tham mưu kịp thời giúp UBND huyện Văn Yên các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tới 10 xã và 49 thôn đặc biệt khó khăn, các xã thuộc vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Chương trình 135 đã được đầu tư trên 156 tỷ đồng, xây dựng 222 công trình; Dự án định canh, định cư đầu tư 6 tỷ đồng.
Các chương trình, dự án đầu tư đúng tiến độ bàn giao đưa vào sử dụng có hiệu quả; Chính sách bảo hiểm y tế cấp 302.089 lượt thẻ, đảm bảo 100% người dân được thụ hưởng... Việc triển khai các chính sách kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng đã phát huy được hiệu quả trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện. Từ năm 2014 đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện trung bình mỗi năm giảm 5,3%, đến nay còn 18,05%”.
Cao Chính (ghi) |
Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã được đẩy mạnh và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân là những tấm gương người dân tộc thiểu số tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển các dân tộc.
Đây là những nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ III năm 2019 đề ra cho giai đoạn 2019 - 2024 là: Khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tăng cường xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc. Đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc là người dân tộc thiểu số.
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái, với truyền thống đoàn kết, yêu nước, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái tiếp tục ra sức thi đua, phấn đấu, tự lực, tự cường cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, đổi mới, quyết tâm xây dựng hình ảnh con người Yên Bái: "Tự tôn, tự trọng, tự hào; nhân ái, nghĩa tình, thân thiện; đoàn kết, cần cù, sáng tạo”; xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp, văn minh, hội nhập và phát triển.
Trần Xuân Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh