Hãy xem RFA đơm đặt dựng chuyện nói gì về Việt Nam (VN)? RFA cho rằng: "Một dân tộc hạnh phúc chắc chắn không có hạnh phúc nào đặt trên hận thù… Nếu một dân tộc chỉ phát triển về kinh tế mà chưa phát triển về văn hóa thì dân tộc ấy chỉ là đàn bò trên thảo nguyên xanh… Có thể mập mạp, béo ú, nhưng chưa thể có tiến hóa và, văn minh còn quá xa vời"…
Và "Hơn nửa thế kỷ không có chiến tranh tôi không nghĩ rằng chúng ta có hòa bình, bởi lằn ranh giữa người Bắc, người Nam, người chiến thắng, kẻ chiến bại… quá lớn và nỗi hận thù sâu cay gai độc ấy ngấm ngầm từ trong ra ngoài… Chúng ta chưa bao giờ ngừng chia phe phái, giày xéo nhau, thế thì lấy đâu ra hòa bình để mà thịnh vượng, văn minh? Làm gì có văn hóa lành mạnh khi chúng ta nuôi nhiều hận thù. Khi không còn ai để cắn, nội bộ tại đất nước này đang cắn lẫn nhau".
Tiếp đó, RFA đưa ra thứ lập luận siêu bẩn rằng: "Người Mỹ đến thắp nhang, đặt vòng hoa, nghiêng mình, tưởng niệm trước anh linh những người cộng sản đã ngã xuống trong chiến tranh, đừng nghĩ đó là sự ăn năn của kẻ ác. Bởi trong chiến tranh chẳng có ai hiền lành và chính nghĩa, còn công cuộc mở rộng thuộc địa của các nước lớn họ nhắm vào những nước nghèo và lạc hậu đó là cuộc chơi của thế giới văn minh, nếu trách chúng ta sẽ trách tại sao mình quá lạc hậu, quá nghèo". Những luận điệu trên đây cho thấy bản chất đế quốc, thực dân của RFA không hề thay đổi dù quan hệ quốc tế hiện nay đã hoàn toàn khác. Tuy nhiên những người Mỹ bình thường, những người bị lừa gạt hoặc buộc phải cẩm súng sang Việt Nam họ vẫn có lương tâm và nhân tính.
Xin đơn cử vụ của Mỹ Lai (Quảng Ngãi), lính Mỹ đã vô cớ thảm sát hơn 500 người dân trong một trận càn, nhưng đã bị che dấu suốt bao nhiêu năm rồi mới bị vạch trần trước dư luận. Có đúng là những cựu binh Mỹ đến Việt Nam kính cẩn nghiêng mình trước những người đã chết dưới họng súng của họ "không phải là sự ăn năn” như RFA bịa đặt?
Hãy nghe chính những người trong cuộc họ nói gì?
Niek mott từng có mặt ở Việt Nam làm lính từ năm 1962 - 1963, năm 1964 chuyển sang làm báo cho tờ Saigon post, nay đã 80 tuổi, viết: "Tôi biết rất nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam sau chiến tranh và tất cả đều rất hối hận vì những gì mình đã làm ở Việt Nam, còn tôi không thể bởi nỗi hổ thẹn chính mình đã tình nguyện tham gia chiến tranh. Tôi thực lòng không muốn làm phiền người dân Việt Nam nào kể cả để họ phải mở lời nói tha thứ cho tôi, bởi chính tôi đã thấy những gì người Mỹ chúng tôi đã làm đối với người dân Việt Nam là sự dã man, tàn bạo, khủng khiếp, không thể diễn tả bằng lời".
Cựu binh Mỹ Bong Reling - Người sáng lập Hội cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình" ở Mỹ đã nói: "Điều làm tôi đau đớn nhất là những đau thương chúng tôi đã gây ra cho trẻ em Việt Nam".
Binh nhất Varna do SimPson thừa nhận đã giết 25 người ở Mỹ Lai. Năm 1977, một vụ cướp cò súng đã giết chết đứa con 10 tuổi của SimPson. Ông ta run rẩy bởi ám ảnh tội lỗi: "Thằng bé chết trong tay tôi và khi tôi nhìn nó, gương mặt nó giống như một đứa trẻ mà tôi đã đã giết". Ông ta thảng thốt kêu: "Đây là sự trừng phạt giành cho việc giết người của tôi". Một thời gian sau, con gái SimPson cũng qua đời vì viêm màng não. Ngày 4/5/1995, ở tuổi 48, cựu binh này đã tự kết liễu cuộc đời bằng một phát súng trường.
Những người Mỹ còn chút lương tâm thì như vậy, nhưng khi anh lính Tom Glen viết thư tố giác vụ Mỹ Lai gửi tướng Abrams chỉ huy lực lượng Mỹ ở Việt Nam, lá thư được giao cho thiếu tá Colin Powell, 31 tuổi điều tra, ông ta đã viết báo cáo rằng: " Sự thật là quan hệ giữa binh sĩ Mỹ và người dân Việt Nam rất tuyệt vời".
Sự dối trá đưa Powell thăng tiến rất nhanh, sau này còn trở thành Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ. Đứng trước Đài tưởng niệm các nạn nhân Mỹ Lai, cựu binh Mỹ Mike Hastie tỏ ý trân trọng quan hệ tốt để phát triển kinh tế giữa hai nước, nhưng ông vẫn nói rằng: " Không thể vì thế mà lãng quên quá khứ. Chúng ta phải nhắc nhở thế hệ tương lai nhớ về Mỹ Lai, nếu chúng ta chôn vùi lịch sử, chúng ta sẽ vùi lấp công sức của những người đã ngã xuống vì quê hương".
Người Mỹ trở lại Việt Nam đều có nhận xét chung là: "Người dân Việt Nam thân thiện, hào hiệp, cởi mở". Có lần một đoàn cựu binh Mỹ sang thăm Long An, nơi có một bãi xe tăng Mỹ bị ta diệt chớp nhoáng, nhưng không ít bộ đội và nhân dân ta cũng hy sinh. Hôm đoàn đến, nhiều gia đình ở đây làm "giỗ chung" cho nhiều người cùng lúc. Ông Sáu Khâm, Sư trưởng Sư đoàn 9 dẫn đoàn đi. Gặp đoàn bà con niềm nở chào đón như bạn bè, không có vẻ gì là thù oán cả, lại còn mời cả đoàn ở lại dùng cơm. Ông Sáu Khâm từ chối vì sợ trưa nắng lên bạn mệt. Đoàn đi rồi bà con hối hả chạy theo mang cả đồ ăn, bánh trái tặng đoàn khiến nhiều người Mỹ trong đoàn ứa nước mắt.
Tống thống Obama năm 2016 thăm Việt Nam đã nói: "Xin cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho tôi sự chào đón nồng nhiệt và lòng mến khách. Trong chuyến thăm này, tôi thật sự xúc động trước tấm lòng nhân hậu vốn nổi tiếng của người Việt Nam. Qua vô số người đứng xếp hàng trên các con phố tươi cười vẫy tay chào, tôi cảm nhận được tình hữu nghị giữa hai dân tộc".
Những tiếng nói chân thật trên đây của chính người Mỹ đã vả vào cái loa rè RFA, bóc trần bộ mặt vô liêm sỉ "ăn không nói có" của chúng. Việt Nam gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, như ông Phạm Thành Công, người mất mẹ, chị gái và em trai trong vụ Mỹ Lai đã nói với cựu binh schiel: "Ở Việt Nam chúng tôi có truyền thống hãy cho qua chuyện quá khư nhưng trong trái tim chúng tôi không thể quên. Hãy dạy cho thế hệ con, cháu của ông đừng lặp lại điều đó và đừng gây chiến tranh ở bất cứ đâu trên thế giới".
Người Việt Nam đối xử với người Mỹ như vậy, trong khi ngôi đền Yasukini ở Nhật thờ những người lính tử trận vì chiến đấu cho Thiên Hoàng, mỗi lần có các chính khách Nhật đến viếng đều bị Hàn Quốc và Trung Quốc phản đối. Hàn Quốc còn đòi Nhật bồi thường cho phụ nữ của họ bị bắt mua vui cho lính Nhật trước đây. Việt Nam đã đòi Pháp, Mỹ bồi thường những gì họ đã gây ra chưa?
Truyền thống độ lượng, nhân ái của người Việt Nam đã có hàng nghìn năm, cả trước khi có nước Mỹ. Thắng quân Minh, Nguyễn Trãi, Lê Lợi tha cho hàng vạn tù binh, còn cấp cả nghìn ngựa xe, lương thảo để họ về nước với chủ ý: " Lấy khoan hồng mở lượng hiếu sinh". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Đối với tù binh, đồng bào, chiến sĩ ta nêu cao lý tưởng chính nghĩa và nhân đạo, phải cho thế giới biết rằng ta là dân tộc văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước ta". Một lần đến thăm tù binh Pháp trong chiến dịch Biên giới (1950), Người đã cởi áo khoác đang mặc trao cho một tù binh đang rét run.
Đối với những cựu thù, Việt Nam còn đối xử nhân văn như vậy thì làm gì có chuyện người dân trong nước gần 50 năm sau chiến tranh "vẫn cắn xé nhau, không ngừng chia rẽ bè phái, giày xéo nhau" như RFA bịa đặt? Trong làn sóng dịch Covid 19 vừa qua, người dân và doanh nghiệp khắp nơi đã ủng hộ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm quán lương thực, thực phẩm, cây ATM gạo, ôxy không đồng, hàng triệu túi quà an sinh được gửi đến những nơi bị phong tỏa, nhiều người nấu 4.000 - 7.000 suất cơm/ngày suốt mấy tháng, có người cùng cảnh thất nghiệp vẫn chia sẻ lên mạng: "Ai thiếu gạo sang tôi lấy đỡ, tôi cũng khó nhưng bạn khó hơn".
Bên cạnh sự tàn khốc của dịch bệnh chúng ta càng nhận rõ hơn ai hết những giá trị nhân văn, tình thương yêu của con người với con người nơi đây. Hàng vạn nhân viên y tế từ khắp các bệnh viện, các tỉnh phía Bắc xung phong "Nam tiến" vào tâm dịch không quản hiểm nguy, vất vả, không phải tình ruột thịt, nghĩa đồng bào thì là gì? Làm gì có việc phân biệt người Bắc, người Nam như RFA xuyên tạc? Ai là "những con bò trên thảo nguyên xanh” như lời RFA.
Tờ Caller Times mới đây đăng bài của chị Mary Lee Grant có đoạn: " Khi còn dạy ở Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội, tôi có cảm giác như mình đang sống trong chuyện mà bố mẹ tôi đã từng kể về thời họ còn trẻ ở Oklahoma. Thời gian thế hệ vĩ đại có rất nhiều giá trị mà chúng tôi ngưỡng mộ. Những người Mỹ đang tìm kiếm các giá trị đạo đức truyền thống, họ có thể đến Việt Nam… Ở đây hàng xóm họ giúp đỡ lẫn nhau, họ cũng đối xử rất lịch thiệp với người nước ngoài… Họ tràn đầy hy vọng, sự kiên cường và rất biết quan tâm người khác, đó là những phẩm chất chúng ta cần học".
Phẩm chất người Việt Nam là thế, dù RFA gian xảo, quỷ quyệt cố bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ phục vụ âm mưu chống cộng của chúng thì chính những người Mỹ từng đến Việt Nam với cái nhìn khách quan đã nói ra điều ngược lại trở thành những cái tát thẳng vào mặt RFA.
RFA còn trắng trợn biện minh: "Nước mạnh có quyền được sang ăn cướp nước yếu" cho thấy đó chỉ có thể là lý sự và cách hành xử của loài thú, chứ loài người, nhất là ở thế giới văn minh không ai hành xử như vậy.
Nhất Tâm