Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Yên Bình cùng đi và hướng dẫn đoàn tham quan.
Có diện tích 23.400 ha, trong đó, diện tích mặt nước là 19.050 ha, chiều dài 80 km, sức chứa 3 - 3,9 tỉ mét khối nước, hồ Thác Bà được ví như "Hạ Long trên núi” với những đảo xanh lớn nhỏ soi bóng mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho hồ Thác Bà một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo nhưng lại rất thân thiện, hữu tình.
Với những giá trị độc đáo cả về cảnh quan và lịch sử, hồ Thác Bà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030.
Lãnh đạo tỉnh và huyện Yên Bình hướng dẫn đoàn công tác tỉnh Vân Nam tham quan mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, huyện Yên Bình đã tập trung, chỉ đạo khai thác hiệu quả, tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà để nuôi trồng thủy sản, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng với quy mô lớn.
Đến nay, trên hồ Thác Bà có 2 doanh nghiệp và 5 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, trên 300 hộ dân nuôi cá lồng và nuôi cá quây lưới; có khoảng 15% dân số ở 20 xã, thị trấn ven hồ sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản ở hồ Thác Bà.
Huyện đang thực hiện dự án phát triển thủy sản theo chuỗi liên kết giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm, chế biến để xuất khẩu trong thời gian tới. Tính đến tháng 10/2019, toàn huyện có 1.900 lồng nuôi cá và trên 400 ha diện tích mặt nước nuôi cá quây lưới, tổng sản lượng thủy sản của huyện năm 2019 ước đạt 14.000 tấn, mang lại nguồn thu nhập trị giá hàng chục tỷ đồng.
Huyện Yên Bình phấn đấu đến năm 2025 sẽ nuôi khoảng 3.000 lồng cá trên hồ Thác Bà đưa sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 20.000 tấn và mời gọi doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn để xuất khẩu các sản phẩm cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng sang thị trường Mỹ, Nhật, Thái Lan và các nước châu Phi…
Đoàn công tác tỉnh Vân Nam cùng các lãnh đạo tỉnh và huyện Yên Bình tham quan hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên Đá trắng Bảo Lai.
Đoàn công tác của tỉnh Vân Nam cũng đã đến thăm Công ty TNHH Một thành viên Đá trắng Bảo Lai tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình. Đây là doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá tự nhiên, sản xuất đá nhân tạo, sản xuất bột đá CaCO3 và sản xuất hạt nhựa để đáp ứng các nhu cầu xây dựng, phụ gia công nghiệp.
Hiện nay, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất tiên tiến và hiện đại nhất để sản xuất, cung cấp các sản phẩm đá cẩm thạch tự nhiên, đá nhân tạo, bột đá CaCO3 và hạt nhựa theo tiêu chuẩn quốc tế, mỗi năm khai thác được hàng trăm ngàn mét khối đá và bột đá phục vụ xuất khẩu ra thị trường trong nước và nước ngoài.
Đoàn công tác tỉnh Vân Nam cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm sau khi tham quan hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên Đá trắng Bảo Lai.
Qua đi tham quan, khảo sát tình hình thực tế tại huyện Yên Bình, Đoàn công tác tỉnh Vân Nam và các doanh nghiệp của tỉnh đã cùng nhau trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, xấc định đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hai tỉnh Yên Bái - Vân Nam tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư, cùng nhau hợp tác trong phát triển kinh tế với mục tiêu đôi bên cùng có lợi trên cơ sở khai thác những tiềm năng, thế mạnh của huyện Yên Bình nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Đức Toàn - Mạnh Cường