Những ý kiến tâm huyết từ vùng cao Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2015 | 9:38:35 AM
YênBái - YBĐT - Sau khi có hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Trạm Tấu đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cơ sở lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đến nay, đã có trên 1.200 ý kiến tham gia góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị.
Hầu hết các ý kiến đều nhất chí cao với nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị và cho rằng, dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu, nội dung thể hiện tính chiến đấu, tính tổng kết cao, toàn diện trên các lĩnh vực, kết cấu hợp lý, văn phong xúc tích, ngắn gọn, dễ hiểu. Dự thảo Báo cáo đã đề ra được phương hướng, mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, ổn định an ninh chính trị trong những năm tiếp theo rất rõ ràng, sát với thực tế.
Tuy nhiên, về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016 - 2020) có một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn về cụm từ "độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc" tại trang 5 dòng 11 (từ trên xuống) vì trong thực tế những năm qua, chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo luôn thu hút được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, nhân dân, vì vậy cần có đánh giá một cách chính xác đầy đủ hơn.
Đối với công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đa số các ý kiến nhất trí với đánh giá tình hình xây dựng Đảng trong 5 năm qua, nhất là tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào hạn chế: "Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI chưa đạt kết quả như mong đợi; nạn tham nhũng lãng phí, bệnh cơ hội thực dụng; sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên bước đầu được ngăn chặn nhưng chưa được đẩy lùi hẳn".
Cần quan tâm làm tốt hơn nữa công tác đánh giá cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới; kiên quyết không luân chuyển cán bộ yếu kém từ nơi này đến nơi khác.
Về phát triển văn hóa, xây dựng nhân tố con người, đa số các ý kiến nhất trí phương hướng và các giải pháp thực hiện đã nêu trong Dự thảo Báo cáo, nhưng một số ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp kiên quyết bài trừ các loại văn hóa phẩm độc hại.
Cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và xác định rõ đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Các cấp ủy đảng cần cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, đồng thời, lấy 6 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” làm nội dung đổi mới công tác mặt trận ở cơ sở.
Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chính quyền trong sạch vững mạnh.
Về quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo Báo cáo. Một số ý kiến đề nghị cần quản lý chặt chẽ công tác xuất khẩu lao động, thực hiện các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo. Bổ sung thêm cụm từ "quan tâm hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng" vào sau cụm từ "Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản" tại trang 48 dòng 14 (từ dưới lên).
Để xây dựng và thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, có ý kiến đề nghị trung ương cần xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách sát thực với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, chú trọng đến cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường học, trạm y tế để nâng cao dân trí, sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân.
Tăng cường giải pháp phát huy hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp vững mạnh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số và dạy nghề cho thanh niên dân tộc. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực của nhà nước, của nhân dân để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc khó khăn.
Về các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội 2016 - 2020, đa số các ý kiến nhất trí với các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong Dự thảo Báo cáo, nhưng một số ý kiến còn băn khoăn cho rằng: "Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới đạt 6,5% - 7%/ năm và đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD"; chỉ tiêu đến năm 2020, có 80 - 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý"; chỉ tiêu về môi trường đến năm 2020, có 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; chỉ tiêu đến năm 2020, khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới" có quá cao không?
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, là đợt sinh hoạt chính trị sâu sắc trong toàn Đảng; là dấu mốc đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Do vậy, những ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, là những tiếng nói tâm huyết của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu gửi tới Đại hội lần này.
Thu Hằng (Đài TT-TH Trạm Tấu)
Các tin khác
YBĐT - Đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các hoạt động giám sát, phản biện, giám định xã hội, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng. Đó là ý kiến tham gia của Luật gia Lê Bá Hùng - Hội Luật gia tỉnh Yên Bái góp ý vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.
YBĐT - Góp ý vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, đồng chí Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã có ý kiến tham gia như sau:
YBĐT - Góp ý vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, ông Sùng A Vang, thôn khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên có ý kiến sau:
YBĐT - Đó là ý kiến đóng góp vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của đồng chí Tống Xuân Toản - Bí thư Đảng bộ phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái.