Yên Bình: Nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm cao
- Cập nhật: Thứ tư, 11/11/2015 | 10:47:14 AM
YênBái - YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Hướng dẫn số 46-HD/VPTW, ngày 16/3/2015 của Văn phòng Trung ương Đảng và các văn bản hướng dẫn của Tỉnh ủy về việc thảo luận, lấy ý kiến tham gia vào dự thảo các văn kiện đại hội đảng các cấp, đến nay, huyện Yên Bình đã nhận được trên 2.000 ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.
Sau khi có hướng dẫn của Trung ương và của Tỉnh ủy Yên Bái, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Bình đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cấp ủy cơ sở tổ chức lấy ý kiến tham gia và cung cấp đầy đủ tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến tham gia. Từ ngày 1/4 đến 30/5/2015, toàn huyện đã mở 403 hội nghị lấy ý kiến đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhân dân, với sự tham gia của gần 6.000 lượt người và chỉ đạo 55 đảng bộ, chi bộ cơ sở tiếp tục đưa nội dung thảo luận, đóng góp ý kiến tại đại hội cấp cơ sở và đã tiếp nhận được 2.290 lượt ý kiến tham gia vào dự thảo các văn kiện.
Các ý kiến tham gia, cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo các văn kiện và đánh giá quá trình chuẩn bị dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII được chuẩn bị công phu, có sự sáng tạo, viết theo kết cấu mới (16 vấn đề chính); bố cục hợp lý, chặt chẽ, nên không bị trùng lặp các nội dung. Nội dung văn kiện đã đánh giá được toàn diện các lĩnh vực, phản ánh khách quan kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém, nguyên nhân và đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị, phần đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, hầu hết ý kiến nhất trí với Dự thảo. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, phần đánh giá khuyết điểm, hạn chế còn chung chung, chưa cụ thể; đề nghị đánh giá cụ thể hơn và có số liệu minh chứng; làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan đối với những chỉ tiêu chưa đạt. Có ý kiến đề nghị phần đánh giá về hạn chế việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) quyết liệt mạnh mẽ, nhưng không chỉ ra được một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái ở đâu? Kết quả xử lý như thế nào?
Góp ý vào phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2016 - 2020), cán bộ, đảng viên, công chức viên chức Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đã có ý kiến: Dự thảo Báo cáo có nêu, đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35 - 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, nhưng trong giải pháp chưa nêu rõ giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp bằng cách nào để thực hiện được mục tiêu đó. Bởi vì, thực trạng hiện nay, số học sinh học xong phổ thông ở nông thôn chưa có việc làm là khá cao, nếu không có giải pháp cụ thể giải quyết số lao động này thì chỉ tiêu giảm còn 35 - 40% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là khó thực hiện.
Sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay chưa thật sự phát triển; sản xuất còn nhỏ lẻ; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mới chỉ thực hiện thí điểm trên một số sản phẩm; chất lượng các dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp chưa đảm bảo như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn bị một số cơ sở trà trộn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, người nông dân vừa phải bỏ tiền đầu tư mà không có hiệu quả...
Nếu Nhà nước không có những giải pháp mạnh thì hàng hóa nông sản của Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng hóa nông sản nước ngoài về giá, chất lượng khi chúng ta thực hiện lộ trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần đầu tư cơ sở hạ tầng theo lộ trình xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển chăn nuôi, phát triển mạnh chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp với quy mô vừa và lớn; cải tạo con giống bảo đảm chất lượng; xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và đưa vào vận hành để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Về các giải pháp, hầu hết các ý kiến nhất trí với Dự thảo Báo cáo chính trị, vì các nhóm giải pháp đã được đề cập đầy đủ, tính thực tiễn cao. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung các giải pháp: Tập trung làm thay đổi nhận thức, phát huy nội lực, tinh thần chủ động của nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp; triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước; tập trung giải quyết khiếu nại của người dân, nhất là những khiếu kiện kéo dài.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu năm 2015 đến nay, Đảng bộ huyện Lục Yên đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng theo đúng trình tự hướng dẫn, phát huy tính dân chủ, qua đó đã nhận được hàng nghìn lượt ý kiến tham gia.
Tôi nhất trí cao với Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng. Dự thảo Báo cáo đánh giá khá đầy đủ, sâu sắc, chính xác về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (nhiệm kỳ 2010 - 2015) trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2015 - 2020).
YBĐT - Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng, mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường. Trong đó, xác định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng... và Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh...
YBĐT - Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì thế, Đảng ta luôn nhất quán tư tưởng “Xây dựng Đảng là then chốt”. Tư tưởng đó được thể hiện rõ trong các kỳ Đại hội Đảng và tiếp tục khẳng định trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng.