68 đảng bộ trực thuộc Trung ương hoàn thành đại hội đảng bộ nhiệm kỳ mới
- Cập nhật: Thứ năm, 12/11/2015 | 7:20:12 AM
68 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu được 3.504 cấp ủy viên khóa mới, tỷ lệ cấp ủy là người dân tộc và nữ đều tăng so với nhiệm kỳ trước.
Theo Ban Tổ chức Trung ương, các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 đã hoàn thành tốt yêu cầu, nội dung nêu trong Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Trình độ cấp ủy được nâng lên
Đến ngày 03/11/2015, toàn bộ 68/68 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức thành công đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 (Đảng bộ Ngoài nước tổ chức hội nghị đại biểu vì đặc thù hoạt động).
Bầu cử cấp ủy là nội dung quan trọng của đại hội. Về bầu ban chấp hành, tổng số cấp ủy viên khóa mới được bầu và chỉ định là 3.504 đồng chí. Trong đó: 1.242 đồng chí tham gia cấp ủy lần đầu, chiếm 35,49%; 396 đồng chí là người dân tộc thiểu số (11,3%), cao hơn 0,55% so với đầu nhiệm kỳ trước; 466 đồng chí nữ (13,3%), tăng 1,9% so với nhiệm kỳ trước. 21 đảng bộ có tỷ lệ cấp ủy viên nữ đạt trên 15% (nhiệm kỳ trước chỉ có 10 đảng bộ đạt tỷ lệ theo yêu cầu). 276 đồng chí trẻ (dưới 40 tuổi), chiếm 7,9%, tăng 2,5% so với nhiệm kỳ trước. 13 đảng bộ có tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia ban chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020 cao hơn 10%: Lào Cai, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước và cao nhất là Tuyên Quang ( 15,7%) (nhiệm kỳ trước chỉ có 05 đảng bộ đạt tỷ lệ theo yêu cầu). Trình độ của cấp ủy viên cao hơn nhiệm kỳ trước, với trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên trong đó có 273 tiến sỹ (chiếm 7,63%), tăng 2,05% so với đầu nhiệm kỳ trước; tổng số 3.493 đồng chí có trình độ lý luận chính trị cao cấp (chiếm 99,69%). Độ tuổi bình quân của cấp ủy là 49,86 tuổi, tương đương so với số tuổi bình quân của nhiệm kỳ trước.
Tổng số ủy viên ban thường vụ được bầu và chỉ định là 967 đồng chí. Trong đó, 106 đồng chí là người dân tộc thiểu số (chiếm 10,96%); 104 đồng chí nữ (chiếm 10,75%), cao hơn 2,9% so với đầu nhiệm kỳ trước. 07 đảng bộ có tỷ lệ nữ trên 15%: Kiên Giang 18,75%, Khối Doanh nghiệp Trung ương 20%, Cao Bằng 20%, Trà Vinh 20%, Hà Nội 25%, Thành phố Hồ Chí Minh 26,67% và cao nhất là Bình Phước 31,25%. Số lượng cán bộ trẻ là 18 đồng chí (chiếm 1,86%). Về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ,102 đồng chí có trình độ tiến sỹ, chiếm 10,55%; 04 phó giáo sư ( chiếm 0,41%). 966 đồng chí được đào tạo lý luận chính trị cao cấp (tương đương), chiếm 99,9%. Độ tuổi bình quân là 51,49 tuổi.
Các Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu 61 bí thư cấp ủy (Đại hội Đảng bộ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chưa bầu Bí thư, Bộ Chính trị sẽ phân công sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Theo quy định, Đại hội Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an Trung ương không thực hiện nội dung bầu ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư mà để Bộ Chính trị chỉ định; Hội nghị Đảng bộ Ngoài nước không bầu ban chấp hành mà để Bộ Chính trị chỉ định), có 02 đồng chí bí thư cấp ủy được chỉ định tại đại hội. Trong tổng số các bí thư được bầu, có 2 đồng chí bí thư dưới 40 tuổi, chiếm 3,17% (nhiệm kỳ trước không có); có 03 đồng chí là nữ, chiếm 4,76% (đầu nhiệm kỳ trước có 02 đồng chí); 07 đồng chí là người dân tộc thiểu số, chiếm 11,11%. 39 đồng chí bí thư tái cử, chiếm 61,9%. Các đồng chí bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 có độ tuổi bình quân là 52,43; được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều vị trí công tác, trong đó có 14 đồng chí có trình độ tiến sỹ, chiếm 22,22%. 6 đồng chí phó bí thư trong tổng số 54 cán bộ Trung ương luân chuyển về địa phương được bầu giữ chức vụ bí thư cấp uỷ, chiếm 11,11%.
Tổng số phó bí thư cấp ủy được bầu là 155 đồng chí, trong đó 17 đồng chí là người dân tộc thiểu số ( chiếm 10,96%); có 01 đồng chí dưới 40 tuổi(chiếm 0,64%); 17 đồng chí phó bí thư nữ (chiếm 10,97%), cao hơn 6,83% so với nhiệm kỳ trước (có 6 đồng chí). 24 đồng chí có trình độ tiến sỹ, chiếm 15,48%. Tuổi bình quân là 52,38 tuổi.
Kết quả bầu cử cấp ủy là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Những kết quả quan trọng
Trong vòng một tháng rưỡi, từ 15/9/2015 đến 3/11/2015, tất cả các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, theo đúng kế hoạch đề ra; hoàn thành sớm hơn gần 02 tháng so với nhiệm kỳ trước, có thêm quỹ thời gian cho công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy được tiếp tục đổi mới theo hướng phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; được tiến hành bài bản, khoa học theo quy hoạch cán bộ với quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, phát huy trí tuệ, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, theo đúng yêu cầu của Chỉ thị và các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Hầu hết các đại hội bầu đủ số lượng cấp ủy một lần, không phải bầu lần thứ hai. Số lượng đơn thư, khiếu kiện và các biểu hiện mất đoàn kết, gây ảnh hưởng không tốt đến công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy tại đại hội về cơ bản được khắc phục.
Hầu hết các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu đủ số lượng cấp ủy theo dự kiến. Cơ cấu các cấp ủy về cơ bản đạt 3 độ tuổi và thực hiện đổi mới trên 1/3 tổng số cấp ủy viên (35,49%) so với nhiệm kỳ 2010-2015. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Trình độ đào tạo của cấp ủy viên và nhất là thường vụ cấp ủy được nâng lên cả chuyên môn và lý luận chính trị. Hầu hết ủy viên thường vụ cấp ủy đã kinh qua chủ chốt cấp quận, huyện, do vậy có năng lực, kinh nghiệm công tác tốt hơn.
100% học viên các lớp cán bộ tạo nguồn cao cấp công tác tại địa phương được bầu vào thường vụ, phó bí thư và bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, trong đó trên 75% số bí thư cấp ủy là học viên dự nguồn và trên 15% là cán bộ luân chuyển đã khẳng định các chủ trương đúng đắn trong công tác luân chuyển cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ cao cấp, được các cấp ủy đồng tình, tin tưởng, giao nhiệm vụ.
Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội, các cấp ủy đã chú trọng lãnh đạo công tác tư tưởng, nhất là quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cán bộ; lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, bức xúc; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Do vậy, kết thúc đại hội các đảng bộ trực thuộc trung ương lần này về cơ bản không gây ra tâm lý xáo trộn hoặc hẫng hụt trong thực hiện nhiệm vụ và công tác tổ chức cán bộ; tạo được bầu không khí phấn khởi, đoàn kết, tích cực trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Ban Tổ chức Trung ương cho biết, những kết quả đạt được trên có từ một số nguyên nhân cơ bản sau:
Một là, việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03 về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã góp phần nâng cao tư tưởng chính trị, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tuy còn khó khăn nhưng từng bước được cải thiện, làm cho lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng được củng cố; là nền tảng quan trọng, quyết định thắng lợi của công tác chuẩn bị và bầu cử cấp ủy các cấp và đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Hai là, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với phương pháp, cách làm đổi mới, sát thực tiễn; có hệ thống văn bản nhất quán, đầy đủ, cụ thể và kịp thời. Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Quy chế bầu cử trước đây, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng; trên cơ sở tổng kết Chỉ thị về đại hội của nhiệm kỳ trước, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp sớm hơn 3 tháng so với cùng kỳ, sát, đúng với thực tiễn xây dựng Đảng; tạo điều kiện để các cơ quan Trung ương nghiên cứu, hướng dẫn; các cấp ủy trao đổi, quán triệt để thống nhất thực hiện. Bên cạnh đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành thời gian xem xét, cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự; trực tiếp dự và chỉ đạo các đại hội, có sự quan tâm đúng mức đối với công tác nhân sự cấp ủy, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nhân sự tại đại hội của các đảng bộ.
Ba là, công tác quy hoạch cấp ủy được đổi mới theo 3 độ tuổi. Công tác luân chuyển đào tạo cán bộ qua lãnh đạo chủ chốt cấp quận, huyện và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cao cấp đã được các cấp ủy và Trung ương hết sức coi trọng, đi vào nền nếp. Bên cạnh đó, công tác nhân sự đại hội đã được chuẩn bị từ rất sớm, thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học, đồng bộ, có chiều sâu, liên thông các khâu từ phát hiện, tuyển chọn, đánh giá, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ, đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp vững mạnh, làm cơ sở cho công tác nhân sự cấp ủy khi đến kỳ bầu cử.
Bốn là, vai trò tham mưu của các ban xây dựng Đảng ở Trung ương, Văn phòng Trung ương và tại địa phương được phát huy: Ban Tổ chức Trung ương đã triển khai xây dựng Hướng dẫn 26-HD/BTCTW ngày 18/8/2014 về công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Các ban đảng Trung ương cũng kịp thời nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn có liên quan. Ban Tổ chức các cấp ủy trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các đồng chí đứng đầu cấp ủy, đã khẩn trương cụ thể hóa sâu sắc, đầy đủ phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, đơn vị mình và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Hướng dẫn của Trung ương, nhất là việc thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng, được các đại hội đánh giá phù hợp với các nguyên tắc của Đảng và thực tiễn hiện nay, vừa phát huy dân chủ, vừa bảo đảm sự lãnh đạo tập trung của Đảng đối với công tác cán bộ và giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, mang lại hiệu quả thiết thực và thành công trong công tác nhân sự tại đại hội.
Năm là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy; công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội được tiến hành chủ động với nhiều hình thức, nội dung phong phú có sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, các ban tuyên giáo, tổ chức của các tỉnh ủy, thành ủy và việc đổi mới trong công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương đã góp phần làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, cơ cấu, tiêu chuẩn, quy trình… trong quá trình chuẩn bị đại hội, chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy, tạo ra không khí dân chủ, công khai, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Những hạn chế cần rút kinh nghiệm
Bên cạnh các ưu điểm và nguyên nhân đạt được nêu trên, đại hội các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2010-2015 vẫn còn những mặt hạn chế, như: So với số lượng cấp ủy viên dự kiến, vẫn còn thiếu 38 cấp ủy viên (chiếm 1,08%) do các cấp ủy chuẩn bị chưa đạt chỉ tiêu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, nên Trung ương đề nghị bầu khuyết để sẽ bổ sung trong nhiệm kỳ 2015-2020. 35 trường hợp đủ điều kiện tái cử (chiếm 1%) nhưng bầu không trúng ban chấp hành, do khi chuẩn bị cấp ủy còn nể nang, thiếu kiên quyết trong chuẩn bị người thay thế. Bầu ban thường vụ còn thiếu 39 đồng chí (chiếm 4,03%) do cơ cấu giới thiệu chưa phù hợp với quy định, hướng dẫn của Trung ương và tín nhiệm của cán bộ. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia cấp ủy ở một số đảng bộ chưa đạt yêu cầu của Chỉ thị 36; 41/65 đảng bộ không có cán bộ trẻ tham gia ban thường vụ. Số lượng phó bí thư cấp ủy so với đề án nhân sự còn thiếu 09 đồng chí (chiếm 0,93%), trong đó 02 đồng chí phó bí thư tỉnh ủy trúng cử ban chấp hành, nhưng không trúng cử ban thường vụ.
Nguyên nhân của hạn chế là do việc quán triệt, chỉ đạo của một số cấp ủy về Chỉ thị của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa kỹ lưỡng và chưa thật sự sâu sát, quyết liệt; có nơi còn chủ quan hoặc nể nang, chưa nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên; chưa kịp thời xử lý, giải quyết triệt để những vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác nhân sự; cá biệt có nơi còn biểu hiện thiếu đoàn kết, thống nhất.
(Theo HNMO)
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Hướng dẫn số 46-HD/VPTW, ngày 16/3/2015 của Văn phòng Trung ương Đảng và các văn bản hướng dẫn của Tỉnh ủy về việc thảo luận, lấy ý kiến tham gia vào dự thảo các văn kiện đại hội đảng các cấp, đến nay, huyện Yên Bình đã nhận được trên 2.000 ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.
YBĐT - Từ đầu năm 2015 đến nay, Đảng bộ huyện Lục Yên đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng theo đúng trình tự hướng dẫn, phát huy tính dân chủ, qua đó đã nhận được hàng nghìn lượt ý kiến tham gia.
Tôi nhất trí cao với Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng. Dự thảo Báo cáo đánh giá khá đầy đủ, sâu sắc, chính xác về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (nhiệm kỳ 2010 - 2015) trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2015 - 2020).
YBĐT - Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng, mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường. Trong đó, xác định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng... và Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh...