Đồng chí Vũ Minh Nghĩa- Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Viễn thông Yên Bái (VNPT)
Nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ, giai đoạn 2018 - 2020, Đảng bộ và chính quyền tỉnh bước đầu đã thực hiện thành công một số lĩnh vực quan trọng, tạo nền tảng và động lực mới cho sự phát triển kinh tế- xã hội, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ về phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đó là xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Yên Bái, lấy người dân làm trung tâm.
Ngày 1/8/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1373 về phê duyệt Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 – 2021, định hướng đến năm 2025.
Theo đó, để góp phần thực hiện nhiệm vụ, giải pháp "hoàn thiện, vận hành hiệu quả đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử; tạo bước đột phá về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế số, xã hội số trong giai đoạn tới của tỉnh”, với vai trò là doanh nghiệp nhà nước tham gia cung cấp, đầu tư công nghệ dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh, VNPT Yên Bái xin được tham gia đóng góp một số ý kiến sau:
Thứ nhất, cần tăng cường hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với quá trình chuyển dịch kinh tế số, xã hội số tại địa phương.
Thứ hai, cần triển khai hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng, chất lượng cao, phủ rộng và đảm bảo công tác an toàn an ninh mạng.
Thứ ba, hoàn thiện và vận hành hiệu quả đô thị văn minh gắn với chính quyền điện tử, tạo bước đột phá về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp địa phương có năng lực, có mức độ sẵn sàng cao đầu tư thiết bị kỹ thuật tiên tiến và nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ khi tham gia vào phát triển kinh tế số của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hồng – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh tỉnh Yên Bái
Tham gia đề xuất giải pháp trong việc huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh theo Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tôi có một vài ý kiến sau:
Đối với việc huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách: cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí; chính sách thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA; hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn..., từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đối với việc huy động nguồn lực tài chính từ nguồn lực ngoài ngân sách: nên tiếp tục rà soát và tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách để khuyến khích sự tham gia phát triển kinh tế của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công và trong đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện "xã hội hóa” đầu tư trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao; đổi mới và hoàn thiện chính sách thu hút vốn FDI vào khu vực công nghiệp, chú trọng và ưu tiên đặc biệt vào lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực có khả năng tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế trên cơ sở đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường....
Về phân bổ nguồn lực tài chính: phân bổ nguồn vốn cho từng giai đoạn, từng lĩnh vực để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn theo tinh thần các nghị quyết của Đảng. Thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công gắn với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, đảm bảo phân bổ nguồn lực tài chính Nhà nước đúng hướng, đúng mục tiêu.
Để phân bổ nguồn lực tài chính ngoài nhà nước đạt hiệu quả cao cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế tư nhân theo hướng bền vững, phát triển có chọn lọc và chất lượng đối với kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Về quản lý nguồn lực tài chính: cần không ngừng nâng cao năng lực người quản lý điều hành và chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế quản lý vốn ngay từ đầu để kiểm soát nguồn vốn tốt hơn, sử dụng tiết kiệm, tối đa hóa lợi ích, tránh bị thất thoát, hạn chế được những rủi ro không mong muốn; hiện đại hóa trang thiết bị trong quản lý vận hành để tinh giảm bộ máy quản lý mà vẫn đảm bảo được tính chính xác, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Các tổ chức tín dụng thực hiện thẩm định cho vay bảo đảm hiệu quả, đúng quy chế tín dụng thông qua việc tài trợ cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và tăng thu ngân sách.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hương – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bưu điện tỉnh Yên Bái
Về cơ bản, tôi nhất trí với các nội dung nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung thêm nội dung "quan tâm phát triển Đảng trong doanh nghiệp” vào phần mục 3 - "Tăng cường công tác tổ chức xây dựng Đảng” nằm trong phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Vì thực tế hiện nay, công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, nhất là trong doanh nghiệp cổ phần, tư nhân còn gặp nhiều khó khăn do một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển Đảng; nguồn phát triển đảng viên còn ít; nhận thức của một bộ phận người lao động về Đảng còn hạn chế... Làm tốt được việc này sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Mai Văn Hoàng – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng
Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị, tôi có một vài đề xuất giải pháp để thực hiện Chương trình trọng điểm "Cơ cấu lại ngành nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; tập trung phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc”.
Về sản xuất phát triển lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp tỉnh cần kịp thời đưa các giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao vào trồng rừng; tiến tới thành lập trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp có quy mô, hàm lượng chất xám và công nghệ cao nhằm cải thiện chất lượng nguồn giống cây lâm nghiệp.
Để Yên Bái phát triển nhanh, ổn định trở thành vùng cung cấp nguyên liệu lâm sản, các cấp quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và người trồng rừng cần đổi mới công tác quản, quy hoạch phát triển, tổ chức sản xuất các vùng chuyên canh, sản xuất gỗ nguyên liệu quy mô lớn, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến tạo năng suất, chất lượng, giá trị trồng rừng cao.
Ngoài ra, cần xây dựng phương án tổng thể để phát triển vùng nguyên liệu, trước mắt cung cấp cho các nhà máy chế biến, tăng giá trị GDP của tỉnh, hướng tới phát triển ổn định, bền vững, đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ đạo.
Về chế biến gỗ rừng trồng, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung phát triển mạnh năng lực chế biến bằng cách mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng cường chế biến sâu để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về khuyến công, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; phát triển ngành chế biến gỗ nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư công nghệ chế biến và công nhân tay nghề cao.
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành
Tham gia đề xuất các giải pháp trong việc ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực (trong đó có măng tre Bát Độ) trở thành sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, theo tôi, cùng với các giải pháp tổng thể đang thực hiện như: xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm tre măng Bát Độ tỉnh Yên Bái; thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tre măng Bát Độ tại huyện Trấn Yên và Văn Yên, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tập trung phát triển vùng nguyên liệu; triển khai đại trà, đồng bộ phương pháp nhân giống mới giúp cây tre măng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao; triển khai hiệu quả các dự án liên kết, các đề án, dự án về phát triển cây tre măng đã được tỉnh phê duyệt.
Đồng chí Vũ Thanh Nghị - Giám đốc Công ty Khoáng sản V.Star (Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh)
Tham giam đề xuất giải pháp thực hiện đột phá chiến lược về "xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn mới với đô thị, công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển”, tôi có một vài ý kiến sau:
Trước hết, đối với Khu công nghiệp phía Nam của tỉnh, cần tiếp tục quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ để phát huy được tối đa lợi thế là nơi có vị trí địa lý thuận lợi rất gần với đường sắt, đường thủy, đường bộ. Việc kết nối các loại hình giao thông sẽ không chỉ góp phần giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong giao thương, vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí vận tải mà còn đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp.
Ngoài ra, để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tỉnh cũng cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch, đào tạo dạy nghề mới, đào tạo lao động kỹ thuật cao; đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà – Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn
Tôi hoàn toàn nhất trí với phương châm, chủ đề nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị. Để đạt được những kết quả như nêu trong phần phương hướng, nhiệm vụ phát triển nhiệm kỳ 2020 – 2025 là "đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của vùng vào năm 2030”, theo tôi, cùng với xây dựng và phát triển Yên Bái trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh... còn cần phải có quyết tâm chính trị cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực và đặc biệt là phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hồng Oanh (thực hiện)