Trở về đất mẹ sau 47 năm hy sinh

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/7/2016 | 9:22:32 AM

YBĐT - Năm 1968, anh Hoàng Văn Đáp đang là Chi ủy viên, Xã đội trưởng, Ủy viên Ban Quản trị HTX nông nghiệp xã Minh Đông (một địa danh cũ của huyện Văn Yên). Tuy là con một, bản thân lại có 4 con còn nhỏ, thuộc diện miễn hoãn nhập ngũ, nhưng anh vẫn xung phong lên đường cứu nước.

Lễ truy điệu và an táng liệt sỹ Hoàng Văn Đáp được tổ chức long trọng vào ngày 7/7/2016 tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.
Lễ truy điệu và an táng liệt sỹ Hoàng Văn Đáp được tổ chức long trọng vào ngày 7/7/2016 tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.

Sau 6 tháng huấn luyện tại huyện Yên Bình, ngày 29/1/1969 anh Đáp vào Nam chiến đấu. Cũng lúc này, vợ anh sắp sinh đứa con thứ 5. Bao khó khăn đến với người vợ chiến sỹ, nhưng người phụ nữ đảm đang, giàu nghị lực ấy đã vượt lên tất cả để chồng được yên tâm lên đường chiến đấu. Cuối năm 69, chị Gái - vợ của anh Đáp nhận được thư chồng có đề địa điểm, thời gian: “Tây Ninh, ngày 13/7/1969…”.

Và cũng từ đó, không nhận được thông tin gì nữa, cho đến năm 1973 thì  chị nhận được giấy báo tử của chồng. Nỗi đau xé lòng, nhưng thương mẹ chồng già yếu, thương 5 con nhỏ dại khiến chị Gái phải nén chặt nỗi đau trong lòng để chăm mẹ, nuôi con. Sau này, bà Gái "đi theo chồng" ở tuổi 64 với căn bệnh tai biến. Không thể căn dặn các con được bằng lời, nhưng nhìn ánh mắt mẹ, các con hiểu điều bà muốn nói: "Sau này các con phải đi tìm đón cha về".

Do nhiều khó khăn, nên đến năm 2001, cuộc hành trình tìm cha của các con liệt sỹ Đáp mới bắt đầu. Căn cứ vào bức thư cuối cùng của cha đề “Tây Ninh ngày 13/ 7/ 1969”, các con liệt sỹ Đáp quyết định vào Tây Ninh tìm mộ cha. Song, qua mấy ngày tìm kiếm, không nghĩa trang nào ở Tây Ninh có mộ liệt sỹ Hoàng Văn Đáp. Trong lúc bế tắc, nhờ sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, các con liệt sỹ Đáp đã nhận một ngôi mộ chưa có tên trong Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Châu Thành, Tây Ninh.

Nhưng năm sau, khi vào thăm viếng cha, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Châu Thành yêu cầu gia đình phải cung cấp thông tin chứng minh ngôi mộ đó là liệt sỹ Hoàng Văn Đáp. Các con liệt sỹ Đáp đến Sở Lao động - Thương binh & Xã hội và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh tìm kiếm thông tin, nhưng đều được trả lời không có hồ sơ, thông tin về liệt sỹ Hoàng Văn Đáp trong tất cả các nghĩa trang thuộc tỉnh Tây Ninh quản lý.

Trở về Yên Bái, lúc này cụ Mai Thị Thi - mẹ liệt sỹ Đáp được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, sống với người cháu nội là anh Hoàng Văn Chung ở tổ 5, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái đã rất yếu. Mỗi khi các cháu đến thăm cụ lại dặn: “Phải tìm bằng được bố chúng mày nhé!”. Năm cụ 107 tuổi, bị lẫn nhiều, song không ngày nào không gọi: “Đáp ơi! Về với mẹ đi con!”.

Điều đó, khiến các con liệt sỹ Đáp khôn nguôi day dứt, quyết tìm bằng được cha bằng phương tiện thư từ, điện thoại, mở rộng khu vực tìm kiếm tới tất cả các tỉnh lân cận quanh Tây Ninh như: Bình Phước, Bình Dương và các đơn vị Quân khu 7, Quân đoàn 9, Quân đoàn 4, song thông tin phần mộ liệt sỹ Đáp vẫn hoàn toàn mờ mịt.

Đến đầu năm 2011, gia đình nhận được thư của Ban Chính sách Quân đoàn 4, gợi ý về Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị nhờ giúp đỡ. Sau nhiều ngày tìm kiếm, lần mò từng manh mối nhỏ và chắp nối các nguồn thông tin trong hồ sơ lưu trữ, Cục Chính sách đã hoàn tất được bản trích lục thông tin liệt sỹ Hoàng Văn Đáp: cấp bậc Trung sỹ; chức vụ Tiểu đội phó; đơn vị C6, D8, E101; hy sinh ngày 12/8/1969, tại lộ 13, Hớn Quản, Bình Long, nơi an táng ban đầu: Cầu Đầm, Hớn Quản, Bình Long. Các con liệt sỹ Đáp đã vô cùng phấn khởi, tưởng chỉ cần có bản trích lục này vào Bình Long là đã tìm được mộ cha, nhưng đấy chỉ là bắt đầu cho cuộc tìm kiếm kéo dài suốt 5 năm.

Ngày 10/11/2011, các con liệt sỹ Đáp vào Bình Long nhưng cũng như lần 1, tất cả các nghĩa trang của Bình Long, Bình Phước không có phần mộ nào ghi danh liệt sỹ Hoàng Văn Đáp. Tình huống đặt ra là, có thể mộ liệt sỹ Đáp nằm trong khu mộ liệt sỹ chưa biết tên, song mộ chưa biết tên nhiều lắm, nghĩa trang nào cũng có mộ liệt sỹ chưa biết tên hàng hàng, lớp lớp, biết cha mình ở đâu? Khó khăn vô cùng, nhưng không một chút nản lòng, các con liệt sỹ Đáp lại lần mò liên lạc tìm đồng đội cùng chiến đấu với cha trong trận đánh ngày 12/8/1969 tại lộ 13 hoặc có liên quan đến Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 101 - đơn vị của cha khi hy sinh; rồi gặp gỡ cả các cụ cao tuổi ở xã Tân Khai, huyện Bình Long - nơi diễn ra trận đánh 12/8/1969 để hỏi thông tin về nơi chôn cất liệt sỹ.

Qua 21 ngày đêm liên lạc trao đổi trực tiếp, gián tiếp, suy đoán, thông tin mộ liệt sỹ Đáp dần được hé mở; kết hợp với phương pháp ngoại cảm, tâm linh, các con liệt sỹ Đáp đã nhận ngôi mộ số 6, hàng số 6, khu D (khu mộ liệt sỹ chưa biết tên) trong Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Song, để bảo đảm chính xác phải tiến hành giám định ADN. Để giám định ADN phải có mẫu sinh phẩm của những người thân có mối quan hệ huyết thống theo dòng mẹ với liệt sỹ. Nếu không còn người thân theo dòng mẹ thì phải lấy mẫu của ông nội và bố đẻ để so sánh với mẫu sinh phẩm của liệt sỹ. Nhưng với liệt sỹ Đáp, cha mất ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc từ khi anh còn rất nhỏ. Sau đó, mẹ đưa anh lên Yên Bái và bà ở vậy nuôi con, nên người duy nhất để lấy sinh phẩm so sánh với sinh phẩm liệt sỹ ngôi mộ số 6 là cụ Mai Thị Thi, nhưng cụ đã mất từ năm 2007, phải đợi đến khi sang cát mới có thể lấy được sinh phẩm. Vì lo để lâu, hài cốt liệt sỹ sẽ bị phân hủy không đảm bảo cho việc lấy sinh phẩm giám định ADN, nên ngày 10/6/2013, các con liệt sỹ Đáp vào Bình Phước xin lấy mẫu sinh phẩm từ ngôi mộ số 6 để gửi bảo quản.

Được sự cho phép của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Phước và Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Bình Long, ngày 17/6/2013, các con liệt sỹ Đáp đã mở ngôi mộ số 6, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên mẫu xương lấy về được Trung tâm Pháp y, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh xác định không đảm bảo yêu cầu. Ngày 19/6/2013, các con liệt sỹ Đáp trở lại Bình Long, mở ngôi mộ số 6 lần thứ 2 để lấy lại mẫu xương.

Trong khi chờ đợi lấy được mẫu xương của cụ Mai Thị Thi, các con liệt sỹ Đáp quyết định nhờ Trung tâm Pháp y Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh làm xét nghiệm ADN nhân giữa sinh phẩm của liệt sỹ ngôi mộ số 6 với mẫu máu người con gái thứ 4 của liệt sỹ Đáp là chị Hoàng Thị Hoa. Coi đây là một cuộc giám định mang tính thử nghiệm vì ta chưa thể giám định ADN nhân giữa liệt sỹ và con.

Ngày 24/6/2013, các con liệt sỹ Đáp đã mang mẫu xương của liệt sỹ ngôi mộ số 6 về lưu giữ tại Viện Pháp y Quân đội. Ngày 24/7/2013, lại xin chuyển sinh phẩm sang chờ giám định tại Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Việt Nam là cơ sở giám định ADN lớn nhất nước hiện nay. Sau khi giám định, ngày 2/6/2014, các con liệt sỹ Đáp trở lại Bình Long mở ngôi mộ số 6 lần 3 để trả lại các mẫu xương còn thừa.

Những ngày tháng chờ đợi sau đó, các con liệt sỹ Đáp vẫn tiếp tục tìm kiếm thông tin về cha bằng nhiều nguồn: mạng Iternets, Chương trình "Nhắn tìm đồng đội", "Trở về từ ký ức" của Đài Truyền hình Việt Nam; Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sỹ Việt Nam; Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý Marin Hà Nội... và nhiều tổ chức, cá nhân trên cả nước.

Việc làm tưởng như mò kim đáy biển ấy không uổng phí, ngày 6/5/2014, có người đã gửi cho các con liệt sỹ Đáp một bản báo cáo của Mỹ đã được dịch sang tiếng Việt về trận đánh ngày 12/8/1969 tại lộ 13, Hớn Quản, Bình Long. Lần theo những thông tin trong báo cáo, các con liệt sỹ Đáp đã tìm được người đồng đội của cha, nhân chứng của trận đánh 12/8/1969 với xe tăng Mỹ, đó là Cựu chiến binh Nhâm Văn Hưng, nguyên là Đại đội trưởng của liệt sỹ Đáp, hiện đang sinh sống ở Thái Nguyên.

Ông Hưng kể lại thời gian tiếp nhận liệt sỹ Đáp về Đại đội 6 là ngày 13/7/1969. Như vậy, là có sự trùng khớp với lời đề "Tây Ninh 13/7/1969" trong lá thư cuối cùng liệt sỹ Đáp gửi về cho gia đình, sau đó  29 ngày thì hy sinh.

Ngày 21/1/2016, khi sang cát cho cụ Mai Thị Thi, các con Liệt sỹ Đáp đã xin bà 3 chiếc răng để giám định so sánh với mẫu xương của liệt sỹ ngôi mộ số 6 đang được lưu giữ tại Viện Công nghệ Sinh học từ năm 2013. Sau hơn 3 tháng đợi chờ, hồi hộp, hy vọng, lo lắng, mong từng ngày qua đi, ngày 9/5/2016, các con liệt sỹ Hoàng Văn Đáp nhận được kết quả giám định của Viện Công nghệ Sinh học: AND tách từ mẫu hài cốt lấy từ ngôi mộ số 6, hàng 6, khu D, Nghĩa trang Liệt sỹ Bình Long, Bình Phước có liên quan huyết thống theo dòng mẹ với ADN tách từ mẫu hài cốt của cụ bà Mai Thị Thi là mẹ liệt sỹ Hoàng Văn Đáp.

Chân dung liệt sỹ Hoàng Văn Đáp. 

Tìm được liệt sỹ Đáp, không chỉ là niềm vui vô bờ của các con liệt sỹ mà còn của cả dòng họ, đồng đội, dân làng. Giờ đây, nỗi đau nén lại để nhường cho niềm hạnh phúc được đón cha về. 47 năm nằm ở Bình Long trong sự chăm sóc của đồng bào, đồng chí, miền Nam, nay các con đã đưa liệt sỹ Đáp trở về với mẹ, với vợ của liệt sỹ Đáp, với mảnh đất Yên Bái thân yêu.

Ngày 7/7/2016, Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh phường Minh Tân đã tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Đáp tại Nghĩa trang Liệt sỹ trung tâm tỉnh với sự có mặt của Trung tướng Lê Văn Ngân - Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, Thiếu tướng Lê Huy Mai - Phó Ban liên lạc Cựu chiến binh Quân khu Bình - Trị - Thiên, cùng các đồng đội, các cựu chiến binh và đông đảo bà con xóm phố đã diễn ra trang trọng và xúc động. Hành trình tìm cha đầy gian nan, thử thách của các con liệt sỹ Hoàng Văn Đáp đã kết thúc có hậu, bởi đó là tình thương yêu, là sự đền ơn đáp nghĩa của của các thế hệ sau với những anh hùng, liệt sỹ đã dâng hiến cuộc đời mình, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Nguyễn Hiền Lương

Các tin khác

YBĐT - Mường Lai - vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng, là địa phương đầu tiên của huyện Lục Yên thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân các dân tộc xã Mường Lai hôm nay luôn phát huy tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông bà Đặng Ngọc Chi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời trong quân ngũ.

YBĐT - Người cựu chiến binh nay đã bước sang tuổi 89. Gần 30 năm trong quân ngũ, ông đã hoàn thành nghĩa vụ cao cả của người lính với Tổ quốc đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Đường vào Bản Chanh hôm nay.

YBĐT - Địa bàn thôn Bản Chanh, xã Phù Nham (Văn Chấn) hôm nay chính là nơi “đứng chân” của Khu ủy Tây Bắc những năm 1953 - 1954 để lãnh đạo phong trào cách mạng của bốn tỉnh Tây Bắc chống thực dân Pháp xâm lược.

Do tính chất quan trọng của chiến dịch Biên giới 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch nhằm đảm bảo tính chắc thắng. >>Nét truyền thống tiêu biểu và những phần thưởng cao quý của LLVT Quân khu trong 70 năm qua

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục