Bài 1: Bi tráng cuộc phá Căng Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ tư, 20/7/2016 | 10:08:00 AM
YBĐT - Cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945, ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952.
Khu Di tích lịch sử văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ là “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
|
Đã thành thông lệ, cứ đến trung tuần tháng 7, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ lại tổ chức nhiều hoạt động tri ân. Năm nay cũng vậy, vào tối ngày 26 tháng 7 này, tuổi trẻ thị xã sẽ tổ chức Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ, tổ chức tặng quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách tiêu biểu.
Hòa trong không khí tưng bừng ấy, chúng tôi về nơi đây để tìm hiểu về cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945, ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952.
Ánh nắng của chiều hè làm sáng rực Tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ phía cuối thị xã, đi trong khuôn viên Khu di tích rộng 2,5 ha rợp bóng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, đường từ Tượng đài đến các điểm di tích sạch sẽ làm cho không khí oi nồng của buổi chiều hè trở nên mát hơn. Với 3 khu chính là khu Tượng đài Chiến thắng, khu Nhà bia lưu danh 403 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng cho quê hương và Ngôi mộ chung với biểu tượng hoa ban 9 cánh tương ứng với 9 liệt sỹ đã hy sinh trong trận phá Căng vượt ngục năm xưa, trong đó có liệt sĩ, cố nhạc sĩ Đinh Văn Nhu - tác giả khúc tráng ca cách mạng "Cùng nhau đi Hồng binh", chúng tôi nghẹn ngào, tự hào tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã chiến đấu anh dũng, hy sinh nơi đây. Thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính, ghi ơn các anh hùng liệt sỹ. Chúng tôi được nghe chị Nguyễn Thu Phong - tuyên truyền viên Khu di tích với giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm kể về những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta 64 năm về trước.
Với ý đồ dập tắt phong trào cách mạng, thực dân Pháp lập các trại "lao động đặc biệt" để tập trung những người yêu nước. Sau khi Căng Bá Vân (Thái Nguyên) bị giải thể, thực dân Pháp đã đưa những người yêu nước bị giam về Nghĩa Lộ. Mùa hè năm 1944, Tri phủ Văn Chấn đã thông báo cho các tổng, xã, bắt phu nộp tre, gỗ, vật liệu để xây dựng Căng. Thực dân Pháp còn cử Bang Tá, Đinh Văn Dung (con rể Tuần phủ Đỗ Văn Bình là tên nợ máu với nhân dân) và tên Lămbe ở Sở Mật thám Hà Nội về đốc thúc dân phu Văn Chấn làm việc. Lămbe là con tên Đồn trưởng Đồn Nghĩa Lộ Dirradin, hắn đã từng sống ở Nghĩa Lộ nên khá am hiểu mảnh đất này.
Sau 5 tháng bắt dân phu lao động, thực dân Pháp đã hoàn thành việc xây dựng Căng Nghĩa Lộ. Đây là một trại giam khá kiên cố và liên hoàn, gồm 3 dãy nhà dài, 2 dãy để giam chính trị phạm nam, 1 dãy để giam chính trị phạm nữ. Ngoài ra, chúng còn xây dựng nơi thường trực, nhà ở của bọn sỹ quan, binh lính và trạm gác của lính khố xanh. Bao bọc bên ngoài là 3 hàng rào dây thép gai sắc lẹm, tiếp đó là hầm sâu, phía dưới cắm chông... Ở 4 góc của Căng có chòi gác, ngày đêm chúng thay phiên canh gác cẩn mật.
Tháng 2 năm 1945, thực dân Pháp chuyển gần 100 tù chính trị từ Căng Bá Vân (Thái Nguyên) sang Căng Nghĩa Lộ. Trên đường từ ga Yên Bái về Căng Nghĩa Lộ, dẫu bị kìm kẹp, kiểm soát, đốc thúc gắt gao, các chiến sỹ vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Khi qua bản làng, họ đã hát vang bài ca cách mạng, công khai vạch mặt, tố cáo tội ác của thực dân Pháp - phát xít Nhật và bọn tay sai bán nước hại dân. Đồng thời, họ tuyên truyền các chính sách của Mặt trận Việt Minh, giác ngộ quần chúng nhân dân, xây dựng lòng tin và cốt cách khí tiết của người cán bộ cách mạng. 3 giờ chiều ngày 1/2/1945, đoàn chính trị phạm đến phố Nghĩa Lộ.
Mặc dù trước đó tên Đồn trưởng Nghĩa Lộ bắt nhân dân phải đóng kín cửa, không được họp chợ, không được đi lại... nhưng nhân dân vẫn tìm mọi cách theo dõi, tiếp xúc với đoàn chính trị phạm. Khi vào đến phố, tranh thủ thời cơ một tù chính trị lớn tiếng nói với đồng bào: "Chúng tôi là những người yêu nước, chẳng may bị bắt mang về đây giam giữ, xin gửi lời chào thân ái đến đồng bào. Rồi đây có dịp chúng tôi sẽ gặp gỡ bà con...". Dũng khí hiên ngang, lời lẽ thân mật, các chiến sĩ cách mạng đã nhanh chóng tạo ấn tượng tốt với đồng bào và đồng bào cũng tin tưởng vào cách mạng.
Người dân đến tham quan Khu Di tích lịch sử văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ.
Ngay sau khi về Căng, các chiến sĩ cách mạng đã bắt tay vào các công tác hoạt động trong trại giam. Một trung đội lính khố xanh dưới quyền chỉ huy của một tên đồn trưởng người Pháp và một số tên tay sai như Chánh Quản Nhượng, Đội Mai, Cai Tác... thay nhau canh gác nghiêm ngặt, hàng ngày có một tên đội, một tên cai và 12 lính.
Tuy vậy, Chi bộ Đảng trong Căng đã họp, nhanh chóng đề ra chương trình hoạt động. Chi bộ thành lập hai tổ tuyên truyền, một tổ làm công tác binh vận và cho ra đời báo "Đường Nghĩa" và một tổ tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, của Mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù, giác ngộ anh em lính khố xanh theo con đường chính nghĩa.
Ngoài tuyên truyền, vận động giác ngộ cách mạng, anh chị em chính trị phạm còn tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh trực tiếp với kẻ thù. Nhân dịp tết Nguyên đán, anh chị em tổ chức dựng và treo cờ, làm kỳ đài, chăng khẩu hiệu, đèn lồng và tổ chức diễn kịch mời đồng bào xem; cử người đưa yêu sách cho Phủ và Đồn, đòi ra ngoài làm lễ truy điệu một số đồng chí của ta hy sinh ở vườn ổi và cho các trại đi thăm hỏi nhau...
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, thực dân Pháp đã nhanh chóng đầu hàng. Ở các địa phương nói chung và Nghĩa Lộ nói riêng, quân Pháp tan rã nhanh chóng, nhiều sĩ quan, binh lính tháo chạy thoát thân. Trước tình hình đó, Chi bộ Căng Nghĩa Lộ bàn kế hoạch phá Căng tự giải thoát, tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Cũng trong ngày đó, tên tướng Pháp là LeGrand - chỉ huy mặt trận Tông (Sơn Tây) đi ô tô vào Nghĩa Lộ, bỏ xe tại đồn rồi chạy bộ sang Tú Lệ tìm đường sang Trung Quốc.
Sáng ngày 12/3/1945, sĩ quan, binh lính của hắn kéo vào nằm la liệt ở sân bóng và đường phố Nghĩa Lộ để hôm sau đi tìm chủ tướng. Chiều ngày 12/3/1945, tên Đồn trưởng người Pháp là Xiver cho mời đại diện anh em tù chính trị ra thảo luận. Mục đích của chúng là muốn lợi dụng một số đồng chí của ta biết tiếng Pháp, có hiểu biết và nắm được địa hình, tình hình giúp chúng tháo chạy và bàn một số biện pháp chống Nhật. Đại diện của ta yêu cầu Pháp trang bị vũ khí cho ta để cùng chống Nhật nhưng chúng không chấp nhận, cuộc thương thuyết thất bại.
Trong thời gian trước đó, Chi bộ Đảng trong Căng đã họp, thống nhất đi đến quyết định khởi nghĩa vào đêm ngày 15/3/1945. Kế hoạch khởi nghĩa được lên chương trình cụ thể. Đêm ấy là đêm Cai Sinh chỉ huy anh em canh gác (đều là người được cách mạng giác ngộ), đợi tên Quản Nhượng ngủ say, Cai Sinh sẽ khóa chặt cửa buồng nhốt hắn lại, sau đó mở cửa nhà giam cho anh em tù chính trị ra nhận súng (súng do binh lính làm nội ứng chuyển đến) và cùng nhau chiếm đồn. Kế hoạch như vậy nhưng bỗng nhiên Quản Nhượng lại điều Cai Sinh đi nơi khác.
Trước tình hình này, Chi bộ quyết định hoãn khởi nghĩa đến đêm ngày 19/3/1945. Nhưng chiều ngày 17/3/1945, khi Phó sứ Yên Bái tên là Penlie cùng Đồn trưởng Nghĩa Lộ là Xiver vào kiểm tra Căng, anh em chính trị phạm của ta do nôn nóng đã xông đến quật ngã tên Phó sứ, bắt tên này phải ra lệnh mở cửa trại giam, giải thoát tù chính trị. Trong khi hai bên đang vật lộn, tên Quản Nhượng đã giằng súng của người lính gác bắn làm hy sinh 2 đồng chí của ta.
Hai tên Pháp cùng Quản Nhượng chạy ra ngoài, Phó sứ lệnh cho tên lê dương về mang quân cùng vũ khí lên bắn chính trị phạm. Người lính bị Quản Nhượng giằng súng thấy thế liền quát to: "Tất cả chạy đi", thế là tất cả chính trị phạm ùa ra khỏi cổng trại, dìu nhau thoát khỏi vòng vây quân thù. Trong khi bạo động xảy ra, địch đã nổ súng làm hy sinh 9 chiến sĩ cách mạng của ta. Đó là đồng chí Ngô Gia Bẩy, sinh năm 1905, dân tộc Kinh, quê ở Hà Giang; Nguyễn Văn Hiếu, sinh năm 1905, dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn; Nguyễn Đăng Kim, sinh năm 1920, dân tộc Kinh, quê ở Vĩnh Phúc; Nguyễn Văn Phùng, sinh năm 1919, dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn; Nguyễn Doãn Duyệt (tức Liêu), sinh năm 1907, dân tộc Kinh, quê ở Hải Dương; Đinh Văn Nhu, sinh năm 1903, dân tộc Kinh, quê ở Hải Phòng; Phạm Quang Thẩm, sinh năm 1903, dân tộc Kinh, quê ở Thái Bình; Nguyễn Văn Hương, sinh năm 1887, dân tộc Tày quê ở Lạng Sơn và Phạm Văn Vy, sinh năm 1917, dân tộc Kinh, quê ở Hà Nam.
Những chiến sĩ cách mạng thoát khỏi ngục tù, mặc dù bị thực dân Pháp truy nã gắt gao nhưng họ được nhân dân Nghĩa Lộ che chở giúp đỡ thoát khỏi vòng vây của kẻ thù đã trở lại với đội ngũ, tham gia vào công việc chuẩn bị và tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn Nghĩa Lộ và cả nước. Dù không tránh khỏi những hy sinh, tổn thất song vụ phá Căng đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng trong nhân dân.
Quang Thiều
(Bài 2: Khúc tráng ca giữa miền ban trắng)
Các tin khác
YBĐT - Lịch sử còn ghi rõ những đóng góp xứng đáng cả về nhân lực, vật lực của quân và dân Yên Bái trong cuộc kháng chiến chống Pháp; trong đó, đặc biệt phải kể đến những ngày đêm kiên cường, không quản gian lao trên bến Âu Lâu huyền thoại, cửa ngõ đi vào vùng Tây Bắc, nơi có tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
YBĐT - Là xã thuộc vùng ngoài của huyện Văn Chấn, Đại Lịch có truyền thống yêu nước, đoàn kết, chiến đấu kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Đại Lịch đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của quê hương đất nước.
YBĐT - Năm 1968, anh Hoàng Văn Đáp đang là Chi ủy viên, Xã đội trưởng, Ủy viên Ban Quản trị HTX nông nghiệp xã Minh Đông (một địa danh cũ của huyện Văn Yên). Tuy là con một, bản thân lại có 4 con còn nhỏ, thuộc diện miễn hoãn nhập ngũ, nhưng anh vẫn xung phong lên đường cứu nước.
YBĐT - Mường Lai - vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng, là địa phương đầu tiên của huyện Lục Yên thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân các dân tộc xã Mường Lai hôm nay luôn phát huy tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.