Bài ca trên bến Âu Lâu

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/7/2016 | 9:37:58 AM

YBĐT - Lịch sử còn ghi rõ những đóng góp xứng đáng cả về nhân lực, vật lực của quân và dân Yên Bái trong cuộc kháng chiến chống Pháp; trong đó, đặc biệt phải kể đến những ngày đêm kiên cường, không quản gian lao trên bến Âu Lâu huyền thoại, cửa ngõ đi vào vùng Tây Bắc, nơi có tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Các cựu chiến binh bên Tượng đài trên bến Âu Lâu lịch sử.
Các cựu chiến binh bên Tượng đài trên bến Âu Lâu lịch sử.

 “Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta/ Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo/ Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo...”. Thấy tôi cất giọng nhè nhẹ hát thì ông nội tôi liền bảo: “Cháu có biết chiếc cầu trong bài hát ấy là cầu nào không? Chính ấn tượng từ những người chiến sỹ công binh tại cầu Âu Lâu ngày ấy đã tạo cảm xúc cho nhà thơ Phan Văn Từ viết bài thơ “Nhịp cầu nối những bờ vui” vì bấy giờ nhà thơ đang công tác tại Yên Bái và nhạc sỹ Văn An đã phổ nhạc bài thơ này”.

Thấy tôi bất ngờ, ông tôi tiếp: “Nên thơ lắm, lãng mạn lắm nhưng cũng ác liệt lắm đấy. Thế mới thấy tâm hồn của quân và dân mình”. Chuyện với ông đã diễn ra lâu rồi, ông tôi - người du kích tham gia kháng chiến chống Pháp giờ đã trở thành người thiên cổ. Chiều nay về quê nội, tôi dừng xe bên bến Âu Lâu lịch sử, ngắm nhìn tượng đài sừng sững trong trời xanh và gió lộng, ngả bóng xuống dòng sông Hồng nặng đỏ phù sa.

Lịch sử còn ghi rõ những đóng góp xứng đáng cả về nhân lực, vật lực của quân và dân Yên Bái trong cuộc kháng chiến chống Pháp; trong đó, đặc biệt phải kể đến những ngày đêm kiên cường, không quản gian lao trên bến Âu Lâu huyền thoại, cửa ngõ đi vào vùng Tây Bắc, nơi có tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Thực hiện chủ trương mở rộng tuyến đường 13 từ Việt Bắc qua Yên Bái lên Tây Bắc theo nhiệm vụ Trung ương giao, từ tháng 8 đến hết tháng 10/1953, tỉnh Yên Bái đã huy động gần 125.000 lượt người, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công binh ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, làm mới và sửa chữa 188 km đường. Cùng với nhiệm vụ mở đường, quân và dân Yên Bái phải bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương tới mặt trận, trong đó có bến Âu Lâu - cửa ngõ đi vào Tây Bắc và chiến trường Điện Biên Phủ.

Từ 11/1953 - 5/1954, thực dân Pháp tập trung bắn phá ác liệt bến Âu Lâu, suốt 200 ngày đêm với 2.700 tấn bom đạn. Để đảm bảo giao thông, quân và dân Yên Bái vừa chống trả địch vừa tập trung vật liệu bắc cầu phao qua sông; đồng thời, tăng tần suất những chuyến phà.

Chỉ trong một thời gian ngắn, với những nỗ lực tuyệt vời, mỗi chuyến phà qua sông từ 30 phút giảm xuống còn 15 phút, từ chỗ đưa 8 - 9 xe qua sông một đêm lên tới 30 - 50 xe một đêm, có đêm cao điểm đạt tới 93 xe qua phà. Tốc độ vận tải cho chiến trường từ 3 km/giờ tăng lên 13 km/giờ… Người thôn Cống Đá, Cửa Ngòi (xã Âu Lâu) cứ ngơi tiếng bom, tiếng súng là vững tay chèo, vượt dòng nước chảy xiết đưa bộ đội, dân công, vũ khí, đạn dược qua sông để tiến lên Tây Bắc, giải phóng Điện Biên.

Cựu chiến binh tham gia vận chuyển bộ đội và vũ khí qua sông Hồng lên Tây Bắc thăm lại bến Âu Lâu.

Theo thống kê, từ tháng 4/1952 cho tới khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có tới 300.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cùng hàng vạn lượt bộ đội, dân công qua bến Âu Lâu an toàn. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, quân và dân Yên Bái được tặng thưởng Huân chương Chiến công, xã Âu Lâu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Rồi bến Âu Lâu đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012; đặc biệt, tượng đài “Bến Âu Lâu lịch sử” được ngành giao thông vận tải Yên Bái dựng lên khi cây cầu Yên Bái ra đời, bến phà và cầu phao Âu Lâu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Những đoàn quân trùng trùng điệp điệp vượt bến Âu Lâu, hát vang ca khúc “Qua miền Tây Bắc”, khi trở về reo vui nhịp điệu “Giải phóng Điện Biên” đã đi vào sử sách, người dân Âu Lâu chắc tay súng, bắn máy bay Pháp, vững tay chèo đưa bộ đội qua sông hơn 60 năm về trước, hôm nay người mất, người còn, nhưng những đóng góp, những công lao của họ mãi mãi được ghi nhớ. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân xã Âu Lâu hôm nay là phải sống làm sao cho xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân; phải đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương no ấm, giàu mạnh.

Từ một vùng đất “khó”, Âu Lâu đang hòa mình vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của tỉnh Yên Bái, nhất là khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành và đi vào sử dụng. Thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với thị trường là những dấu ấn đậm nét của Âu Lâu trong mấy năm qua. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế 14,4%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (công nghiệp - xây dựng 76,5%; sản xuất nông - lâm nghiệp 15,7%; thương mại - dịch vụ đạt 7,8%); thu nhập bình quân đầu người ước đạt 23 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2010. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và công tác kiểm tra, giám sát.

Câu chuyện “thời sự” nhất lúc này ở Âu Lâu chính là Khu công nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Được quy hoạch từ năm 2008, Khu công nghiệp Âu Lâu nằm trên địa bàn thôn Châu Giang có diện tích trên 100 ha, là khu công nghiệp đa ngành gồm các ngành công nghiệp sạch, ít gây ô nhiễm, độc hại đối với môi trường, thuộc các lĩnh vực: công nghiệp may mặc, lắp ráp điện tử, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất bánh kẹo, nước giải khát. Vừa mới hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhưng với chính sách thu hút đầu tư và tiềm năng, lợi thế vốn có, Khu công nghiệp Âu Lâu đã thu hút 3 doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước đến triển khai dự án.

Qua đánh giá cho thấy, Khu công nghiệp này sẽ nhanh chóng được lấp đầy, thu hút trên 6.000 lao động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp rất lớn... Như vậy, vùng đất cằn Âu Lâu sẽ nhanh chóng trở thành khu vực dân cư đông đúc và kinh tế năng động bậc nhất của thành phố.

Theo quy hoạch tổng thể thành phố Yên Bái, trong tương lai Âu Lâu vẫn là vùng ngoại thị, dù công nghiệp và thương mại - dịch vụ sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế. Thực tế thì một vùng đất không nhỏ trên địa bàn xã vẫn dành để sản xuất nông nghiệp, một bộ phận khá lớn người dân trong xã vẫn là nông dân. Từ thực tiễn này mà Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã đã và đang quyết tâm xây dựng Âu Lâu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, khuyến khích người dân đầu tư, phát triển, tất cả đều bám vào Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nhất là những tiêu chí như: giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục, y tế, thu nhập người dân...

Sau 5 năm triển khai, đến nay, Âu Lâu đã đạt 17/19 tiêu chí và kết thúc năm 2016 sẽ đạt 19/19 tiêu chí để đến đầu năm 2017 xã sẽ được công nhận chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Mảnh đất Âu Lâu đang chuyển mình mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng, xen lẫn những làng mạc trù phú, yên vui đậm nét nông thôn Tây Bắc. Điều đáng mừng nhất là quá trình tăng trưởng nhanh và mạnh mới chỉ bắt đầu, như vậy, chắc chắn Âu Lâu sẽ giàu mạnh hơn nữa. Kết quả ấy bắt nguồn từ truyền thống anh hùng, cách mạng, kết hợp với đổi mới vươn lên dám nghĩ, dám làm.

Chiều trên bến Âu Lâu thật giàu cảm xúc, bãi cát ven sông nằm dài dưới nắng cho sóng vỗ rì rầm, vẳng trong tiếng gió câu hát: “Anh đưa em về trên quê hương anh, qua bến Âu Lâu gọi con phà vào bến, nhìn bến sông xưa lòng thêm xao xuyến...”. Anh bạn người quê Âu Lâu đi cùng bảo: “Yên Bái quê mình thật đáng tự hào. Anh hùng trong chiến đấu, giờ nỗ lực dựng xây giàu mạnh, no ấm”.

 Lê Phiên

Các tin khác
Cán bộ xã Đại Lịch dâng hương tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Thọ.

YBĐT - Là xã thuộc vùng ngoài của huyện Văn Chấn, Đại Lịch có truyền thống yêu nước, đoàn kết, chiến đấu kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Đại Lịch đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của quê hương đất nước.

Lễ truy điệu và an táng liệt sỹ Hoàng Văn Đáp được tổ chức long trọng vào ngày 7/7/2016 tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Năm 1968, anh Hoàng Văn Đáp đang là Chi ủy viên, Xã đội trưởng, Ủy viên Ban Quản trị HTX nông nghiệp xã Minh Đông (một địa danh cũ của huyện Văn Yên). Tuy là con một, bản thân lại có 4 con còn nhỏ, thuộc diện miễn hoãn nhập ngũ, nhưng anh vẫn xung phong lên đường cứu nước.

YBĐT - Mường Lai - vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng, là địa phương đầu tiên của huyện Lục Yên thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân các dân tộc xã Mường Lai hôm nay luôn phát huy tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông bà Đặng Ngọc Chi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời trong quân ngũ.

YBĐT - Người cựu chiến binh nay đã bước sang tuổi 89. Gần 30 năm trong quân ngũ, ông đã hoàn thành nghĩa vụ cao cả của người lính với Tổ quốc đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục