Kỳ tích của một dân tộc

Bài 2: Khúc tráng ca giữa miền ban trắng

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/7/2016 | 10:23:10 AM

YBĐT - Tượng đài Nghĩa Lộ sừng sững và uy nghi dưới trời xanh Tây Bắc cùng khu Nhà bia ghi danh 403 anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì quê hương, đất nước và kia Ngôi mộ chung với biểu tượng hoa ban 9 cánh tương ứng với 9 liệt sỹ đã hy sinh trong trận phá Căng vượt ngục năm xưa được xây dựng to đẹp và hoành tráng... Tất cả hào hùng như một khúc tráng ca bất hủ.

Các chiến sỹ Sư đoàn 308 về thăm lại chiến trường xưa.
Các chiến sỹ Sư đoàn 308 về thăm lại chiến trường xưa.

>> Bài 1: Bi tráng cuộc phá Căng Nghĩa Lộ

Mường Lò, một trong bốn vựa lúa trù phú của miền Tây Bắc bị giặc Pháp  chiếm lại năm 1948. Chúng đóng Sở Chỉ huy Phân khu tại đây. Phân khu Nghĩa Lộ là một trong bốn phân khu của địch cùng Phân khu Sông Đà, Phân khu Sơn La, Phân khu Lai Châu hợp thành Khu tự trị Tây Bắc, gọi tắt theo tiếng Pháp là ZANO (zone autonome Nord - Ouest). Chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ là viên quan tư Tirillon - một tên thực dân ác ôn khét tiếng, nói được tiếng Thái, có mặt ở Tây Bắc từ năm 1940.

Căng Nghĩa Lộ nằm trên một quả đồi thấp, bằng phẳng rộng khoảng 4.000 m2 ở cuối thị trấn Nghĩa Lộ (nay là thị xã Nghĩa Lộ) về phía Tây Nam cứ điểm nằm tại vị trí của trại lính khố xanh cũ. Ở đây, chúng có khoảng 500 quân đồn trú, có sân bay dã chiến của Phân khu trải dài từ cứ điểm Nghĩa Lộ phố đến gần dãy núi Pú Trạng.

Riêng đồi Pú Trạng (tức đồi Nghĩa Lộ) nằm cách trung tâm thị xã Nghĩa Lộ khoảng 3 km. Đây là một quả đồi tương đối cao khoảng 300 m, một vị trí yết hầu ở phía Tây Nam thị xã, án ngữ con đường từ Nghĩa Lộ đi thị trấn Trạm Tấu. Tại đây, thực dân Pháp bố trí 300 quân chiếm đóng, địa điểm này như một con cú vọ đậu trên mỏm núi nhìn xuống bao quát cả cánh đồng Nghĩa Lộ từ Sùng Đô, Khau Vác đến Cửa Nhì. Hai đồn, một trên cao, một dưới thấp thế yểm trợ lẫn nhau rất vững chắc lại có mạng lưới giao thông hào, công sự vững chắc. Cứ điểm Pú Trạng, thực dân Pháp bố trí có 8 lô cốt, 15 ụ súng, có hầm ngầm kiên cố, có 3 đến 4 hàng rào dây thép gai, xen kẽ là các bãi mìn dày đặc. Với hệ thống công sự vững chắc, địa thế hiểm trở, lại có vành đai các tiền đồn bảo vệ, khi bị uy hiếp lại có quân tăng viện bằng nhảy dù nên viên quan tư Tirillon thường vỗ ngực tuyên bố: "Phải 5 năm nữa việt Minh mới có khả năng đánh Nghĩa Lộ".

Trong cuốn hồi ký gửi đồng bào, đồng chí ở Nghĩa Lộ, Trung tướng Phạm Hồng Cư - cựu chiến binh Đại đoàn quân Tiên Phong có viết: "Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nhận nhiệm vụ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cho trong Hội nghị của Bộ Tổng tư lệnh họp ngày 6 đến ngày 9 tháng 9 năm 1952. Ông thấy rõ trách nhiệm nặng nề mà mình đang gánh vác. Phân khu Nghĩa Lộ là mục tiêu tiến công chủ yếu, là điểm đột phá mở cửa tiến vào giải phóng Tây Bắc. Vậy nên đồng chí thường dặn dò các chiến sỹ: Trận đầu phải thắng! Đó là truyền thống của quân đội ta". Vốn là cựu chính trị phạm bị thực dân Pháp đày ải trong Căng Nghĩa Lộ, vượt ngục năm 1945 nên ông thông thuộc địa hình. Noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông tự mình đi trinh sát Nghĩa Lộ. Tác phong chuẩn bị chiến trường mà ông rèn luyện cho cán bộ trong Đại đoàn là cẩn thận và chắc chắn "phải vào tận hàng rào thứ hai của đồn địch". Ông giao cho Trung đoàn trưởng Hồng Sơn đi trinh sát đồn Cửa Nhì, còn ông dẫn đầu đoàn cán bộ đi vào Nghĩa Lộ.

Khi Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đến Nậm Mười thì gặp đồng chí Sinh - Phó Bí thư Huyện ủy Văn Chấn từ vùng địch ra cung cấp tình hình (đồng chí Sinh là người mà tên Boalo Chỉ huy phó Phân khu Nghĩa Lộ đặt giá cái đầu bằng một tạ muối). Nắm tình hình địch ở đây được vài ngày, đoàn cán bộ chuẩn bị cạn lương thực, đồng chí Phách - cán bộ địa phương đã kịp thời vận động nhân dân Bản Hẻo tiếp tế cho đoàn. Lúc đoàn rút ra thì Đại đội trưởng súng cối Mạnh Trung lên cơn sốt, một số chiến sĩ trinh sát do dầm sương, ngâm nước, nhịn đói cũng bị ốm nặng. Đồng chí Phách đề nghị với Đại đoàn trưởng.

- Xin để các đồng chí ốm lại Bản Hẻo.

- Bản Hẻo? Một vài cán bộ ngạc nhiên.

“Bản Hẻo nằm ngay trên đường cái đi Gia Hội, cách thị trấn Nghĩa Lộ 4 km, có tháp chuông nhà thờ - Bản Hẻo là cơ sở của chúng tôi. Đồng bào vẫn nuôi giấu, bảo vệ cán bộ. Linh mục là người kính Chúa, yêu nước. Có lần địch sục vào bản bất ngờ, linh mục đã giấu chúng tôi ngay trong nhà thờ. Nhân dân bản Hẻo đã nhận nuôi giấu 16 cán bộ, chiến sĩ trinh sát bị ốm nặng, chăm sóc cho đến ngày Đại đoàn quân tiến vào mới trả đơn vị”. - đồng chí Phách biết ý giải thích
Đêm ngày 7/10/1952, đại quân vượt sông Thao. Đại đoàn 308 và pháo binh qua bến Âu Lâu. Các đơn vị khác qua các bến Mậu A, Cổ Phúc. Chỉ trong một đêm, nhân dân Yên Bái chở hết quân của Đại đoàn 308 và pháo binh sang sông. Người chèo thuyền số đông là lớn tuổi, lại có những em gái 15, 16 tuổi, bóng nhỏ vai gầy cúi rạp xuống dưới sức nặng của mái chèo. Một kỳ tích là cả một đoàn quân gần 5 vạn người vượt sông Thao tiến vào Tây Bắc mà địch không hề hay biết.

Đồn Nghĩa Lộ năm 1952.

Trong hồi ký, Trung tướng Phạm Hồng Cư có đoạn viết: "Cuộc hành quân vượt đèo Khau Vác là một kỷ niệm khó quên. Khau Vác là một nhánh đuôi của dãy Hoàng Liên Sơn cao gần 1.500 m, quanh năm mây phủ. Dốc dựng đứng từ 50 - 60 độ, chân người đi trước chạm mũi người đi sau. Lối mòn gấp khúc, men qua những tảng đá lớn như lô cốt, bộ binh lách qua còn dễ, pháo binh 4 người khiêng một nòng pháo, hoặc vác mỗi người một khối thép nặng tù 57 đến 120 cân đã phải thốt lên "Khau Vác! Khau Vác!".

Còn trong cuốn "Hồi ký trưởng thành trong chiến đấu", Trung tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 đã kể lại những giây phút căng thẳng, hồi hộp trước giờ nổ súng: "Liền trong hai ngày đêm, chúng tôi nằm sát địch. Ban ngày nghiên cứu xác định các hướng đột phá, chiều tối cán bộ các cấp lại mò vào sờ hàng rào địch, anh em quân báo luồn sâu vào bên trong vị trí địch đồn trú, đến từng ụ súng, nơi nào còn nghi ngờ thì quân báo dẫn cả cán bộ luồn vào tận nơi xem xét cụ thể, cuối cùng chúng tôi họp cả đoàn trao đổi phương án tác chiến... Từ Nghĩa Lộ trở ra, đoàn chúng tôi đi vào ban đêm, với một tinh thần hăm hở, mong sao nhanh chóng ra đến sông Thao, chuẩn bị cùng đơn vị vào chiến đấu. Sự thôi thúc của nhiệm vụ, sự mong đợi của cấp trên và sự kỳ vọng của nhân dân tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua khó khăn này...".

Từ mờ sáng ngày 15/10, hai tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ Đô đã lọt vào cánh đồng Mường Lò. Quân địch sau khi mất hai đồn ngoại vi là Ca Vịnh và Sài Lương thì trở nên hoang mang, lo lắng. Ta thực hiện được kế hoạch thu hút sự đối phó của địch khiến chúng sai hướng, tạo điều kiện cho Đại đoàn quân tiếp viện an toàn. Để tăng cường cho Nghĩa Lộ, ngày 16/10, địch cho thả một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn dù số 6 xuống Tú Lệ.

Theo kế hoạch tác chiến thì chiều tối ngày 17/10, cuộc tấn công tiêu diệt đồn Pú Trạng sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, 15 giờ cùng ngày, một tình huống bất lợi đã xảy ra, một toán địch đi tuần tra đã phát hiện được quân ta bèn cho pháo và từng tốp máy bay đến tập trung bắn phá. Tại đây, 34 cán bộ, chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh. Trước tình thế đó, chiến sỹ ta vẫn vững vàng chiến đấu. Dù yếu tố bất ngờ không còn nhưng ta vẫn quyết đánh và tin tưởng vào thắng lợi. Theo đúng kế hoạch, 17 giờ ngày 17/10, hỏa lực ta đồng loạt xả đạn vào các mục tiêu trong cứ điểm Pú Trạng. Sau hơn ba giờ chiến đấu ác liệt, cứ điểm Pú Trạng bị tiêu diệt.

Trong khi Trung đoàn 102 đang đánh Pú Trạng thì các tình huống bất ngờ liên tục xảy ra, đường dây thông tin liên lạc của ta bị sự cố, Đại đội 209 của Tiểu đoàn 23 nghe nhầm lệnh "Chuẩn bị sẵn sàng phát hỏa" thành "phát hỏa" liền cho đánh năm quả bộc phá... Trước tình thế đó, nhận định Nghĩa Lộ phố đã hoàn toàn bị cô lập, địch hoang mang, bộ đội ta thì đang hăng hái và sốt ruột chờ lệnh nổ súng. Địch và ta giằng co nhau quyết liệt, với tinh thần kiên quyết, sáng tạo và anh dũng trong chiến đấu, 5 giờ 30 phút sáng ngày 18/10/1952 trận Nghĩa Lộ phố kết thúc thắng lợi.

Trên đà chiến thắng, ta tiếp tục tiêu diệt địch tại đồn Cửa Nhì và các đồn lẻ ở Nậm Mười, Gia Hội, Tú Lệ... Cánh đồng Nghĩa Lộ được giải phóng, sóng lúa rập rờn như một biển vàng. Đồng bào Thái, đồng bào Mường, đồng bào Mông lại hăng hái thi đua lao động sản xuất. Đêm 23/10/1952, Trung đoàn 88 phối hợp với Đảng bộ huyện Văn Chấn tổ chức một cuộc mít tinh lớn mừng giải phóng và đón chính quyền nhân dân huyện ra mắt. Quang cảnh nhộn nhịp như đêm liên hoan. Đuốc sáng rực, đầu người nhấp nhô, khăn piêu rực rỡ...

Chiến tranh qua đi, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người Nghĩa Lộ lại hăng say xây dựng cuộc sống mới nhưng vẫn không quên những tháng ngày đau thương dưới gót giày quân xâm lược. Những thế hệ trẻ như chúng tôi đây càng biết ơn sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh. Tượng đài Nghĩa Lộ sừng sững và uy nghi dưới trời xanh Tây Bắc cùng khu Nhà bia ghi danh 403 anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì quê hương, đất nước và kia Ngôi mộ chung với biểu tượng hoa ban 9 cánh tương ứng với 9 liệt sỹ đã hy sinh trong trận phá Căng vượt ngục năm xưa được xây dựng to đẹp và hoành tráng... Tất cả hào hùng như một khúc tráng ca bất hủ.

 Quang Thiều

Các tin khác
Khu Di tích lịch sử văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ là “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

YBĐT - Cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945, ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952.

Các cựu chiến binh bên Tượng đài trên bến Âu Lâu lịch sử.

YBĐT - Lịch sử còn ghi rõ những đóng góp xứng đáng cả về nhân lực, vật lực của quân và dân Yên Bái trong cuộc kháng chiến chống Pháp; trong đó, đặc biệt phải kể đến những ngày đêm kiên cường, không quản gian lao trên bến Âu Lâu huyền thoại, cửa ngõ đi vào vùng Tây Bắc, nơi có tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Cán bộ xã Đại Lịch dâng hương tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Thọ.

YBĐT - Là xã thuộc vùng ngoài của huyện Văn Chấn, Đại Lịch có truyền thống yêu nước, đoàn kết, chiến đấu kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Đại Lịch đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của quê hương đất nước.

Lễ truy điệu và an táng liệt sỹ Hoàng Văn Đáp được tổ chức long trọng vào ngày 7/7/2016 tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Năm 1968, anh Hoàng Văn Đáp đang là Chi ủy viên, Xã đội trưởng, Ủy viên Ban Quản trị HTX nông nghiệp xã Minh Đông (một địa danh cũ của huyện Văn Yên). Tuy là con một, bản thân lại có 4 con còn nhỏ, thuộc diện miễn hoãn nhập ngũ, nhưng anh vẫn xung phong lên đường cứu nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục