“Những chiến binh mây mù”
- Cập nhật: Thứ hai, 25/7/2016 | 9:41:53 AM
YBĐT - Với 41 trận chiến đấu, trong đó có 16 trận chiến đấu độc lập, 25 trận đánh phối hợp với bộ đội chủ lực, Đội du kích Khau Phạ đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng 125 tên địch, thu 150 khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng khác của địch. Người Đội trưởng Đội du kích Khau Phạ - Lý Nủ Chu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Đội du kích Khau Phạ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Những đội viên du kích của Đội Ddu kích Khau Phạ năm xưa.
|
Năm 1997, Đảng bộ và nhân dân xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 2012, nơi thành lập Đội Du kích Khau Phạ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.
7 giờ 30 sáng, như đã hẹn trước, chúng tôi gặp đồng chí Lý A Lử - Chủ tịch HĐND xã Cao Phạ tại trụ sở UBND xã. Sau câu chuyện xã giao, anh Lử kể: “Tôi là cháu ruột của cụ Lý Nủ Chu, đã nhiều lần kể chuyện về cụ Chu với mọi người. Hôm nay để nhà báo gặp gỡ nói chuyện cùng con trai của Đội trưởng Đội du kích Khau Phạ. Tối qua, tôi đã hẹn với chú Dờ sáng nay ở nhà, giờ mình tới luôn đó rồi tiếp tục câu chuyện”.
Chúng tôi xuôi theo những cung đường đèo Khau Phạ quanh co, uốn lượn giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của đồng bào Mông, Thái. Khau Phạ là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam, dài trên 30 km, nằm ở khu vực giáp ranh giữa hai huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải, với độ cao trung bình từ 1.200 m đến 1.500 m so với mực nước biển. Đây cũng là tuyến đường chính nối Yên Bái với hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai.
Trên đường đi, điểm chúng tôi gặp đầu tiên là Hang Dơi nằm ngay sát dưới chân đèo, một trong ba điểm trọng yếu đã diễn ra những sự kiện quan trọng của Đội du kích Khau Phạ trong những năm hoạt động kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946 - 1952. Đi tiếp, qua bản Lìm Thái, tới bản Lìm Mông, chúng tôi tới cơ sở cách mạng là ngôi nhà của Đội trưởng Đội du kích Khau Phạ - Lý Nủ Chu kiên cường, bất khuất. Ngôi nhà nằm giữa những thửa ruộng bậc thang, người con trai út của cụ Lý Nủ Chu là anh Lý Sáy Dờ, năm nay 58 tuổi đang sống tại đây.
Anh Dờ cho biết: “Bố tôi sinh năm 1910 và mất năm 1999. Ông tham gia công tác được kết nạp Đảng năm 1968, đến năm 1973 nghỉ chế độ. Bố tôi khi còn công tác nguyên là Phó ban Dân tộc khu Tây Bắc và Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghĩa Lộ. Nhà có 7 anh em, 3 trai, 4 gái, đến giờ chỉ còn tôi và hai chị em gái, mọi người đều mất cả rồi”. Từ đó, câu chuyện giữa chúng tôi và con, cháu của cụ Lý Nủ Chu chuyển theo hướng hồi tưởng ôn lại lịch sử, câu chuyện người kể, người ghi chép, đôi khi lúc nhớ, lúc quên.
Chuyện kể, từ khi cụ Chu đi lấy vợ bên xã Nậm Khắt tới đỉnh đèo nhặt được 4 khẩu súng của quân Pháp dựng ở gốc cây ven đường. Sau đó mang về nhà cất giấu, rồi tìm gặp được người cán bộ Việt Minh chỉ được biết với cái tên là “Sanh”, giao súng lại cho cán bộ cất giấu. Khi đó, cụ Chu chưa hề biết cán bộ tên “Sanh” kia chính là người được cấp trên bí mật cử đi gặp quần chúng nhân dân giác ngộ cách mạng. Mấy ngày sau, cán bộ “Sanh” nói với cụ Chu rằng: “Ông đã giao nộp súng cho tôi, thì cần phải đi tìm người thành lập đội du kích và theo Việt Minh để đánh đuổi giặc Pháp”.
Từ đó, cho tới tháng 10/1946, Đội du kích Khau Phạ đã được thành lập tại bản Trống Tông Khúa, xã Cao Phạ. Ban đầu, chỉ có 7 đội viên và súng được giao lại cho các đồng chí Lý Vảng Đế, Lý Chờ Vàng và Lý Nủ Chu cất giấu để sử dụng. Ngoài ra, Đội còn có một số vũ khí khác là súng kíp tự tạo, dao nhọn và cung nỏ. Ban đầu, Đội do ông Giàng Khua Kỷ làm Đội trưởng, rồi sau khi ông Kỷ bị giặc Pháp bắt thì lần lượt đến ông Giàng Sống Tu và Lý Nủ Chu. Qua một thời gian chiến đấu, Đội phát triển nhanh về quân số, lên 30 người, 50 người rồi khi đông nhất lên tới hơn 200 người, lực lượng tham gia hầu hết là người dân tộc Mông tại địa phương.
Lịch sử ghi lại, trong suốt những năm hoạt động (1946 - 1952), Đội đã chặn đánh nhiều trận, gây cho quân Pháp nhiều khó khăn, tổn thất, Đội vừa tổ chức huấn luyện vừa làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ nhân dân, bảo vệ sản xuất tại đỉnh đèo vừa dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở, phối hợp với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương anh dũng đánh giặc, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Giai đoạn 1947 - 1949, Đội phải sống trên rừng, ăn củ nâu, củ mài, quyết chiến đấu với giặc và cũng chính những năm tháng gian khổ ấy, Đội đã lập nhiều thành tích rất đáng ghi nhận. Tiêu biểu là trận Nậm Khắt, Đội đã phục kích, bắn chạy toán loạn 1 đại đội của địch, tiếp đến là hai trận ở Gia Hội và Tú Lệ, Đội đã phối hợp với bộ đội đuổi đánh địch, thu nhiều súng, mìn và lựu đạn. Tháng 3/1948, Đội đã phối hợp với Đại đội 520 và Đội xung phong Quyết Tiến đánh đồn Tú Lệ, bắt sống tên Bang tá Lò Văn Inh (chỉ huy đồn), thu 2 súng máy, gần 20 súng trường và một số vũ khí khác.
Anh Lý Sáy Dờ kể tiếp: “Bố tôi kể, từ năm 1949 địch ngày càng khủng bố gắt gao hơn, chúng ra sức tập trung dân, kiểm soát chặt chẽ địa hình. Vì vậy, hoạt động của Đội gặp nhiều khó khăn: thiếu lương thực, thực phẩm, đạn dược, mất hoàn toàn liên lạc với Đảng, với chính quyền, với quân đội nhưng vẫn tuyệt đối trung thành, kiên trì và chiến đấu liên tục. Bố tôi và một số đồng chí phải trốn sang bản Kháu Nhà, xã La Pán Tẩn ẩn nấp gần 2 năm. Lúc đó, giặc Pháp đã treo thưởng nếu ai bắt hoặc chặt được đầu Lý Vảng Đế, Lý Chờ Vàng và Lý Nủ Chu sẽ thưởng cho 3 cân muối”.
Sử sách ghi lại, tháng 10/1952, Bộ Tổng tư lệnh mở chiến dịch Tây Bắc nhằm giải phóng Phân khu Nghĩa Lộ và các tiểu khu Than Uyên, Phù Yên, Sơn La. Ngày 16/10/1952, địch cho nhảy dù một tiểu đoàn xuống Tú Lệ, Cao Phạ nhưng đã bị Đội phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt, truy kích. Ngày 15/10/1952, Than Uyên được giải phóng và đến ngày 18/10/1952, địch thất bại thảm hại ở Phân khu Nghĩa Lộ và tìm đường tháo chạy sang Sơn La, tàn quân địch đi qua xã Cao Phạ đã bị lực lượng du kích truy kích, tiêu diệt. Mù Cang Chải hoàn toàn giải phóng khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp. Đi cùng với chúng tôi còn có cụ Hà Văn Chồm, ở bản Búng Sổm, xã Tú Lệ là cựu chiến binh quân tình nguyện chiến đấu tại chiến trường Lào (từ năm 1959 - 1963). Khi giải phóng Mù Cang Chải, cụ Chồm mới 13 tuổi, nhưng đã tham gia thu dọn ở chiến trường đèo Khau Phạ.
Cụ Chồm cho biết: “Năm đó, mỗi gia đình đều phải có một người cùng tham gia thu dọn, phân chia xác của quân ta, quân giặc và chôn làm hai hố dọc theo hai bên đường đèo. Sau đó 3 năm thì đưa về nghĩa trang ở bản Phạ Trên, xã Tú Lệ và đến năm 1990 các chiến sỹ vô danh của bộ đội ta được chuyển về Nghĩa trang liệt sỹ xã Cát Thịnh (Văn Chấn)”.
Qua câu chuyện xúc động, chúng tôi thấy được tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, không sợ hy sinh, quyết tâm đánh Pháp bảo vệ quê hương của những thành viên Đội du kích Khau Phạ anh hùng. "Xuất quỷ nhập thần" liên tục đánh chặn các cuộc hành quân của thực dân Pháp từ Nghĩa Lộ đi Lai Châu, Lào Cai và ngược lại bằng súng kíp hoặc bẫy đá, khiến quân Pháp hãi hùng kiêng nể gọi là "những chiến binh mây mù".
Vũ Đồng - Nhật Lệ
Các tin khác
YBĐT - Vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị, quân nhân Sùng A Lu ở tổ 7, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải còn là ông chủ của lò ấp trứng vịt lộn có công suất trên 1 vạn quả để phát triển kinh tế gia đình.
YBĐT - Các di tích lịch sử vẫn hiện hữu nét xưa, nhưng bộ mặt nông thôn ở Việt Hồng (Trấn Yên) đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
YBĐT - Tượng đài Nghĩa Lộ sừng sững và uy nghi dưới trời xanh Tây Bắc cùng khu Nhà bia ghi danh 403 anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì quê hương, đất nước và kia Ngôi mộ chung với biểu tượng hoa ban 9 cánh tương ứng với 9 liệt sỹ đã hy sinh trong trận phá Căng vượt ngục năm xưa được xây dựng to đẹp và hoành tráng... Tất cả hào hùng như một khúc tráng ca bất hủ.
YBĐT - Cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945, ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952.