Đổi thay trên quê hương cách mạng Việt Hồng
- Cập nhật: Thứ năm, 21/7/2016 | 2:49:23 PM
YBĐT - Các di tích lịch sử vẫn hiện hữu nét xưa, nhưng bộ mặt nông thôn ở Việt Hồng (Trấn Yên) đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
Bia di tích đình Làng Vần - nơi đã diễn ra lễ tế cờ để lực lượng vũ trang Yên Bái tham gia giành chính quyền trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
|
Chiến khu Vần là một vùng đất khá rộng, nằm ở phía Nam huyện Trấn Yên và Đông Nam huyện Văn Chấn. Trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm trên địa bàn 3 tổng là: Lương Ca, Giới Phiên (thuộc Trấn Yên) và Đại Lịch thuộc Văn Chấn, nay gồm 3 xã: Việt Hồng, Việt Cường, Vân Hội, trong đó tiêu biểu là 2 điểm làng Vần, xã Việt Hồng (trung tâm chỉ huy của Chiến khu) và làng Đồng Yếng, xã Vân Hội (trung tâm huấn luyện quân sự của căn cứ cách mạng Chiến khu).
Sau khi nhận định tình hình, vị trí địa lý và tinh thần của nhân dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, Đội du kích Âu Cơ đã chuyển lên Đồng Yếng rồi vào làng Vần, lấy Vần làm trung tâm chỉ huy, lấy Đồng Yếng làm trung tâm huấn luyện quân sự. Chiến khu là nơi an toàn để đón các đồng chí cách mạng kiên trung vượt ngục nhà tù Sơn La về và một số đồng chí hoạt động ở miền xuôi bị lộ lên tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.
Ngày 30/6/1945, Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên (Phú Thọ - Yên Bái) được thành lập - một mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự hình thành Chiến khu do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư, lãnh đạo cách mạng tại hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ. Từ đây, đã phát triển rộng lên Lào Cai và một phần Sơn La.
Đồng thời, cũng tại đây, lực lượng Đảng hoạt động có tổ chức, có nền nếp, củng cố, phát triển mạnh nên lần lượt ra đời các tổ chức như: Cứu quốc quân, Ủy ban Cách mạng lâm thời và Chiến khu được thành lập.
Đội du kích phát triển mạnh đã làm cho chính quyền tay sai tan rã và đánh bại các cuộc tấn công của quân Nhật cùng bè lũ tay sai; đồng thời, giác ngộ các chánh tổng, phó tổng đi theo và ủng hộ cách mạng, bảo vệ vững chắc, an toàn căn cứ cách mạng Chiến khu. Khi thời cơ đến, từ Chiến khu, quân cách mạng đã tỏa ra 3 hướng đi Phú Thọ, Yên Bái và Nghĩa Lộ để phá kho thóc Nhật chia cho nhân dân đang lúc đói khổ, một cổ hai tròng.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhân dân các dân tộc xã Việt Hồng đã tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, phá đồn Pháp ở Dọc, ở Vần, đóng góp sức người, sức của cho các chiến dịch giải phóng quê hương, góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Việt Hồng luôn đoàn kết, đồng lòng tiếp bước những người đi trước, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất gắn với phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và phát triển các ngành nghề phụ, dịch vụ thương mại đã làm cho kinh tế của xã đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân có nhiều khởi sắc.
Với diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất trên 2.000 ha, chủ yếu trồng keo, mỡ, bồ đề… mỗi năm, thu lợi từ rừng cũng đem lại hàng tỷ đồng cho người dân nơi đây.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Đảng bộ, chính quyền xã Việt Hồng đã tích cực vận động nhân dân sản xuất thâm canh tăng vụ, đưa các loại cây, con giống mới vào nuôi, trồng thử nghiệm và cũng có những kết quả đáng mừng. Tiêu biểu như gia đình anh Khổng Văn Võ ở thôn Bản Bến là hộ có mô hình chăn nuôi, trồng rừng hiệu quả.
Anh cho biết: “Sau nhiều năm phát triển kinh tế đồi rừng, tích luỹ được nguồn vốn, năm 2010, tôi đầu tư chăn nuôi lợn lúc đầu với quy mô nhỏ. Qua 2 năm thử nghiệm, gia đình tôi nhận thấy nuôi lợn đã đem lại nguồn thu nhập tương đối cao và ổn định cho gia đình nên đầu tư mở rộng quy mô nuôi lợn thịt và lợn nái. Trung bình, mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình cũng thu gần 200 triệu đồng từ kinh tế đồi rừng và chăn nuôi”.
Cùng với đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ, phát triển các ngành, nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như sản xuất đồ mộc, cơ khí, ván ép... cũng đã có bước phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Hồng đạt mức 13,5%/năm; cơ cấu nông - lâm nghiệp chiếm 59%, công nghiệp chiếm 18%, dịch vụ thương mại 24%; thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%/ năm. Kinh tế phát triển đã giúp cho đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng lên rõ rệt.
Về thăm Việt Hồng, giờ không còn phải đi trên những con đường mấp mô sỏi đá, bùn lầy mà thay vào đó là những con đường bê tông, trải nhựa phẳng lỳ kéo dài về đến tận bản. Cùng với việc thường xuyên được tham gia sinh hoạt vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong các dịp lễ, tết do chính quyền địa phương tổ chức, bà con nhân dân các dân tộc nơi đây còn luôn được các ban, ngành, đoàn thể của xã quan tâm, giúp đỡ mọi mặt, nhất là đối với những gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh neo đơn…
Đồng chí Phạm Xuân Cánh - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết: “Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Việt Hồng sẽ tiếp tục đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới để đưa Việt Hồng trở thành một trong những xã phát triển khá của huyện Trấn Yên nói riêng và của tỉnh nói chung”.
Quỳnh Nga
Các tin khác
YBĐT - Tượng đài Nghĩa Lộ sừng sững và uy nghi dưới trời xanh Tây Bắc cùng khu Nhà bia ghi danh 403 anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì quê hương, đất nước và kia Ngôi mộ chung với biểu tượng hoa ban 9 cánh tương ứng với 9 liệt sỹ đã hy sinh trong trận phá Căng vượt ngục năm xưa được xây dựng to đẹp và hoành tráng... Tất cả hào hùng như một khúc tráng ca bất hủ.
YBĐT - Cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945, ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952.
YBĐT - Lịch sử còn ghi rõ những đóng góp xứng đáng cả về nhân lực, vật lực của quân và dân Yên Bái trong cuộc kháng chiến chống Pháp; trong đó, đặc biệt phải kể đến những ngày đêm kiên cường, không quản gian lao trên bến Âu Lâu huyền thoại, cửa ngõ đi vào vùng Tây Bắc, nơi có tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
YBĐT - Là xã thuộc vùng ngoài của huyện Văn Chấn, Đại Lịch có truyền thống yêu nước, đoàn kết, chiến đấu kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Đại Lịch đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của quê hương đất nước.