Tạo sức hút từ các điểm nhấn ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ tư, 14/9/2016 | 7:25:17 AM
YênBái - YBĐT - Tạo sức hút từ các điểm nhấn trong Tuần Văn hóa và Du lịch (VH&DL) khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm nay - đây là khẳng định của bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, Trưởng ban Tổ chức Tuần VH&DL khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2016 khi trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái.
Mùa thu hoạch lúa ở vùng cao Mù Cang Chải.
|
P.V: Xin bà cho biết, điểm nhấn trong những hoạt động của Tuần VH&DL khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2016?
Bà Lương Thị Xuyến |
Bà Lương Thị Xuyến
: Trong Tuần VH&DL khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải sẽ có 8 hoạt động chính, cụ thể, ngoài Lễ khai mạc diễn ra vào tối 18/9, sẽ có các hoạt động thể thao truyền thống dân tộc Mông; Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”; phiên chợ vùng cao; Hội thi chọi dê; tổ chức các hoạt động cho du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống; Triển lãm ảnh "Mù Cang Chải - sóng lúa nhịp nhàng” và chương trình chiếu phim và xe thư viện lưu động.Ban Tổ chức của huyện xác định có 4 hoạt động sẽ là điểm nhấn của Tuần Văn hóa 2016. Thứ nhất là Lễ khai mạc, tổ chức vào tối ngày 18/9 với chương trình văn nghệ dàn dựng công phu, khắc họa lịch sử, văn hóa, thiên nhiên và con người Mù Cang Chải.
Điểm nhấn của Lễ khai mạc là sự tham gia của trên 100 diễn viên, nghệ nhân tham gia màn múa khèn cùng với sự tham gia của hàng ngàn quần chúng nhân dân. Thứ hai là các hoạt động cho du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống dân tộc Mông từ 16/9 đến 20/9. Du khách sẽ trải nghiệm trực tiếp cùng người dân các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình những văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông trên những thửa ruộng bậc thang, như: gặt, đập, tuốt, sàng sảy lúa, se lanh, dệt vải... Thứ ba là phiên chợ vùng cao diễn ra từ 17/9 đến 25/9 với sự tham gia của 27 gian hàng bày bán các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc huyện Mù Cang Chải.
Đặc biệt, năm nay, huyện mời thêm 3 gian hàng của các huyện lân cận nhằm làm phong phú phiên chợ cũng như tăng sức cạnh tranh. Và điểm nhấn nữa của Tuần Văn hóa là hoạt động dù lượn, được tổ chức từ ngày 17 - 19/9 ở khu vực đèo Khau Phạ.
Tại đây, chúng tôi đã chỉ đạo xây dựng 3 điểm dừng chân để khách du lịch có thể vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ của một trong “tứ đại đỉnh đèo” của khu vực miền núi phía Bắc, ngắm dù lượn, thưởng thức những món ăn truyền thống dân tộc Mông, Thái vừa có thể mua những sản phẩm đặc trưng Mù Cang Chải. Đặc biệt, năm nay, dù lượn được tổ chức với quy mô của một festival. Chúng tôi tin rằng, các vận động viên sẽ tạo ra những màn thi đấu hấp dẫn, gay cấn, tạo ấn tượng với du khách.
P.V: Công tác chuẩn bị đến thời điểm này ra sao, thưa bà?
Bà Lương Thị Xuyến: UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động của Tuần VH&DL khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải thông qua nhiều hình thức qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên Trang Thông tin điện tử huyện, tuyên truyền trực quan, băng zôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, xe loa tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ...
Các kịch bản cũng như việc trưng tập diễn viên, nghệ nhân và quần chúng đã hoàn tất. Công tác luyện tập và xây dựng sân khấu cho các hoạt động trong tuần lễ hội đang đi đến những bước cuối, chờ ngày khai mạc.
Thời gian qua, huyện cũng đã phối hợp và huy động lực lượng địa phương tập trung giải tỏa những điểm sạt lở do bão số 3 gây ra, bảo đảm giao thông thông suốt từ trung tâm huyện, trung tâm thị tứ Khao Mang, Ngã Ba Kim và các điểm tổ chức hoạt động Tuần Văn hóa, nhất là khu vực đèo Khau Phạ nơi diễn ra hoạt động dù lượn. Một điều hết sức quan trọng là để phục vụ và đáp ứng nhu cầu của du khách, hệ thống cơ sở kinh doanh lưu trú, các dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện đã có nhiều cố gắng để mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ.
Chúng tôi cũng đã quán triệt các cơ sở lưu trú thực hiện bảo đảm về giá cả, tránh tình trạng ép giá, “chặt chém” khách du lịch. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 14 đơn vị kinh doanh lưu trú, 5 cơ quan có phòng nghỉ, trên 10 nhà nghỉ cộng đồng với tổng số trên 100 phòng, trên 400 chỗ nghỉ; có trên 30 cơ sở kinh doanh các dịch vụ ăn uống, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch.
Về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, huyện đã tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở nhà hàng, khách sạn, địa điểm kinh doanh, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ đạo Đội dịch vụ công cộng thường xuyên vệ sinh đường phố, các địa điểm kinh doanh, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các điểm du lịch, điểm dừng chân tạo môi trường du lịch sạch sẽ, vệ sinh.
Để du lịch Mù Cang Chải tiếp tục trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn và đa dạng của du khách, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc quản lý giá cả, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, bán hàng trên địa bàn toàn huyện, thực hiện niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết. Năm nay, chúng tôi chỉ đạo xã La Pán Tẩn thành lập và quản lý đội xe ôm. Đội có thẻ, trang phục riêng, được kiểm tra sức khỏe, phương tiện và những vấn đề liên quan khác, bảo đảm phục vụ tốt du khách.
Cùng đó, huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra các dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện nhằm tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý các trường hợp cố ý sai phạm; tiến hành tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các trường hợp đeo bám, chèo kéo, gây phiền hà cho khách du lịch, các hành vi thiếu văn minh, ảnh hưởng đến mỹ quan ở điểm du lịch.
Đi đôi với đẩy mạnh việc quản lý vỉa hè, lòng đường, bảo đảm thông thoáng, vệ sinh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất vệ sinh, trật tự, chúng tôi đã phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch.
P.V: Bà có gửi gắm gì với bạn đọc Báo Yên Bái cũng như những du khách đã và sẽ đến lễ hội năm nay?
Bà Lương Thị Xuyến: Huyện Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, có độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển. Khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 18oC - 25oC. Trên địa bàn huyện có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó trên 91% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải chính là thành quả hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở đây và trở thành một trong những danh thắng độc đáo nhất ở Việt Nam. Hiện nay, toàn huyện có gần 3.000 ha ruộng bậc thang. Những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, mềm mại làm say đắm biết bao du khách trong và ngoài nước.
Chúng tôi còn có đèo Khau Phạ - địa danh vào sử sách với Đội du kích Khau Phạ anh hùng đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012. Đây được coi là một trong “tứ đại đỉnh đèo” ở miền Bắc. Đèo uốn lượn quanh những dãy núi điệp trùng, thường xuyên xuất hiện những biển mây thấp thoáng giữa đại ngàn. Đặc biệt, Khau Phạ đã trở thành điểm nhảy dù vô cùng hấp dẫn đối với người ưa thích môn dù lượn trong, ngoài nước và có thể một trung tâm huấn luyện dù bay sẽ được thành lập tại nơi đây.
Ngoài ra, đến với Mù Cang Chải, các bạn còn được ngắm nhìn, tìm hiểu đỉnh núi Púng Luông hùng vĩ, động Pú Cang huyền bí, Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Chế Tạo nguyên sơ, bãi đá cổ bí ẩn ở xã Lao Chải. Cùng với nhiều cảnh quan hùng vĩ, nên thơ mà thiên nhiên ban tặng, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao huyện Mù Cang Chải còn đậm đà bản sắc, mang đậm nét đặc trưng, phong phú và đa dạng để du khách cùng khám phá.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Mù Cang Chải, du khách sẽ nhận thấy những giá trị văn hóa dân tộc ở các bản Nậm Kim (thị trấn Mù Cang Chải), bản La Pán Tẩn (xã La Pán Tẩn), bản Làng Sang (xã Nậm Khắt)...
Tại đây, cùng ăn, nghỉ trong các gia đình đồng bào Mông, đồng bào Thái, du khách sẽ tìm hiểu nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt và lao động. Rồi cùng thưởng thức các món ăn dân tộc và những sản vật như: táo mèo, mật ong rừng; cùng làm các công việc với đồng bào trong các nghề truyền thống như: nấu rượu thóc, rèn sắt, dệt thổ cẩm...
Chúng tôi tin rằng, được ngắm biển mây Khau Phạ, được đắm mình cùng mùa lúa chín vàng, du khách đến mà không muốn về và trong tương lai, cùng với Mường Lò - Nghĩa Lộ, Sa Pa, Điện Biên..., Mù Cang Chải sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong vùng Tây Bắc.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Minh Quang (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Có địa điểm nằm trung tâm thị xã Nghĩa Lộ, được thiết kế hài hòa với không gian, cảnh quan chung, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngôi nhà sàn được dựng lên giữa trung tâm rất đơn sơ nhưng gần gũi với cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền Tây Bắc.
YBĐT - Bên cạnh những thửa ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch đã mang đến sự hấp dẫn mới cho Mù Cang Chải.
YBĐT - Du khách đến với Mù Cang Chải đều phải trầm trồ, ngưỡng mộ và không khỏi nao lòng trước vẻ đẹp kỳ vĩ do chính bàn tay lao động của con người tạo nên. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được coi là kiệt tác của đôi bàn tay và khối óc của đồng bào nơi đây. Mời các bạn tìm hiểu thêm về danh thắng ấy qua phim tài liệu của phóng viên Báo Yên Bái.
YBĐT – Đó là yêu cầu của đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp báo cáo tiến độ triển khai kế hoạch tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Tuần Văn hóa - Thể thao và Du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng Mù Cang Chải năm 2016 do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức sáng 9/9.