Cảm giác vượt qua chính mình, chinh phục ngọn núi cao 2.979m so với mực nước biển Tà Chì Nhù; thư giãn, chìm đắm trong không gian, cảnh sắc tại khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng vô cùng tuyệt đẹp; những trải nghiệm đầy thú vị khi đến với thác Háng Đề Chơ, chòm Cu Vai; thưởng thức hương vị đặc trưng của những món ăn mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông… tất cả sự mới mẻ, độc đáo ấy sẽ có trong hành trình của du khách khi đến với huyện vùng cao Trạm Tấu.
Khám phá những điều mới lạ từ thiên nhiên và nền văn hóa bản địa, đặc biệt là du lịch mạo hiểm ngày càng có sức cuốn hút và trở thành đam mê với nhiều người, nhất là giới trẻ. Và Tà Chì Nhù, Trạm Tấu - đỉnh núi cao thứ 6 ở Việt Nam là một địa chỉ đáng chinh phục, chắc chắn không khiến bạn phải thất vọng.
Quả thật, tôi vô cùng may mắn khi được trải nghiệm hành trình chinh phục đỉnh núi này. Cách thị trấn hơn 10 km, đường vào chân ngọn núi Tà Chì Nhù giống như bao con đường ở vùng núi Yên Bái, gập ghềnh những ổ voi, đá cuội lớn...
Con đường duy nhất lên đỉnh là những vách đá thẳng đứng, không có điểm bám, nhỏ hẹp, vắt từ ngọn bên này sang lưng chừng ngọn bên kia. Qua biết bao sống núi, chúng tôi đi xuyên qua khu rừng già đương mùa hoa đỗ quyên và lối mòn lát đầy cỏ dại, rồi cả rừng trúc, đan vào nhau tạo thành vòm như một cánh cổng mở ra trước mắt…
Quãng đường từ khu nghỉ cắm trại lên đỉnh mới thực sự là khó khăn. Gió không ngừng thổi, mây cũng cứ thế theo những cơn gió sà xuống ngay trước mặt, cảm giác giơ tay chạm nhẹ là tới. Chúng tôi tiếp tục băng qua sống núi đá hai bên là vực sâu xanh mướt, lác đác đàn dê thong thả... hình ảnh ấy như một thước phim quay chậm đang được trình chiếu.
Đến đỉnh, trời vẫn lồng lộng gió, nhìn xuống là biển mây xen lẫn những ngọn núi nhấp nhô, trập trùng vô tận, chúng tôi như phiêu diêu với gió mây. Đó thực sự là phần thưởng xứng đáng cho những gì chúng tôi vừa trải qua.
Hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù kết thúc nhưng hành trình khám phá những điểm du lịch ở Tạm Tấu thì chưa dừng lại đó. Ở nơi non cao Trạm Tấu còn một điểm du lịch mạo hiểm hết sức hấp dẫn khác đó chính là đỉnh Tà Xùa, xã Bản Công - ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La.
Với ba đỉnh hợp thành đã tạo nên một kỳ quan vô cùng kỳ vĩ, gồm: đỉnh cao nhất là nơi dựng cột cờ Việt Nam trên độ cao 2.850m so với mực nước biển; đỉnh thứ hai hiện vẫn còn dấu tích của cột cờ cũ vốn được dựng từ thời Pháp thuộc và đỉnh cao thứ ba nằm ở giữa, giống như vạch nối tạo thành "sống lưng khủng long”, được du khách vô cùng yêu thích.
Đến Tà Xùa, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, núi non hùng vĩ mà còn có cơ hội trải nghiệm, ngắm nhìn những thác nước chảy từ độ cao hàng nghìn mét được ví như mái tóc dài của thiếu nữ xinh đẹp vùng Tây Bắc; "săn” biển mây trắng, lạc chân vào chốn "bồng lai tiên cảnh”…
Ngược về trung tâm huyện, một địa điểm khác không thể không nhắc đến chính là "thiên đường” suối khoáng nóng. Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng được xây dựng dưới một thung lũng nhỏ, phía trước là những thửa ruộng bậc thang, phía sau là đồi thông vi vu gió lộng tạo nên một khung cảnh hữu tình và thơ mộng.
Bắt nguồn từ lòng đất, suối khoáng nóng tự nhiên trong vắt, ấm áp, nhiệt độ trung bình từ 35 - 38 độ C, nồng độ lưu huỳnh vừa phải, không quá gắt và phù hợp phục vụ du khách quanh năm. Hơi khoáng cùng dòng nước ấm áp không chỉ mang đến cảm giác sảng khoái, thư giãn sau một hành trình dài mà còn giúp bạn lấy lại sức khỏe, năng lượng…
Không gian khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng tại Trạm Tấu.
Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng có 3 bể tắm chính với hàng chục phòng nghỉ lớn nhỏ dạng homestay. Ngoài tắm khoáng nóng, khu nghỉ dưỡng còn phục vụ các loại hình ăn uống theo phong tục của đồng bào Mông và Thái dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn như: thịt nướng, cá nướng, xôi ngũ sắc, thịt sấy, măng rừng...
Xa trung tâm huyện, vẫn trên những cung đường dốc quanh co, khúc khuỷu, chúng tôi tìm đến chòm Cu Vai, xã Xà Hồ - một bản làng bình yên với những ngôi nhà cột kê nằm san sát nhau, đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Cu Vai hiện ra trong sương sớm như một phố núi thu nhỏ làm bừng lên sức sống mới giữa núi rừng.
Mới đây, tại Cu Vai, đông đảo lực lượng đoàn viên thanh niên cùng các đoàn thể chính trị - xã hội và người dân trong xã đã hoàn thành công trình cải tạo cảnh quan, phát triển du lịch gắn với Đề án Phát triển du lịch của huyện.
Sau khi những ngôi nhà trong cụm cơ bản được kiên cố, đào rãnh thoát nước hai bên, trồng hoa, tạo cảnh quan, vận động người dân nuôi nhốt gia súc, gia cầm, trồng rừng bảo vệ đất, phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu, làm nhà vệ sinh bảo đảm cho môi trường xanh - sạch - đẹp… Cu Vai dần phát triển các loại hình dịch vụ thương mại, nhất là phát triển du lịch cộng đồng.
Đến với Trạm Tấu du khách còn có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn khác như: tham gia Lễ hội Gầu Tào - nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông với mong muốn cầu tự, cầu sức khỏe, may mắn, mùa màng bội thu…; khám phá thác Háng Đề Chơ, xã Làng Nhì - thác nước hùng vĩ bậc nhất Tây Bắc; thưởng thức các điệu múa dân gian truyền thống, các món ăn đặc trưng mang đến cảm giác lạ miệng, hấp dẫn của đồng bào tại nhà du lịch cộng đồng ở xã Hát Lừu…
Điểm qua một vài địa chỉ du khách có thể ghé chân trong hành trình khám phá Trạm Tấu để thấy sức hấp dẫn và tiềm năng du lịch của mảnh đất vùng cao này. Với mục tiêu năm 2019 đón và phục vụ 25.000 lượt khách, huyện Trạm Tấu sẽ tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, thu hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch, từng bước xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối với các xã trong huyện và các huyện, thị xã trong tỉnh nhằm khơi dậy tiềm năng, xây những "viên gạch hồng” đầu tiên cho "ngành công nghiệp không khói” của địa phương.
Mai Linh