Chiều sâu của sự quyến rũ ấy, như hổ phách quý không chói rực ấn tượng thị giác ngay phút giây đầu, mà ánh xạ qua các tầng không gian, khúc xạ qua thời gian bởi vẻ đẹp tự nhiên, màu nhiệm và ẩn tàng chờ khám phá.
Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải luôn là sự kiện được chờ đón nhất trong năm đối với những người yêu thích khám phá văn hóa miền Tây Bắc. Bởi lẽ, tại đây - những tinh hoa văn hóa sẽ được hội tụ và kết nối với du khách.
Đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội (thứ 2, phải sang) và đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái (thứu 2, trái sang) vui hội múa xòe cùng đồng bào các dân tộc . (Ảnh: Khắc Điệp)
Thật không quá khi mọi người vẫn truyền tai nhau rằng: "Chẳng có nơi nào mà người người thích múa, nhà nhà thích xòe như ở Mường Lò”.
Cứ vui là xòe, lễ tết xòe, khách đến chơi nhà cũng xòe. Vậy nên, những đứa trẻ lên 5 lên 3 ở đất Mường Lò này đều biết xòe cả. Những điệu xòe đã ngấm vào máu, truyền từ đời này sang đời khác, không thể thiếu trong đời sống hàng ngày như máu trong huyết quản của người Mường Lò.
Ấy vậy nên, việc huy động vài nghìn người đi luyện tập màn xòe khổng lồ là việc không mấy khó khăn đối với những người làm văn hóa ở Nghĩa Lộ. Họ tham gia với sự yêu thích và niềm tự hào dân tộc.
Cô gái Lò Thanh Huyền - 18 tuổi ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ là một trong 5.000 người sẽ tham gia màn đại xòe vào đêm Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò biết múa xòe từ năm em lên 4 tuổi và Thanh Huyền không biết mình đã thích múa xòe từ bao giờ? Chỉ biết rằng, nghệ thuật trình diễn đặc sắc của dân tộc cứ từ từ ngấm vào mình lúc nào không hay. Mỗi bước xòe của em tự nhiên, duyên dáng như lời ăn, tiếng nói của mình.
Thanh Huyền tâm sự: "Ngay từ nhỏ em đã được các bà, các mẹ kể rằng, dân tộc Thái chúng em sống giữa thiên nhiên hùng vĩ. Cùng với sự cần cù, sự sáng tạo trong chinh phục thiên nhiên thì ngay từ thửa sơ khai, người Thái đã biết nắm chặt tay nhau nhảy múa quanh đống lửa thể hiện niềm vui sướng với những thành quả lao động của mình. Và những điệu xòe bắt đầu từ đó”.
Là mảnh đất thiên nhiên tươi đẹp, với không gian thấm đẫm sắc màu văn hóa và tình người chất chứa yêu thương, hàng năm Mường Lò mở hội để giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước về một vùng đất giàu bản sắc văn hóa độc đáo, nơi ngọn nguồn của những điệu xòe, nơi câu khắp chảy ra từ tiếng suối, nơi tiếng pí, tiếng khèn vút lên từ trên ngọn núi. Đến với Mường Lò du khách không thể cưỡng nổi sức hút của những vòng xòe, tay trong tay, chan chứa yêu thương.
Trước ngày khai hội Mường Lò, nghệ nhân Điêu Thị Xiêng chia sẻ: với ước nguyện xòe cho cấy lúa trổ bông, xòe cho bắp ra hạt, xòe cho trai gái thành đôi... thì múa xòe là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Thái. Người Thái múa xòe mỗi khi tết đến xuân về, mỗi khi mùa màng bội thu, khi trai gái thành đôi, khi cất xong ngôi nhà mới.
Với giá trị nhân văn sâu sắc, năm 2015, xòe Thái được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Xòe giờ không chỉ có người Thái múa nữa mà những dân tộc khác cũng múa. Vui hơn cả là cả bạn bè quốc tế cũng biết tới và cùng múa. Chúng tôi tự hào vì xòe Thái đã vươn ra thế giới.
Lễ hội năm nay, lần đầu tiên 5.000 nghệ nhân và diễn viên quần chúng sẽ cùng nắm tay nhau tạo thành một màn múa xòe khổng lồ. Hòa vào vòng xòe, du khách sẽ được hòa cùng những đôi chân theo nhịp khèn, hòa cùng những cái nắm tay thắt chặt tình cảm. Chắc chắn, khung cảnh đó sẽ tạo nên một trải nghiệm gây thương nhớ cho bất cứ ai có cơ hội được trải nghiệm.
Anh Dương Công Hùng ở Hà Nội đến với Mường Lò trước giờ khai hội chia sẻ: "Năm nào tôi cũng đến đây vào ngày hội, bởi tôi yêu thích văn hóa nơi đây, thích được ngắm người Thái đi trẩy hội, thích được ăn những món ăn dân tộc, những trò chơi dân gian, những vòng xòe ngay trong bản trong làng... Và đặc biệt, vào ngày khai hội mới có vòng xòe khổng lồ đáng mong chờ nhất”.
Nếu ở Mường Lò, xòe là tinh hoa thì ở Mù Cang Chải những thửa ruộng bậc thang - bức tranh thiên nhiên tạc bằng tay của người dân bản địa được coi là huyền thoại. Và hàng năm vào tháng 9 khi những thửa ruộng bậc thang bắt đầu chuyển dần sang màu vàng ruộm cũng là lúc Lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải diễn ra và cũng là thời điểm mà những người yêu thích thiên nhiên Tây Bắc đổ về với Mù Cang Chải.
Chị Nguyễn Trần Vân Anh ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tôi đã đặt phòng từ cách đây 2 tháng. Đây không phải là lần đầu đến với Mù Cang Chải nhưng những thửa ruộng bậc thang này hút hồn lắm, đi mãi đi mãi mà không chán. Hàng năm, cứ có điều kiện là tôi lại đến đây”.
Kiệt tác ruộng bậc thang Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)
Văn hóa là thứ mà khiến mọi người không bao giờ có cảm giác nhàm chán. Bởi nó được kết tinh từ hàng ngàn năm của biết bao thế hệ người dân bản địa, mà nhất là khi văn hóa, tập quán canh tác và bàn tay khối óc của họ đã tạo nên một kỳ quan thiên nhiên hiếm có nơi nào trên đất nước Việt Nam hay trên thế giới lại đẹp đến như vậy.
Những thửa ruộng bậc thang - tinh hoa văn hóa của người Mông ở Mù Cang Chải đã vào những tấm hình và bay xa ra bạn bè thế giới biết đến. Họ tìm đến và tận hưởng những tinh hoa văn hóa khác của cộng đồng các dân tộc nơi đây, cùng trải nghiệm các hoạt động du lịch cộng đồng, tham gia các lễ hội dân gian và đặc biệt cùng tham gia và trải nghiệm Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng” mà chỉ ở Mù Cang Chải mới có.
Sự đa dạng của các dân tộc, tuy không cùng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, truyền thống canh tác… nhưng đã giao thoa, hòa quện, bồi tụ, truyền tỏa thành bản sắc đặc trưng của Yên Bái, hấp dẫn mà vẫn chất chứa bí ẩn, gọi mời.
Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019 chính là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa ấy, góp phần gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc Tây Bắc nói riêng và đồng bào dân tộc Việt Nam nói chung.
Thanh Ba