Xòe Thái - mãi mãi một tình yêu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/9/2022 | 7:39:51 AM

YênBái - Đêm hội Nghĩa Lộ - Mường Lò tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 khép lại để tiếp tục một niềm tin mạnh mẽ về sự trường tồn của xòe Thái được nuôi dưỡng bởi tình yêu với di sản.

Những màn xòe vẫn rực rỡ trong mưa.
Những màn xòe vẫn rực rỡ trong mưa.

Đêm hội xòe Nghĩa Lộ - Mường Lò cuối cùng đã có những cơn mưa "không hẹn mà đến". Nhưng như một thứ nước cam lồ tưới mát để rồi càng nhận ra rõ rệt một tình yêu say đắm với điệu xòe hiện hữu trong trái tim hàng vạn người dân Nghĩa Lộ - Mường Lò. Ấy là thứ tình yêu tự nhiên như điệu xòe ngàn năm đã có trong cộng đồng người Thái Tây Bắc. Phải thế chăng mà cuốn cả du khách thập phương cùng say theo từng nhịp bước để đêm Mường Lò trong ánh nước vẫn lung linh mời gọi, tay nắm chặt tay đượm lửa vòng xòe? Thứ tình yêu chung thủy, vẹn tròn ấy sẽ mãi là mạch nguồn đưa nhịp xòe trường tồn cùng năm tháng.

Gặt vội, ăn vội để tập luyện xòe - những diễn viên nông dân cứ thế, vội vàng, hối hả trong vòng quay tất bật ngày mùa rồi lại đêm đêm miệt mài trong những buổi tập xòe suốt cả tháng trời trước ngày hội đến. 

Có đêm trời nồng oi, có bữa cơn mưa bất chợt ào ạt hay rỉ rả không ngừng nhưng chưa hôm nào dừng bước chân tập luyện của các bà, các chị, các cô. Để thành màn đại xòe cho đêm hội cũng lắm kỳ công, vất vả. Những chủ thể của điệu xòe góp gom từng đốm lửa để thắp sáng ngọn lửa đêm hội. Thế nên, khỏi phải nói họ đã chờ đợi ngày khai hội đến nhường nào. 

Trời Mường Lò thử thách lòng người. Đến sân vận động thị xã sẵn sàng cho giờ diễn đúng lúc trời đổ  mưa như trút. Ướt có, lạnh có nhưng không ai rời sân.

Chị Hoàng Thị Luyện - thôn Ao Sen 1, phường Tân An bảo rằng: "Không ngại gì mình ướt, chỉ giá như không mưa thì mình và tất cả anh chị em diễn viên sẽ giúp mọi người có thể cảm nhận được nhiều hơn vẻ đẹp của điệu xòe quê mình!”. 

Tâm tư có chút tiếc nuối với chính nỗi lòng sợ điệu xòe vơi đẹp dưới mưa mà họ đã đưa nhịp bước chân xòe với tất cả tình yêu và niềm tự hào có được để rồi vẫn cống hiến một màn đại xòe với những biểu tượng, ý nghĩa văn hóa đặc trưng được gửi gắm, tái hiện hoành tráng, mãn nhãn trong cảm nhận người xem. Cơn mưa có thể làm ngọn lửa giữa vòng xòe khó bùng rực lên nhưng vẫn đượm cháy đến tận cùng đêm hội. 

"Vẫn thật vui vì ngay cả trong mưa, khắp khán đài vẫn đông kín người và ở lại tới tận cùng đêm hội” - chị Đồng Thị Nhi - bản Ngoa, phường Pú Trạng chia sẻ tự hào.






Khán giả đội mưa hân hoan xem đại xòe. 

Ngần ấy tình yêu với xòe của người dân bản địa cũng đã quá đủ để cuốn bao người chung niềm mong muốn được chiêm ngưỡng, thưởng thức tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể hôm nay đã vươn tầm thế giới.

Minh chứng là những dãy dài người chờ đợi để mong nhận được tấm vé vào sân; là khán đài sân diễn kín ghế trước giờ khai mạc và vẫn chặt người dưới mưa tận cuối đêm xòe, ngay cả những người không ô, áo che mưa; là những ánh mắt tiếc nuối của bao người đến tận nơi nhưng chỉ có thể đứng ngoài sân xem hội qua màn hình lớn…

Nghệ thuật xòe Thái phản ánh sự đa dạng văn hóa, mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết; là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở khu vực Tây Bắc. Không biết là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay chính là thứ tình yêu xòe Thái của người bản địa không chỉ cuốn người ta vào mong muốn được thưởng thức, chiêm ngưỡng mà còn mang những thông điệp của xòe Thái đủ sức tỏa lan ngay trong không gian của đêm hội trong những ấm áp cởi mở, thân tình. 

Đó là khi trên khán đài người với người dù xa lạ nhưng vẫn sẻ chia cho nhau chiếc ô che mưa. Đó là khi ta vô tình gặp một chiến sĩ công an áo quần đẫm ướt mưa mà nhẹ nhàng cúi người buộc lại chiếc áo mưa cho một em nhỏ xem xòe.  

Đó là khi mỗi một thành viên Ban tổ chức, một tình nguyện viên, phục vụ viên… dầm mưa vẫn hết mình với nhiệm vụ được giao. Đó là khi những người con Nghĩa Lộ - Mường Lò xa quê trở càng thấy quê hương thêm bộn phần yêu dấu và tự hào… 

Đêm xòe trong niềm tự hào của nghệ thuật xòe Thái thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng khiến những nghệ nhân đã nỗ lực thầm lặng, bền bỉ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản suốt bao năm tháng ngập tràn hạnh phúc.

"Không nghĩ mình có thể được chứng kiến nghệ thuật xòe Thái trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sớm như vậy. Không điều gì ngoài từ hạnh phúc, xúc động. Thật cứ như một giấc mơ” - nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến - bản Căng Nà, phường Trung Tâm - một minh chứng của sự bền bỉ gìn giữ, trao truyền và nguồn cảm hứng lan tỏa những điệu xòe trong cộng đồng Thái Mường Lò vẫn ăm ắp trái tim một niềm hạnh phúc khôn tả. 

Châm đuốc đốt lửa đêm xòe là ông lão có mái tóc bạc phơ đã trên nhiều cái tuổi "xưa nay hiếm" ấy, muốn niềm hạnh phúc, tự hào xòe Thái cũng mãi tỏa lan, rực sáng như ngọn lửa hồng trong nhiều thế hệ người Thái mai này. Người nghệ nhân đó càng có niềm tin lớn lao, bền vững vào sức sống mãnh liệt của xòe Thái khi đã trở thành Di sản văn hóa đại diện của nhân loại.

Một đêm hội xòe nhiều xúc cảm sẽ lùi lại cùng thời gian nhưng tình yêu xòe Thái của những chủ thể điệu xòe thì còn theo năm tháng. Bằng ghi danh của UNESCO và tình yêu với nghệ thuật xòe Thái mãi là "sợi chỉ đỏ”, là "nền móng” vững chắc để "thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại”; "…tạo sức sống mới cho di sản, để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…” như lời phát biểu, cam kết của lãnh đạo tỉnh nhà trong Lễ đón Bằng ghi danh của UNESCO. 

"Hãy làm bằng tâm huyết, bằng trái tim, bằng tấm lòng, bằng niềm tự hào, bằng nội lực để những lời ca, âm nhạc của các điệu Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe gậy, Xòe hoa... tiếp tục được nuôi dưỡng, phát triển và lan tỏa ra cộng đồng các dân tộc anh em” - lời đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hẳn đã được những chủ thể điệu xòe khắc ghi bằng cả trái tim ăm ắp tình yêu và niềm tự hào về di sản.

Thu Hạnh

Tags đêm hội xòe Thái Nghĩa Lộ Mường Lò Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục