Về miền huyền thoại miền Tây

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 4:05:12 PM

YBĐT - Tôi đã bị Suối Giàng quyến rũ ngay từ lần đầu đặt chân đến. Nơi mà từ cánh đồng Mường Lò nhìn lên ẩn khuất trong bạt ngàn mây trắng là màu xanh bàng bạc của chè Shan tuyết.

Người dân xã Suối Giàng thu hái chè Shan tuyết.
Người dân xã Suối Giàng thu hái chè Shan tuyết.

Quả thật, có đặt chân lên trên đỉnh Suối Giàng, lạc cảnh bồng lai huyền ảo, thoả sức mê mẩn bên những thân chè cổ thụ đủ thế do bàn tay trời đất uốn tỉa mới thấy hết vẻ đẹp đến mê lòng của chè cổ thụ. Đang mải mê ngắm những gốc chè cổ thụ ấy thì anh Lợi - một người sở hữu vườn ươm cây giống lớn nhất nhì huyện Văn Chấn vỗ vai: “Đến Suối Giàng mà không lên “vườn trà thượng giới” là một thiệt thòi lớn”. Nói rồi Lợi dẫn tôi đi trong bạt ngàn của rừng chè cổ thụ, báu vật của thượng giới ban tặng cho Suối Giàng cứ như mê hoặc, dẫn dụ tôi.

Tôi  đã từng bắt gặp những thân chè to lớn với nhiều người ôm không xuể ở Suối Bu, Tà Xi Láng nhưng một quần thể chè với nhiều thế cây đẹp và lạ thì chỉ riêng có ở Suối Giàng mà thôi. Không chỉ là những gốc chè to, khi hái người Mông ở đây phải bắc thang trèo lên mà điều làm nên huyền thoại Suối Giàng nức tiếng gần xa đó chính là tên gọi chè Shan tuyết.

Theo nhiều người thì cái tên Shan bắt nguồn từ cao nguyên Shan có vùng chè nổi tiếng nhưng có người thì bảo đó là cách gọi từ chữ “sơn” mà ra. Nhưng chè Shan tuyết không phải mọc trên núi tuyết mà những búp chè được phủ bằng một màu trắng bàng bạc như tuyết. Lúc mới hái búp chè màu xanh non, nhưng khi sao khô, chè lại có màu trắng bàng bạc như phủ một lớp tuyết. Người ta bảo đó là sự kết tinh của nắng, mưa của tuyết sương mang đặc màu sắc tự nhiên. Thực tại và huyền thoại về Suối Giàng hư hư, thực thực đan xen nhau giữa vùng chè cổ thụ và bồng bềnh mây trắng.

Trước khi đến thăm cây chè tổ, tôi ghé qua Bí thư Đảng uỷ xã Suối Giàng Giàng A Đằng, anh bảo rằng cũng không nhớ cây chè lớn nhất ở Suối Giàng bao nhiêu năm tuổi, chỉ biết rằng đầu thập niên 90 một chuyên gia người Nga đã đi nghiên cứu cây chè ở 180 nước trên thế giới nhưng khi đến đây thấy những cây chè tổ và soi kỹ vào một khúc gỗ chè vừa cưa ra, ông ta sửng sốt thốt lên: Phải chăng đây chính là thủy tổ của cây chè có chừng trên 500 năm tuổi. Vài năm sau thì cây chè này chết và giờ ở khu Bản Mới cũng có cây chè trên 300 tuổi. Giờ cũng không ai biết Suối Giàng còn bao gốc chè cổ thụ nhưng theo Bí thư Đằng thì từ năm 1986 người ta đã đi khảo sát được trên 84.000 gốc chè với diện tích 293ha, trong đó có trên 2 vạn cây chè cổ thụ. Từ năm 90 trở lại đây, Suối Giàng trồng thêm 100ha chè nữa đưa tổng diện tích chè kinh doanh  toàn xã lên 340ha.

Nằm ở độ cao 1.371m so với mặt nước biển, Suối Giàng có 530 nóc nhà với trên 2.670 khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Từ khi có con đường trải nhựa nối từ xã Sơn Thịnh lên Suối Giàng, kinh tế xã đã có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, Bí thư Đằng bảo: “Người Suối Giàng còn nhiều cái lo lắm: đó là lo cho cái bụng được ấm, cái đầu có thêm con chữ, bệnh tật đừng đến nhà, lo cho con cái mình được đi học lên cao”.

Trên cả những lo lắng đó là sự trông đợi vào những gốc chè cổ thụ kia. Hiện toàn xã cũng chỉ có 46 ha lúa nước, 175ha ngô, chăn nuôi gia súc thì khó phát triển do khí hậu khắc nghiệt. Nói là trông cả vào cây chè nhưng nhẩm tính cũng thấy, 500 tấn chè búp tươi mang lại cho người dân nơi đây khoảng gần 3 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền ấy nếu được chia đều cho 2.670 người dân thì mỗi người trong sẽ có được khoảng hơn 1 triệu đồng mỗi năm thu nhập từ chè. Điều đó giải thích cho việc tuy nổi tiếng có loại chè đặc sản nhưng đỏ mắt đi tìm cũng không có hộ nào giàu vì chè trên đất Suối Giàng.

Khi ở UBND xã Suối Giàng, tôi gặp ông Sùng A Vàng, 53 tuổi, nhà có hơn 100 gốc chè, mỗi năm cũng chỉ thu được 5 triệu đồng. Ông bảo, tuy chè có quan hệ máu thịt với mình nhưng thu nhập từ chè cũng chẳng được bao nhiêu. Điều ông nói có lý lắm chứ khi mà những gốc chè cổ thụ kia mọc tự nhiên, không được chăm bón, số lượng búp chè ít, giá bán cũng rẻ nên người làm chè khó khăn. Tôi thấy chạnh lòng khi chè Shan tuyết cổ thụ gắn bó máu thịt với người dân Suối Giàng, đã làm nên thương hiệu nổi tiếng của ngành chè Yên Bái lại không giúp được người dân có cuộc sống ấm no. Phải chăng thương hiệu chè Suối Giàng đang dần tự đánh mất mình? Chè Suối Giàng thật chỉ có một nhưng núp bóng chè Suối Giàng thì có khắp nơi. Ngay ở trung tâm xã thôi cũng có đủ loại tên chè nào là chè “Năm cực”, chè Độc Nhất Vô Nhị, chè Shan tuyết, chè Suối Giàng, chè Giàng Cao, Giàng Thấp…

Mỗi một loại chè là do tên người làm đặt ra, giá cả cũng khó mà đo được, chè càng được làm cầu kỳ và công phu thì giá càng cao, trung bình từ vài trăm đến vài triệu đồng một cân. Huyện Văn Chấn đang tập trung phát triển vùng chè cổ thụ đúng theo nghĩa tự nhiên nhất, trồng chè bằng cách gieo hạt từ nguồn giống lấy từ những cây chè cổ thụ tốt nhất.

 Trước khi đến những gốc chè cổ thụ thân hình xù xì ẩn khuất trong mây trắng này, tôi có ghé thăm nhà chị Lâm Thị Kim Thoa, hiện là Chủ nhiệm HTX Suối Giàng, chị cho biết: “Hiện nay cả xã Suối Giàng có chưa đầy 300 ha chè Shan tuyết, trong đó chỉ có trên 2 vạn gốc chè cổ thụ sản lượng búp thu hái hàng năm chỉ đạt 300 tấn. Với sản lượng đó dù có chế biến tốt đến đâu thì cũng chỉ được trên dưới 55 tấn chè thành phẩm, ấy thế mà hiện nay đi đến đâu cũng thấy đại lý bán chè Suối Giàng từ Yên Bái đến hết trong Nam đến ngoài Bắc. Chính vì lẽ đó, điều mong mỏi là chè Suối Giàng có một cái tên chung. HTX Suối Giàng đang xây dựng thương hiệu riêng cho mình mang tên Tuyết Sơn Trà sản xuất chè theo đúng nghĩa Suối Giàng”.

Tôi tìm đến Suối Giàng không chỉ để được ngắm tận mắt, chạm tay vào cây chè cổ, được thưởng thức hương vị tinh túy tự nhiên của chén chè Suối Giàng mà còn để tìm kiếm văn hóa của người Mông nơi đây. Bên ánh lửa bập bùng trong căn nhà của gia đình Giàng A Lử ở thôn Bản Mới, tôi được thưởng ngoạn thứ chè Shan tuyết đặc biệt mà chính Lử cùng vợ hái từ những cây chè cao đến 4-5 mét trên núi. Nhấp ngụm nước chè như thấy được cả hương vị tinh túy của trời, của đất.

Nhà A Lử còn giữ được hơn 10 gốc chè cổ thụ, A Lử bảo cũng không làm được nhiều đâu, làm uống và cho bạn bè thôi. Thôn Bản Mới có trên 74 hộ dân, gọi là Bản Mới nhưng nó cũng có đến cả trăm tuổi. Ở đây nhà nào cũng có chè, chè đã là một phần máu thịt của người dân. Tuy vậy, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn hàng năm vẫn có khoảng 30 hộ phải cứu đói.

Trưởng thôn Bản Mới, anh Vàng Xúa Dê nói với tôi: “Những ngày chủ nhật, khách Tây đến đây cũng nhiều, họ đến để ngắm và trèo lên những gốc chè cổ thụ để quay phim chụp ảnh. Người bản nhìn thấy Tây còn quen hơn cả người Kinh đấy, cán bộ ạ”.

Câu nói ấy, bất chợt làm tôi liên tưởng đến mỗi lần đến Sapa bắt gặp nhiều người phụ nữ Mông mang các mặt hàng thổ cẩm bán cho du khách. Họ đã biết tiếp thị hàng hóa của họ với sự thật thà đến kỳ lạ. Cả ngày họ theo chân du khách chỉ để bán được những thứ hàng do chính tay họ làm ra như túi xách, khăn quàng, đồ trang sức bằng bạc. Vậy, thì tại sao những nét văn hóa đặc trưng của người Mông Suối Giàng như chơi quay, ném còn, múa khèn, đua ngựa, ném pao, thổi kèn lá… cùng với thiên nhiên kỳ thú lại không thể trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách? Thực ra thế mạnh du lịch cũng đang được Suối Giàng khai thác.

Tuy nhiên, các công trình phục vụ cho khu du lịch Suối Giàng đang trong quá trình xây dựng, du khách chưa có nhiều địa điểm để thăm quan nên chủ yếu vẫn là lên ngắm những cây chè cổ thụ. Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm làm các đồ lưu niệm cho khách chưa phát triển do nhận thức của người dân nơi đây còn hạn chế. Họ muốn có tiền luôn trong khi sản phẩm làm ra chưa bán được ngay. Đây cũng là một cái khó.

Rời Suối Giàng khi sương còn giăng mờ trên các đỉnh núi. Những người con gái Mông đang thêu thùa bên hiên nhà, bên vườn chè quy hoạch, tôi bắt gặp những khách du lịch nước ngoài vẫn mải mê ngắm những gốc chè cổ thụ xù xì và thầm nghĩ tại sao Suối Giàng không gắn du lịch sinh thái với văn hoá chè cùng những sản phẩm đặc trưng của người Mông? Đó có thể là những mái nhà to, nhỏ lợp bằng những tấm gỗ pơmu được dựng lên một cách công phu. Đó là những ngôi làng cổ của người Mông với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Đó là những cô gái Mông trong những bộ váy áo đặc sắc đang thêu thùa. Đó là những chén trà được chính bàn tay những thiếu nữ Mông pha mời khách. Đó là những đêm được ngủ trong giá lạnh sương mù ngay tại tại Suối Giàng. Tất cả những thứ đó nếu làm được sẽ khiến cho người đến Suối Giàng phải say mê để rồi khó mà rời xa.

Văn Thông
Suối Giàng, xuân Nhâm Thìn

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục