Tự hào Căng và Đồn Nghĩa Lộ

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/10/2012 | 2:47:16 PM

YBĐT - Khu Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ lịch sử không chỉ là điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu.

Khu Di tích lịch sử văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.
Khu Di tích lịch sử văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.

Những ngày tháng 10, trong không khí tưng bừng, phấn khởi của nhân dân các dân tộc vùng Mường Lò chuẩn bị cho 60 năm ngày giải phóng Nghĩa Lộ, chúng tôi về với Khu Di tích lịch sử, văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ - nơi đã từng diễn ra cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945, ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952, giải phóng Nghĩa Lộ, mở đường tiến vào giải phóng hoàn toàn Tây Bắc.

Đi trong khuôn viên Khu Di tích rộng 2,5ha rợp bóng cây xanh với 3 khu chính: khu tượng đài chiến thắng, khu nhà bia khắc tên 403 liệt sỹ, khu mộ và đài tưởng niệm 9 liệt sỹ tù chính trị hy sinh trong cuộc bạo động phá Căng vượt ngục ngày 17/3/1945, thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính, ghi ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu nơi đây và được nghe kể về những chiến công của quân và dân ta, chúng tôi như được sống trong thời khắc lịch sử hào hùng ấy.

Năm 1888, thực dân Pháp tiến hành xây dựng các đồn binh chốt giữ các tiểu quân khu trong vùng, trong đó có đồn bốt và nhà tù để giam giữ, đàn áp những người chống đối thuộc địa phận Căng Nghĩa Lộ.

Đến năm 1930, Căng Nghĩa Lộ được mở rộng, nâng cấp thành nhà tù cấp Đông Dương. Nơi đây đã từng giam giữ, tra tấn nhiều cán bộ, chí sỹ yêu nước của ta, như các đồng chí: Trần Huy Liệu, Vương Thừa Vũ, Trần Đức Sắc… Mặc dù bị giam cầm, quản thúc nhưng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù, các chiến sỹ cách mạng vẫn tiếp tục hoạt động tuyên truyền vận động cách mạng, đấu tranh phản đối chế độ nhà tù hà khắc, động viên anh em giữ vững chí khí chiến đấu…

Tại đây, tờ báo “Đường Nghĩa” do đồng chí Trần Huy Liệu là chủ bút ra đời. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, ngày 17/3/1945, Chi bộ nhà tù đã tổ chức cuộc bạo động phá Căng vượt ngục. Cuộc bạo động không thành, bị thực dân Pháp đàn áp, 9 đồng chí đã hy sinh, một số đồng chí chạy thoát ra ngoài được nhân dân che chở tiếp tục tham gia hoạt động chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945.

Tháng 10/1947, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Yên Bái, Nghĩa Lộ lần thứ 2, chúng đã cho xây dựng ở đây một hệ thống đồn bốt kiên cố. Đồn Pú Trạng (Nghĩa Lộ đồi) và Đồn Nghĩa Lộ là một trong những cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Tây Bắc, đồng thời cũng là Sở chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ.

Tháng 10/1952, cùng với chiến thắng Nghĩa Lộ, quân và dân ta đã san phẳng phân khu quân sự này, mở cánh cửa sang phòng tuyến sông Đà, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Với những sự kiện lịch sử trên, năm 1996 Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng nơi đây thành Di tích lịch sử quốc gia.

Ông Hà Văn Chấn - Giám đốc Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh cho biết: “Sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, Căng và Đồn Nghĩa Lộ được đầu tư tôn tạo với số vốn trên 10 tỷ đồng. Hiện nay, Khu Di tích đã hoàn thành xong giai đoạn 1”.

Được biết, từ năm 2009 đến nay Khu Di tích đã đón 302 đoàn khách đến thăm viếng với trên 49.000 lượt người. Tại đây cũng thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu, gặp mặt của các đoàn thể chính trị, xã hội, các câu lạc bộ như: Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Văn học nghệ thuật, Câu lạc bộ thơ...; tổ chức triển lãm các chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Khu Di tích lịch sử không chỉ là điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu. Tại đây, các em được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử địa phương, ý nghĩa của các công trình văn hóa được xây dựng, những điều này đã tác động đến tư tưởng, tình cảm, ý thức, giúp các em có thái độ, hành vi tích cực bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo các giá trị lịch sử, văn hóa cũng như thêm nỗ lực học tập, rèn luyện để xứng đáng là người kế thừa và phát triển sự nghiệp cách mạng.

Em Đỗ Thanh Hoàn, học sinh lớp 9A Trường THCS Nguyễn Quang Bích tâm sự: “Từ khi còn nhỏ em đã được ông bà, bố mẹ kể cho nghe về Di tích lịch sử Căng và Đồn, em thấy rất tự hào là người con Nghĩa Lộ. Em sẽ cố gắng phấn đấu là con ngoan, trò giỏi để sau này góp sức xây dựng quê hương, không phụ công những người đã hy sinh xương máu cho chúng em có cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.”

Để mãi mãi phát huy giá trị lịch sử và xứng đáng với tầm vóc Khu Di tích cấp quốc gia, Khu Di tích lịch sử, văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ tiếp tục được đầu tư tôn tạo giai đoạn 2 gồm: di dân dưới chân Khu Di tích; xây bờ kè chống sạt lở để giữ lô cốt, cột cờ và tượng đại chiến thắng; xây bãi đỗ xe... Để làm được việc này, Nghĩa Lộ rất cần sự quan tâm đầu tư của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như của tỉnh.

Hồng Duyên

Các tin khác
Các thiếu nữ Mông hái chè Shan tuyết.

Xã Suối Giàng cách trung tâm huyện Văn Chấn (Yên Bái) 12km. Là nơi cư trú lâu đời của đồng bào Mông, Suối Giàng mang đậm dấu ấn văn hoá đặc thù của bà con dân tộc Mông. Thiên nhiên còn hào phóng ban tặng cho miền sơn cước này một vùng chè Shan tuyết trải rộng trên diện tích khoảng 300ha với rất nhiều cây có tuổi đời lên tới vài trăm năm...

 

“Mâm xôi vàng” trên đất Mù Cang Chải.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - “Yêu câu hát, yêu tiếng khèn, người Mông như bông hoa mùa xuân… Xanh xanh thắm, miền non ngàn rừng thông vi vu mây vờn mây…” – đó là lời bài hát “Mù Cang Chải ơi” của nhạc sỹ Lê Minh mà mỗi khi muốn giới thiệu quê mình cho những người bạn thập phương, người dân Mù Cang Chải lại tự hào cất lên như một lời mời gọi về với nơi non ngàn.

Thi đẩy gạy trong lễ hội đình làng Dọc xuân Nhâm Thìn 2012.

YBĐT - Đình làng dọc nằm ở làng Dọc, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Làng Dọc có tên cổ là bản Giuộc hay bản Lọc, nghĩa tiếng Tày là bản rừng rậm. Nơi đây xưa kia mọc nhiều cây dọc, quả được dân bản ép làm dầu thắp sáng. Đình được xây dựng từ thế kỷ 19, đến đời vua Khải Định, đình được ban sắc phong.

Nghi lễ tại Lễ hội đền Đại Kại

YBĐT - Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 15, 16 tháng Giêng hàng năm, huyện Lục Yên (Yên Bái) lại tổ chức lễ khai Hội Đền Đại Kại thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc trong huyện, du khách bốn phương, cùng các thiện nam, tín nữ về dự lễ hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục