Đắm say Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/4/2012 | 9:02:58 AM

YBĐT - “Yêu câu hát, yêu tiếng khèn, người Mông như bông hoa mùa xuân… Xanh xanh thắm, miền non ngàn rừng thông vi vu mây vờn mây…” – đó là lời bài hát “Mù Cang Chải ơi” của nhạc sỹ Lê Minh mà mỗi khi muốn giới thiệu quê mình cho những người bạn thập phương, người dân Mù Cang Chải lại tự hào cất lên như một lời mời gọi về với nơi non ngàn.

“Mâm xôi vàng” trên đất Mù Cang Chải.
(Ảnh: Thanh Miền)
“Mâm xôi vàng” trên đất Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)

Xin được cảm ơn tác giả Lê Minh, một người không sinh ra và lớn lên ở quê hương Mù Cang Chải nhưng đã có cảm nhận sâu sắc đến thế về con người và thiên nhiên nơi đây. Có lẽ mảnh đất này có một sức hút tiềm ẩn khiến cho ai đã từng đến đây hẳn cũng như anh, mong muốn có một ngày được trở lại để mà đắm say hơn nữa.

Đến với Mù Cang Chải, ta sẽ gặp bạt ngàn thông reo trên núi. Thông biếc xanh hiên ngang mà điệu đà, lúc nào cũng quàng quanh mình tấm khăn bằng mây trắng nõn, mềm mại, bông xốp. Bởi có rừng núi trùng điệp như thế mà nơi đây có một khí hậu tuyệt vời, không khí mát mẻ quanh năm. Chỉ trong một ngày ta cũng có thể cảm nhận được tiết trời của bốn mùa: buổi sáng ấm áp như mùa xuân, buổi trưa nắng bừng chói chang như chính hạ, buổi chiều tối mây và sương phủ xuống mọi vật mỏng manh như chiếc khăn voan trắng, tạo cảm giác như ta đang dạo bước dưới trời thu và ban đêm là cái lạnh se sắt của đông về.

 

Nhịp sống Mù Cang Chải.

Cũng nhờ có địa hình đồi núi thiên nhiên ban tặng, cùng với bàn tay lao động cần cù sáng tạo, đồng bào Mông nơi đây đã tạo ra một bức tranh kỳ vĩ, cũng là  nguồn cảm hứng bất tận để các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhạc sỹ, điêu khắc, hội họa và du khách gọi với nhiều cung bậc khác nhau: “Những nấc thang vàng”, “Đường cong của tạo hóa”, “Điệu múa của lúa”…

Bức tranh huyền diệu này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh thắng cấp quốc gia, ấy chính là 500ha ruộng bậc thang Mù Cang Chải tập trung ở 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. 

Hòa vào thửa ruộng bậc thang là dòng thác Mơ uốn lượn như làn tóc. Từ trên cao nhìn xuống sẽ nhìn thấy thác Mơ như một dải lụa trắng lấp lánh ánh bạc, mềm mại trải dài khoảng 3.000m. Người ta nói, dải lụa ấy mềm mượt như suối tóc của thiếu nữ và trên mái tóc đó được gắn rất nhiều đá hoa cương.

Thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để du khách dừng chân thưởng ngoạn. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ trong sự bình yên, hoang sơ của miền sơn cước, không khí trong lành, tinh khiết mà man mác hương hoa rừng, tất cả sẽ là những giây phút khó quên để một lần đến rồi lại muốn nhiều lần đến nữa.

Cùng với phong cảnh hữu tình do thiên nhiên ban tặng, vùng đất này còn có những nét đặc sắc riêng của phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của người dân. Mùa xuân hay lễ cưới hỏi, đồng bào dân tộc Mông đều hát dân ca và múa khèn rất đặc sắc. Làn điệu của các bài hát, điệu khèn được diễn tả tế nhị, kín đáo, sâu lắng…

Dòng suối Nậm Kim cũng là một điều đặc biệt được thiên nhiên ban tặng, một nửa chảy về xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, một nửa chảy về Than Uyên của tỉnh Lai Châu qua địa phận Mù Cang Chải. Trên dòng suối đó còn có những công trình thủy điện như: Mường Kim, Hồ Bốn - niềm tự hào của quê hương và con người nơi đây. Chỉ có ở chốn này mới có được cảm giác những bóng điện thắp sáng lại được hòa quyện với sao trời: “Đường giao thông thênh thang ngược xuôi, điện sáng lên, sáng cùng sao trời, Mù  Cang Chải ơi!”.

Đến đây, ta thấy được cuộc sống thanh bình hơn bao giờ hết. Chính vì cuộc sống thanh bình này mà “đất lành chim đậu”, Mù Cang Chải trở thành vùng đất hấp dẫn của mười hai dân tộc anh em như: Mông, Thái, Tày, Dao, Kinh… Dù dân cư bản địa hay người nơi khác đến đều lấy Mù Cang Chải là quê hương. Trên vùng đất này, các dân tộc đoàn kết, chung tay xây dựng bản, làng, tạo nên những giá trị truyền thống tốt đẹp.

 Hoàng Thanh

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục