Thời điểm này, tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra ngày một diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh này. Tính đến 16 giờ ngày 18/2, tổng số trường hợp nghi nhiễm là 18; trong đó, 17 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính, loại trừ Covid-19, còn 1 trường hợp nam 25 tuổi ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đi từ xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc về ngày 16/2 đang được cách ly và chờ kết quả xét nghiệm.
Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho biết: "Khác với hệ điều trị là chữa khỏi bệnh cho từng cá thể thì hệ dự phòng làm công tác phòng, chống dịch bệnh cho cả cộng đồng. Công việc của công tác y tế dự phòng rất đa dạng như: giám sát, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm; khi có dịch thì trực tiếp triển khai các biện pháp chống dịch, khống chế nhanh nhất, giảm thiểu số người mắc; bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Công việc thường xuyên phải xuống cơ sở khoanh vùng, xử lý ổ dịch khẩn trương, kịp thời. Hàng ngày, chúng tôi phân công anh em trực để cập nhật tình hình dịch bệnh kịp thời, đặc biệt thời gian này, dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng phức tạp, phân công trực 24/24 giờ, trực thường trú không được đi ra ngoài tỉnh”.
Thời gian này, cán bộ của Khoa làm việc không ngừng nghỉ, làm việc xuyên đêm là chuyện bình thường. Rời công việc ở Khoa, họ đi xuống thôn, bản, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa để thiết lập hệ thống giám sát y tế từ cơ sở và có phương án xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Điển hình như sự việc ngày mùng 4 tết Canh Tý vừa qua, khi nhận được thông tin, có người từ vùng dịch trở về xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải ăn tết, cán bộ của Khoa lập tức lên đường lúc 12 giờ đêm, gần đến sáng mới tới nơi để kịp thời đưa những người này về cách ly tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.
Đồng thời, khẩn trương họp với lãnh đạo xã tiến hành phun tiêu độc khử trùng, giám sát người tiếp xúc. Phòng, chống dịch là công việc cần nhiều thời gian, công sức, đối với nam giới đã vất vả, với những cán bộ y tế nữ thì sự khó khăn lớn hơn nhưng sự đam mê, yêu nghề họ không quản ngại gian nan.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ngân nhận công tác được hơn một năm chia sẻ: "Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, tôi xin vào Khoa làm việc. Học ở trường cũng biết sự khó khăn của công việc nhưng với niềm đam mê, mong muốn lớn nhất của tôi là phục vụ nhân dân, vì cộng đồng không dịch bệnh. Sau chuyến đi gần một tháng ở huyện Trạm Tấu, tôi mới thấu hiểu sự khó khăn của người dân nơi đây. Chính vì thế, tôi quyết tâm cống hiến những gì đã học để mang lại sức khỏe, niềm vui cho người dân”.
Ở Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, cán bộ y tế ngày đêm miệt mài với công việc của mình để cho ra những kết quả chính xác phục vụ tốt hơn công tác điều trị.
Cán bộ Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm kiểm tra thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bác sĩ Chuyên khoa I Đoàn Thị Hồng Hạnh - Trưởng khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng cho biết: "Thời điểm này, công tác phòng dịch Covid-19 đang được triển khai quyết liệt ở các địa phương của tỉnh. Không vì chưa có dịch đến "nhà” mà các bác sĩ điều trị lơ là. Hầu hết các bác sĩ được phân công trực tiếp thu dung mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm đã và đang nỗ lực từng ngày để có hướng xử lý tốt nếu có trường hợp nhiễm bệnh xảy ra. Chúng tôi cùng với Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ trong công việc, cùng đưa ra phương án tham mưu tốt nhất cho lãnh đạo Trung tâm, đáp ứng nhu cầu tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn”.
Riêng về xét nghiệm dịch bệnh Covid-19, hiện tại, thiết bị máy móc đáp ứng đầy đủ, còn hóa chất, phòng xét nghiệm chưa đủ tiêu chuẩn nên phải phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để có kết quả về dịch bệnh này.
Khó khăn là thế, nhưng mỗi cán bộ, nhân viên y tế làm công tác y tế dự phòng vẫn luôn tâm huyết với nghề, gắn bó với sứ mệnh bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Trần Minh