Phải tăng gấp đôi nỗ lực ngăn chặn
Báo Sức khỏe đời sống cho biết, ngay sau khi công bố đại dịch COVID-19, WHO đã khẳng định công bố đại dịch để tất cả các quốc gia nỗ lực ngăn chặn mạnh mẽ hơn nữa chứ không phải công bố để chuyển trạng thái từ "ngăn chặn” sang "giảm nhẹ” sự lây lan mầm bệnh. "Chiến lược 4 hướng” (four-pronged strategy) một lần nữa được WHO kêu gọi sự hưởng ứng của tất cả các nước trên thế giới để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Dưới đây là kêu gọi triển khai chiến lược 4 hướng của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO một ngày sau khi WHO chính thức công bố đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới (12/3/2020):
WHO đã công bố đại dịch COVID-19 vì hai lý do chính: Lý do thứ nhất, vì tốc độ và quy mô lây lan của virus. Gần 125.000 trường hợp đã được báo cáo từ 118 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong vòng 2 tuần qua, số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc đã tăng gần 13 lần và số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng đã tăng gần gấp 3 lần.
Lý do thứ hai, mặc dù có những cảnh báo thường xuyên, WHO vẫn lo ngại sâu sắc vì một số quốc gia đã không tiếp cận mối đe dọa này với mức độ cam kết chính trị cần thiết để kiểm soát nó.
Một lần nữa, WHO khẳng định việc công bố đây là một đại dịch không có nghĩa là các quốc gia nên từ bỏ nỗ lực ứng phó với dịch bệnh. Thật sai lầm và nguy hiểm khi có ý tưởng rằng các quốc gia nên chuyển từ ngăn chặn sang giảm thiểu dịch bệnh.
Ngược lại, chúng ta phải tăng gấp đôi nỗ lực ngăn chặn. Đây là một đại dịch có thể kiểm soát. Nếu các quốc gia quyết định từ bỏ các biện pháp y tế công cộng cơ bản thì sẽ gặp một vấn đề lớn hơn và gánh nặng lớn hơn đối với hệ thống y tế, khi đó đòi hỏi phải có các biện pháp nghiêm khắc hơn để kiểm soát. Tất cả các quốc gia phải đạt được sự cân bằng tốt giữa bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn sự gián đoạn kinh tế và xã hội và tôn trọng quyền con người.
WHO kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện một cách tiếp cận toàn diện phù hợp với hoàn cảnh của từng nước, trong đó ngăn chặn là trụ cột trung tâm. WHO kêu gọi các nước thực hiện chiến lược 4 hướng (four-pronged strategy) để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh
Vẫn còn 77 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có trường hợp mắc được báo cáo và còn 55 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ có 10 trường hợp mắc hoặc ít hơn. Và tất cả các nước có trường hợp mắc đều vẫn còn khu vực không bị ảnh hưởng.
Như vậy, vẫn còn cơ hội để giữ lấy nó, tất cả quốc gia hãy sẵn sàng và chuẩn bị nguồn nhân lực và các cơ sở y tế.
Phát hiện, ngăn chặn và điều trị các trường hợp nhiễm bệnh
Chúng ta không thể chiến đấu với virus nếu chúng ta không biết nó ở đâu. Điều đó có nghĩa là phải triển khai hoạt động giám sát một cách mạnh mẽ để tìm, cách ly, làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị các trường hợp mắc giúp phá vỡ các chuỗi lây truyền mầm bệnh.
Làm giảm và ức chế sự lây lan mầm bệnh
Để tăng cứu sống chúng ta phải làm giảm sự lây lan virus. Điều này có nghĩa là phát hiện và cách ly càng nhiều trường hợp càng tốt và chặn tiếp xúc gần của người mắc bệnh. Ngay cả khi không thể làm ngưng sự lây lan truyền mầm bệnh, nhưng chúng ta vẫn có thể làm chậm sự lây lan và bảo vệ các cơ sở y tế, nhất là các nhà dưỡng lão và các khu vực quan trọng khác, điều này chỉ có thể khi làm xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ.
Đổi mới và cải tiến
Đây là một loại virus mới và là một dịch bệnh mới. Tất cả chúng ta đều phải học hỏi và tất cả chúng ta phải tìm ra những cách thức mới để ngăn chặn sự lây nhiễm, tăng khả năng cứu sống và giảm thiểu tác động. Tất cả các quốc gia đều có bài học kinh nghiệm để chia sẻ. WHO đang làm việc ngày đêm để hỗ trợ tất cả các nước.
(Theo chinhphu.vn)