Châu Âu là tâm dịch mới của Covid-19

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/3/2020 | 8:22:21 AM

Đây là tuyên bố của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 13-3.

Bảng chỉ dẫn nhận thức cộng đồng để đối phó với dịch Covid-19 tại ga tàu điện ngầm ở Washington, Mỹ.
Bảng chỉ dẫn nhận thức cộng đồng để đối phó với dịch Covid-19 tại ga tàu điện ngầm ở Washington, Mỹ.

Theo ông, châu Âu giờ đã trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19 ngoài Trung Quốc với số người nhiễm bệnh và tử vong nhiều hơn tất cả phần còn lại của thế giới. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia thì các trường hợp nhiễm và tử vong do Covid-19 tại nhiều nước khu vực châu Á có dấu hiệu giảm.

Châu Âu triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh lây lan

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng và diễn biến phức tạp tại châu Âu, một loạt nước đã triển khai các biện pháp trong nỗ lực phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh lây lan.

Ngày 13-3, Quốc hội Bulgaria đã nhất trí ban bố tình trạng khẩn cấp cho tới ngày 13-4 sau khi số ca mắc Covid-19 tại nước này đã tăng lên 23 người. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép kích hoạt các lệnh cấm đi lại đến và đi từ các nước có số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cao, đóng cửa các trường học và đại học, cho phép cảnh sát can thiệp khi việc cách ly không được tuân thủ.

Cùng ngày, Thủ tướng Czech Andrej Babis cho biết, chính phủ nước này đã áp đặt lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh vào nước này và người Czech đi sang nước ngoài kể từ ngày 16-3 tới để ngăn chặn dịch Covid-19.

Ngày 13-3, chính quyền tại thủ đô Berlin và một số bang ở Đức đã ra quyết định cho phép đóng cửa các trường học và nhà trẻ bắt đầu từ ngày 16-3 cho đến khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Hiện số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên toàn nước Đức đã lên tới 3.675 người và 8 ca tử vong.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ban bố tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại nước này trong một thế kỷ qua, đồng thời, yêu cầu đóng cửa toàn bộ các trường học và đại học trên phạm vi cả nước cho tới khi có lệnh mới. Pháp đã đưa ra quy định cấm các cuộc hội họp có quy mô từ 100 người trở lên. Hiện nước này đã ghi nhận 2.876 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 61 ca tử vong.

Ireland cũng thông báo đóng cửa nhà trẻ, trường học và trường đại học, đồng thời, triển khai phương thức học và dạy học từ xa. Các cơ sở văn hóa sẽ được đóng cửa. Chính phủ Bỉ cũng đã ra các quy định nghiêm ngặt để phòng chống lây lan SARS-CoV-2 như tạm ngừng mọi hoạt động giải trí, văn hóa; các sàn khiêu vũ, quán bar, cà phê và nhà hàng đều phải đóng cửa; các cửa hàng như siêu thị, hiệu thuốc hoặc cửa hàng thực phẩm sẽ được mở cửa trong tuần và cuối tuần…

Chính phủ Bồ Đào Nha đã đặt nước này trong tình trạng báo động để huy động các lực lượng hiến binh, cảnh sát và quân đội trong nỗ lực kiểm soát lây lan vi rút SARS-CoV-2. Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã thông báo nước này sẽ đóng cửa tất cả trường học, nhà trẻ và đại học từ ngày 16-3.

Tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng đột biến từ 3.004 người tối 12-3 lên thành 5.232 người tính tới sáng 14-3 với 133 trường hợp tử vong.

Cùng ngày, Quốc hội Đan Mạch đã thông qua luật dịch bệnh khẩn cấp, trao cho chính phủ quyền hạn lớn hơn để ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 lây lan, đồng thời, thông báo nước này sẽ tạm thời đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh. Thông tin này được đưa ra trong thời điểm quốc gia Bắc Âu xác nhận có 801 ca nhiễm Covid-19.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Nga, tính đến ngày 13-3, tổng số người nhiễm bệnh tại nước này đã tăng từ 34 lên 45 người. Các bệnh viện ở thủ đô Mátxcơva đã ngừng cho thăm viếng bệnh nhân và công bố các biện pháp cách ly. Bắt đầu từ ngày 16-3, hoạt động vận chuyển hành khách theo đường không đến các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) kể cả đến và đi, sẽ bị hạn chế.

Tổng thống Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhiều nước châu Mỹ có trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên

Rạng sáng 14-3 (theo giờ Hà Nội), trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch Covid-19, tạo điều kiện cho việc cung cấp thêm viện trợ liên bang trị giá hàng tỷ USD nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo Đạo luật Stafford, việc Tổng thống "tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do bệnh truyền nhiễm" sẽ cho phép cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) cung cấp ngân sách đối phó thảm họa cho các chính quyền bang và địa phương, cũng như cung cấp sự hỗ trợ liên bang đối với việc ứng phó với vi rút SARS-CoV-2. Đạo luật Stafford cho phép giải ngân gói cứu trợ khẩn cấp lên tới 40 tỷ USD, đồng thời, cho phép FEMA dỡ bỏ các hàng rào pháp lý để phân phối ngân sách cứu trợ nhanh hơn.

Các biện pháp trên của chính quyền Tổng thống D.Trump được đưa ra trong bối cảnh số ca có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày càng tăng nhanh tại các thành phố và tiểu bang của Mỹ. Tính đến ngày 13-3, Mỹ xác nhận 2.269 người nhiễm bệnh và 48 trường hợp tử vong.

Ngày 13-3, các nước Uruguay, Guatemala và Venezuela vừa ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19. Cùng ngày, Bộ Y tế Ecuador đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì SARS-CoV-2 và đây là ca tử vong thứ 5 tại Mỹ Latinh liên quan tới căn bệnh này.

Trung Quốc giảm rõ rệt các trường hợp nhiễm bệnh, châu Á nỗ lực khống chế Covid-19

Tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực tại Trung Quốc, theo Ủy ban Y tế quốc gia nước này, số ca tử vong và nhiễm mới  SARS-CoV-2 tại Trung Quốc đại lục ngày 12-3 đều giảm xuống mức một con số.

Trong ngày 13-3, Trung Quốc chỉ ghi nhận thêm 8 ca mắc Covid-19 với 5 ca ở Vũ Hán, 2 ca ở Thượng Hải và 1 ca ở Bắc Kinh. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp thành phố tâm dịch Vũ Hán ghi nhận số ca mắc chỉ 1 con số. Người phát ngôn của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong cho biết, nước này đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của dịch Covid-19.

Cùng ngày, đại diện chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cho biết sẽ hỗ trợ các trang thiết bị bảo hộ y tế trong đó có quần áo bảo hộ, dung dịch sát khuẩn, nhiệt kế và găng tay để hỗ trợ các thành phố Tokyo, Yokohama của Nhật Bản, Seoul (Hàn Quốc) và Tehran (Iran) đối phó với sự lây lan của dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lây lan tại nhiều nước, Singapore sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại với các du khách đến từ Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Đức, đồng thời, hạn chế số người tụ tập không quá 250 người. Bên cạnh đó, Singapore cũng sẽ ngay lập tức ngừng cho phép các tàu du lịch cập cảng.

Ngày 13-3, quân đội Iran thông báo các lực lượng nước này sẽ giải tán đám đông tại các tuyến phố trên khắp cả nước trong 24 giờ tới nhằm ngăn chặn đà lây lan của SARS-CoV-2.

Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri cho biết, trong 10 ngày tới, tất cả người dân Iran sẽ được kiểm tra tình trạng sức khỏe thông qua mạng Internet, điện thoại hoặc nếu cần sẽ gặp trực tiếp nhà chức trách, theo đó các trường hợp bệnh nghi ngờ sẽ được xác định đầy đủ. Iran là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 ngoài Trung Quốc.

Cũng trong nỗ lực dập dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế Iraq Jaafar Allawi thông báo nước này đã cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Đức và Qatar, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc diện cấm nhập cảnh vào Iraq lên con số 13.



(Theo HNMO)

Các tin khác
Người dân phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái được hướng dẫn đo thân nhiệt. Ảnh Minh Huyền

Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 tỉnh Yên Bái ra Thông cáo báo chí số 04 về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 (tính đến 18h00 ngày 13/3/2020) như sau:

Việc xử lý tốt các tình huống trong thời gian vừa qua và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống cùng với ý thức mỗi người dân được nâng lên đã giúp Yên Bái phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung tay để chặn dịch Covid-19 đến địa bàn.

Phun thuốc sát khuẩn các trục đường, khu vực ở Bình Thuận mà các trường hợp mắc COVID-19 đã tiếp xúc.

Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng...

Hãng hàng không Vietnam Airlines thông tin một tiếp viên của hãng này đã được kiểm tra và xét nghiệm lần 1 dương tính với Covid-19 vào ngày 12/3.

Thêm một ca nhiễm Covid-19, người này là tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines, nâng tổng số ca nhiễm của Việt Nam lên con số 45.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục