Pháp, Anh, Mỹ ghi nhận thêm nhiều ca tử vong do nhiễm virus mới SARS-CoV-2

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/3/2020 | 8:56:05 AM

Ngày 15/3, nước Pháp ghi nhận thêm hơn 900 ca nhiễm virus mới SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19, với hơn 30 người tử vong chỉ trong vòng 24 giờ/Anh: Dịch Covid-19 có thể kéo sang 2021 với 7,9 triệu người nhập viện/Mỹ: 62 người chết, hơn 3.200 người nhiễm SARS-CoV-2.

Tính đến chiều ngày 15/3, nước Pháp xác định 5.423 ca dương tính với virus SARS -CoV-2 thông qua xét nghiệm, với 127 ca tử vong.
Tính đến chiều ngày 15/3, nước Pháp xác định 5.423 ca dương tính với virus SARS -CoV-2 thông qua xét nghiệm, với 127 ca tử vong.

Theo số liệu được Cơ quan Y tế quốc gia Pháp công bố, tính đến chiều 15/3, nước Pháp xác định 5.423 ca dương tính với virus SARS -CoV-2 thông qua xét nghiệm, với 127 ca tử vong. Đây tiếp tục là một kỷ lục mới của nước Pháp kể từ đầu mùa dịch, với hơn 900 ca nhiễm mới và 36 ca tử vong chỉ trong 24 giờ. Tuy nhiên, con số được Bộ trưởng Y tế Pháp, ông Olivier Véran, đưa ra cùng ngày lại ít hơn, với 5.000 ca nhiễm và 120 ca tử vong.
 
Ngày 15/3 cũng là ngày nước Pháp tổ chức vòng 1 cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc. Đây là sự kiện thường thu hút đông đảo cử tri đi bỏ phiếu nhất trong số các cuộc bầu cử tại Pháp. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc bầu cử này, bất chấp việc chính phủ Pháp đã chuẩn bị nhiều phương án phòng tránh lây lan dịch bệnh. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 54,5%, trong đó khoảng 40% số người không tham gia bỏ phiếu được cho là do lo ngại tình hình dịch bệnh.

Vòng 2 của cuộc bầu cử địa phương năm 2020 tại Pháp dự kiến diễn ra sau 1 tuần, tức ngày 22/3 tới. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh, lãnh đạo nhiều chính đảng đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoãn vòng 2 của cuộc bầu cử này.

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, chính phủ Pháp tiếp tục tăng cường các biện pháp đối phó. Từ ngày 15/3, Pháp đã đóng cửa hầu hết các địa điểm đón tiếp công chúng nhưng không tuyệt đối cần thiết như các nhà hàng, quán cà phê, quán ba, vũ trường, rạp chiếu phim và các cửa hàng thương mại. Lệnh cấm tương tự cũng áp dụng cho các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp kể từ ngày 15/3.

Mặc dù giao thông công cộng vẫn được phép diễn ra để không làm ngưng trệ cuộc sống của người dân nhưng nước Pháp cũng buộc phải hạn chế dần việc đi lại của người dân bằng các phương tiện này. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15/3, bà Elisabeth Borne, Bộ trưởng Bộ chuyển tiếp sinh thái và đoàn kết Pháp, phụ trách lĩnh vực giao thông vận tải, cho biết, không có chuyện nước Pháp dừng toàn bộ và đột ngột các loại hình giao thông công cộng. Tuy nhiên, việc đi lại bằng tàu điện, xe buýt và máy bay sẽ bị hạn chế dần, đặc biệt là các tuyến tàu cao tốc và tàu đường dài.

Lĩnh vực tư pháp cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng ngày, Bộ trưởng Tư Pháp, bà Nicole Belloubet, cho biết, kể từ ngày 16/3, các tòa án tại Pháp cũng sẽ đóng cửa, trừ các phiên xét xử đặc biệt quan trọng.

* Anh: Dịch Covid-19 có thể kéo sang 2021 với 7,9 triệu người nhập viện

Luận điểm khoa học mà chính phủ Anh dựa vào đó để lên chiến lược đối phó Covid-19 gây tranh cãi gay gắt khi số ca mắc tại nước này gia tăng nhanh chóng.

Thông tin mới nhất được tờ báo uy tín của Anh là tờ "Người bảo vệ” (The Guardian) trích dẫn từ một báo cáo mật của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho thấy, các chuyên gia y tế đầu ngành tại Anh thừa nhận khả năng dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến 12 tháng tại nước này, tức đến mùa Xuân năm 2021.

Cũng trong tài liệu mật này, giới chức y tế Anh dự tính có đến 80% dân số Anh sẽ bị mắc Covid-19 và 15% trong số đó, tương đương khoảng 7,9 triệu người buộc phải nhập viện để điều trị.


 
Dịch Covid-19 có thể kéo sang 2021 với 7,9 triệu người nhập viện. 

Các thông tin này càng làm cho cuộc tranh luận về chiến lược đối phó Covid-19 của chính phủ Anh trở nên gay gắt hơn. Trong những ngày qua, hàng trăm nhà khoa học cùng rất nhiều nhân vật trong chính giới Anh đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Anh minh bạch các luận điểm khoa học được sử dụng để đối phó Covid-19, đặc biệt sau khi Cố vấn trưởng Khoa học của chính phủ Anh là Patrick Vallance tuyên bố về chiến lược "miễn dịch cộng đồng” có thể khiến hàng chục triệu người Anh mắc bệnh và hàng trăm nghìn người thiệt mạng vì Covid-19.

Trong ngày 15/3, tờ "Thời đại” của Anh đã phát động một đợt lấy chữ ký trên mạng để toàn bộ người dân Anh gây sức ép buộc chính phủ Anh khẩn cấp chia sẻ các luận điểm khoa học, các số liệu và mô hình đang được sử dụng. Đến tối ngày 15/3, đã có chục nghìn người tham gia ký tên.

Trong lúc này, số ca mắc Covid-19 tại Anh bắt đầu tăng nhanh. Đến hết ngày 15/3, nước này có 1.391 ca mắc và 35 bệnh nhân tử vong. Trước diễn biến này, người dân Anh đã đổ xô đến các cửa hàng để tích trữ lương thực do lo ngại tình hình còn trở nên xấu hơn.

Nhằm trấn an dân chúng, chính phủ Anh cho biết sẽ ra quyết định buộc những người trên 70 tuổi phải tự cách ly tại nhà trong vòng 4 tháng. Bộ trưởng Y tế Anh, Matt Hancock cho biết, một số biện pháp khác cũng đang được tính tới.

"Chúng tôi sẽ sửa luật để có quyền đóng cửa các đám đông khi cần thiết và có thể tiến hành các hành động khác mà thông thường sẽ không làm. Chúng tôi buộc phải hành động để đối phó với loại virus này”, Bộ trưởng Hancock khẳng định.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong ngày 16/3 sẽ có một cuộc họp khẩn với các công ty sản xuất tại nước này nhằm yêu cầu các công ty này tập trung sản xuất máy trợ thở, vốn là thiết bị y tế sống còn để điều trị các bệnh nhân Covid-19.

Chính phủ Anh cũng tính đến việc trưng dụng các giường bệnh tại các bệnh viện tư cũng như các khách sạn để làm nơi điều trị và cách ly bệnh nhân trong thời gian tới. Việc đóng cửa các trường học nhiều khả năng cũng sẽ được thực hiện trong một vài ngày tới.

* Mỹ: 62 người chết, hơn 3.200 người nhiễm SARS-CoV-2 

Tính tới 15/3 (giờ Mỹ) Mỹ đã có 62 trường hợp tử vong và hơn 3.200 người nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19).

Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hiện đã có 62 người chết và khoảng 3.244 trường hợp nhiễm SARS-CoV2. Hầu như toàn bộ các bang ở Mỹ, trừ West Virginia, đều đã có người nhiễm bệnh.  
 


Tính tới 15/3 (giờ Mỹ) Mỹ đã có 62 trường hợp tử vong và hơn 3.200 người nhiễm virus corona chủng mới  SARS-CoV-2. 

Phát biểu trên kênh truyền hình CNN ngày 15/3, Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Anthony Fauci nhấn mạnh rằng người dân Mỹ cần ý thức được sự nguy hiểm của Covid-19 và hành động nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo ông Fauci, hàng trăm nghìn người có thể tử vong do Covid-19 nếu nước Mỹ không có các hành động cần thiết để ngăn virus này tiếp tục lan rộng.

Tuyên bố của ông Fauci được đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ tiếp tục kêu gọi người dân, đặc biệt là người nhiều tuổi và người có vấn đề về sức khỏe, ở nhà và tránh các hoạt động tập trung đông người. Hầu hết các bang ở Mỹ đều đã cấm các hoạt động đông người, các trung tâm giải trí đều đã đóng cửa và các trường học đều cho học sinh nghỉ học và tiến hành học trực tuyến. Hầu hết các công sở đều đã cho phép nhân viên được làm việc ở nhà.

Mỹ mới đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các hoạt động đi lại từ châu Âu đồng thời đang cân nhắc giới hạn đi lại tại một số khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ngay trong nước Mỹ.

Nước Mỹ đang trong một "cuộc chiến”

Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio ngày 15/3 cho rằng, Chính phủ Liên bang cần kiểm soát chuỗi cung ứng vật tư y tế để giúp các địa phương giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu trên chuyên mục "Tình trạng Liên bang" của Truyền hình CNN, ông Blasio nhấn mạnh: "Chúng tôi không thể kiểm soát chuỗi cung ứng. Chúng tôi cũng không thể kiểm soát nguồn cung ứng vật tư và thiết bị y tế đến từ đâu. Hy vọng duy nhất là Chính phủ Liên bang thực sự thức giấc và nhận ra nước Mỹ đang trong một cuộc chiến, và qua đó đánh giá đúng tình hình, xác định cách thức để chúng ta thực sự có thể vượt qua đại dịch”.

Thị trưởng Blasio cho biết ông đã kêu gọi Chính phủ Liên bang hỗ trợ thành phố New York tiến hành xét nghiệm tại địa phương từ ngày 24/1, tuy nhiên các quan chức y tế địa phương đã không thể làm xét nghiệm cho đến hai cách đây hai tuần. Ông Blasio cho rằng, Chính quyền Tổng thống Donald Trump cần nắm quyền kiểm soát chuỗi cung ứng để có được thiết bị y tế, bao gồm máy thở, mặt nạ, dung dịch rửa tay khô và chuyển chúng đến những nơi cần thiết.

Theo ông Blasio, nếu Chính phủ Mỹ không nhận ra điều này tương đương với một cuộc chiến đã xảy ra, thì không có cách nào chính quyền các bang và địa phương có thể thực hiện tất cả các điều chỉnh cần phải thực hiện.

Ông Blasio cho biết thêm, virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh ở thành phố khoảng 8,5 triệu dân này, với 25 ca được xác nhận cách đây hai tuần, nhưng đã tăng vọt lên 269 trường hợp vào sáng 15/3. Thị trưởng Blasio dự đoán thời điểm có ít nhất 1.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 ở thành phố New York là không quá xa, thậm chí sẽ xảy ra ngay trong tuần tới.

Người dân Mỹ lo ngại nhưng không hoang mang

Kết quả của một cuộc khảo sát vừa được công bố cho biết người dân Mỹ không hoang mang nhưng lo ngại về Covid-19. Tuy nhiên, một số người cho rằng điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước.

Theo cuộc khảo sát do tờ Nhật báo phố Wall và kênh truyền hình NBC thực hiện, khoảng 53% số người được hỏi cho biết họ lo ngại có người trong gia đình sẽ nhiễm virus trong khi 6/10 người cho biết điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Có tới 9/10 người cho biết họ đọc hoặc nghe nhiều về Covid-19, một trong những sự kiện được theo dõi nhiều nhất trong các cuộc khảo sát tương tự trong vòng gần 10 năm qua. Một nửa số người được khảo sát đã dừng không tới các sự kiện đông người trong khi 1/3 đã thay đổi hoặc hủy các kế hoạch đi lại. Trong khi đó, 25% thông báo họ đã dừng tới các nhà hàng.

Kết quả của cuộc khảo sát đối với khoảng 900 người cho thấy có rất ít dấu hiệu cuộc khủng hoảng hiện nay đã làm ảnh hưởng tới vị trí chính trị của Tổng thống Donald Trump. Khoảng 51% ủng hộ cách ông Trump xử lý tình hình dịch bệnh hiện nay trong khi số người phản đối là 45%.

YBĐT (tổng hợp theo VOV)

Các tin khác

Các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, nhà xe phải thu thập thông tin hành khách để hỗ trợ tìm kiếm những người có nguy cơ tiếp xúc gần với người mắc COVID-19.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Ngày 15-3 (giờ Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chính phủ các nước hợp tác cùng nhau nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Nhiều người dân đã tự giác đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (đứng giữa) kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại huyện Trấn Yên.

Với yêu cầu cấp thiết trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Yên Bái đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả theo phương châm 5 nội dung: phòng ngừa và phòng ngừa từ xa; phát hiện và phát hiện thật sớm; cách ly và cách ly kịp thời; nếu có nhiễm thì khoanh vùng và khoanh vùng thật gọn; đã có thì dập dịch và dập triệt để.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục