Chiều 1/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ông Chung, diễn biến dịch COVID-19 trên cả nước hiện rất phức tạp. Ở giai đoạn trước, ngày cao điểm có 14 – 15 ca bệnh. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, như ngày cao điểm nhất, có 70 – 90 ca/ngày. Hơn nữa, đã có một số ca bệnh tử vong.
Ông Chung cũng cho biết, qua thông báo của cơ quan chức năng, có khoảng 1 triệu người qua lại Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua. Hơn 40 nghìn người qua lại 3 bệnh viện ở Đà Nẵng trong 3 tuần vừa qua. Các hàng quán xung quanh bệnh viện ở Đà Nẵng như nước trà, bánh mỳ, cà phê đều có dấu hiệu lây lan dịch bệnh.
Đối với Hà Nội, ông Chung cho biết: Mấy ngày trước, qua rà soát chỉ có hơn 21.000 người về từ Đà Nẵng, nhưng hôm qua tăng lên hơn 53.000, còn đến nay đã lên tới hơn 72.000 người.
"Điều này cho thấy, mọi người dân đã tự kiểm tra, rà soát, tự giác chấp hành, ý thức nâng lên, chủ động khai báo y tế. Hai ca bệnh phát hiện ở Hà Nội cũng là tự đến cơ sở y tế xét nghiệm. Chính vì vậy, việc tuyên truyền là quan trọng nhất hiện nay", ông Chung nói.
Ông Chung đánh giá, các đơn vị sở ngành, ban chỉ đạo từ thành phố đến quận huyện đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo từ T.Ư, thành phố; rà soát khẩn trương, tích cực đối với 72 nghìn người trở về từ Đà Nẵng.
Cùng với đó, cơ quan chức năng thành phố đã tổ chức xét nghiệm nhanh với tinh thần rất khẩn trương, đến nay đã xét nghiệm được hơn 49.000 người. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã rà soát 127 người tiếp xúc F1 với hai trường hợp bệnh nhân 447 và 459; kết quả xét nghiệm nhanh và PCR đều âm tính.
"Đây là tin vui nhưng mới là âm tính bước đầu. Như trường hợp bệnh nhân ở Hoàng Hoa Thám mới về được 6 - 7 ngày. Những F1 của trường hợp này phải sau 12 – 13 ngày xét nghiệm lại mới yên tâm. Nhưng kết quả bước đầu đều âm tính cho chúng ta đánh giá là có thêm niềm tin, thần tốc phát hiện nhanh, cách ly kịp thời và xét nghiệm sớm", ông Chung nói.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lưu ý, thời tiết trên địa bàn thành phố hiện mưa, ẩm, nhiệt độ giảm, việc lây lan càng dễ hơn. Kết quả xét nghiệm nhanh mới là đánh giá ban đầu.
"Tất cả các trường hợp test nhanh âm tính thì chưa yên tâm 100% mà phải tự theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt để kịp thời phát hiện. Nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở phải thông báo các cơ sở y tế theo dõi, xét nghiệm PCR ngay", ông Chung chỉ đạo.
Ông Chung yêu cầu tiếp tục rà soát các trường hợp F1 liên quan các ca bệnh, các trường hợp đi từ vùng dịch về. Thông báo đến tổ dân phố, thôn xóm, phường, xã, các cơ quan báo chí cần truyền thông để người dân nắm được, phát hiện, giám sát và tiến hành khai báo y tế, xét nghiệm nhanh.
Từ bài học thực tế giai đoạn 1, giai đoạn 2 ở Hà Nội và cả nước, môi trường bệnh viện vẫn là nguy hiểm nhất. Thế nên các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phải thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh phòng, chống COVID-19, đặc biệt các khoa, các bệnh viện có những bệnh nhân nặng như chạy thận, không cho người thân, người nhà vào quá nhiều.
Dựa trên các đề xuất của các quận, huyện, ông Chung yêu cầu vẫn tiếp tục xét nghiệm nhanh, nhưng ưu tiên cho những người trở về từ vùng dịch. "Hà Nội có khoảng 80.000 test nhanh, đã phát về các quận, huyện hơn 78.000. Chỉ còn khoảng hơn 2 nghìn test nhanh, trước mắt ưu tiên cho những trường hợp về từ ngày 12 - 15/7 trở lại đây", Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, đồng thời yêu cầu Sở Y tế, CDC Hà Nội liên hệ với Bộ Y tế để có thêm test nhanh, phục vụ xét nghiệm cho số lượng còn lại.
"Cố gắng phấn đấu đến ngày mai (2/8) xong toàn bộ test nhanh. Kể cả trời tối cũng khắc phục làm cho người dân", Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo.
Ông Chung cũng giao cho Sở Y tế chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính, CDC, các phòng y tế chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kit xét nghiệm, xét nghiệm PCR, mua sắm máy móc phục vụ xét nghiệm.
Chủ tịch Hà Nội đề nghị mọi người dân cần tự giác, nếu đã qua vùng dịch cần tự giác theo dõi sức khỏe, kịp thời thông tin đến cơ sở y tế nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở.
"Tỷ lệ người già ở Hà Nội đông nhất, trẻ em đông nhất, tỷ lệ mật độ dân cư đông đúc. Thành phố lại là trung tâm giao thông, đi lại nhiều, phức tạp nên các cơ quan phòng chống dịch phải hoạt động trách nhiệm, không để dịch bệnh lây lan, cần ngăn chặn kịp thời, phát hiện các biểu hiện bất thường để xử lý", ông Chung nói, đồng thời cho rằng, nếu dịch bệnh xảy ra, chỉ với tốc độ vài trăm ca một ngày thì các cơ sở y tế sẽ đầy, thành phố có nguy cơ vỡ trận.
Liên quan đến ý kiến của quận Hoàn Kiếm về phố đi bộ, ông Chung cho biết, thực tế phố đi bộ hôm nay đã giảm lượng người đáng kể. Từ 0h ngày 1/8, các quán bar, karaoke, lễ hội, thể thao đông người đã tạm dừng. "Phố đi bộ nếu ít người, giữ khoảng cách thì vẫn được, nhưng các sự kiện tổ chức ở phố đi bộ thì không được", ông Chung nói.
(Theo TPO)