Đây là thông tin Quyền Bộ trưởng Y tế báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 cuối buổi chiều ngày 2/8.
Sẽ còn nhiều ca bệnh xuất hiện ở các tỉnh thành khác
Cụ thể, GS.TS Nguyễn Thanh Long nêu rõ, số lượng, số ca mắc Covid-19 đợt này tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.
Theo đó, chỉ số lây nhiễm, lần này rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8 – 2,2, tức mức độ lây nhiễm cao gấp gần 3 lần các chủng Covid-19 đã lưu hành tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, Quyền Bộ trưởng Y tế cũng lưu ý, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng trong khi thực tế lần này, ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây.
Đặc biệt lần này tỷ lệ những người tiếp xúc dạng F2 bị nhiễm bệnh cũng nhiều.
Bất lợi khác là trong tháng 7, có số lượng người lớn đi đến từ Đà Nẵng, đi đến các bệnh viện ở Đà Nẵng. Từ 1/7 đến nay, các cơ quan chức năng xác định có khoảng 1,4 triệu người. Trong đó, riêng tâm dịch lớn nhất là ở cụm Bệnh viện tại Đà Nẵng có 800.000 người qua lại, có khoảng 42.000 người đã từng đến đây chữa bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, tới đây sẽ tiếp tục phát hiện thêm ca mắc ở một số địa phương khác.
Những ngày qua, Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp. Tập trung tối đa nhân lực, phương tiện vào Đà Nẵng, lập bộ phận thường trực đặc biệt,… tập trung chống dịch nhằm nhanh chóng kiểm soát được tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong…
Để thực hiện được điều này, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, phải thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ cùng với ngành y tế, các địa phương và lực lượng khác cũng phải đồng hành vào cuộc.
Tính toán chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội
Covid-19 chủng mới có tỷ lệ lây nhiễm gấp gần 3 lần trước đây - 2Nhấn để phóng to ảnhCuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra chiều muộn ngày 2/8, nghe báo cáo cập nhật tình hình từ Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch.
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải bình tĩnh, chủ động, kiên quyết để ngăn chặn có hiệu quả làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 vào Việt Nam. Tinh thần là không để lây lan trên diện rộng, không để những ổ dịch mới khi phát hiện không được ngăn chặn. Không được chủ quan nhưng không được hoang mang, dao động, bị động.
"Không chủ quan, lơ là, lỏng lẻo để dịch bệnh tràn lan, bùng phát, mất kiểm soát nhưng cũng cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Trong những địa phương mà chưa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì vẫn phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, không đễ đứt gãy nền kinh tế, nhất là những trung tâm kinh tế lớn cũng như các thành phố và các địa phương trong cả nước. Trừ những ổ dịch chúng ta phải làm kiên quyết, còn không phải ổ dịch thì chúng ta phải để cho hoạt động xã hội diễn ra bình thường” – Thủ tướng quát triệt tinh thần chỉ đạo.
Thủ tướng giao các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm soát các trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển, cảng hàng không, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở. Kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực, địa điểm tập trung đông người nước ngoài. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp khởi tố các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phương án cụ thể bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, có phương án cụ thể đối với các khu vực cách ly, phải căn cứ vào thực tiễn để chỉ đạo các địa phương có phương án đảm bảo an toàn kỳ thi, có phương án chặt chẽ với các địa phương được cách ly.
Thủ tướng cũng đề nghị nhân dân và các địa phương chỉ đạo một cách chặt chẽ để không hoang mang, lo lắng, tiếp tục tin tưởng của các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế. Do đó, công tác tuyên truyền tập trung vào 2 hướng: Không gây chủ quan nhưng cũng không gây hoang mang dư luận.
(Theo Dân Trí)