Europol kêu gọi cảnh giác trước hành vi phạm pháp liên quan vắc xin Covid-19

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/12/2020 | 7:42:50 AM

Tính đến 6h ngày 28-12, toàn thế giới có 81.102.664 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.771.149 trường hợp tử vong và 57.222.645 bệnh nhân đã hồi phục.

Đức đã thành lập hơn 400 trung tâm phục vụ việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.
Đức đã thành lập hơn 400 trung tâm phục vụ việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Châu Âu

Ngày 27-12, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) đã khẳng định hiệu quả của vắc xin ngừa Covid-19 do hãng này phối hợp với Đại học Oxford (Anh) phát triển. Theo Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot, vắc xin này đang được cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế Anh đánh giá, đồng thời bày tỏ tin tưởng các cuộc thử nghiệm sẽ cho thấy sản phẩm này có hiệu quả ngang với các loại vắc xin của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BionTech (Đức), cũng như của hãng Moderna (Mỹ).

Ngày 27-12, hàng loạt quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động các nỗ lực phối hợp tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi và cả các chính trị gia hàng đầu.

Chia sẻ trên Twitter cá nhân, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho biết, nước này đã bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho các nhân viên y tế và các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, sau đó sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng cho toàn dân.

Tại Cộng hòa Séc, Thủ tướng Andrej Babis đã trở thành người đầu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở nước này. Nhiều quốc gia khác như: Pháp, Áo, Tây Ban Nha, Đức cũng đã khởi động chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BionTech.

Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) cảnh báo, các nhóm tội phạm có tổ chức sẽ tìm cách lợi dụng chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của EU để thực hiện các hành vi phạm pháp. Cơ quan này cũng đã gửi thông báo tới các quốc gia thành viên để kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác khi trên mạng xã hội đã bắt đầu xuất hiện những lời chào bán vắc xin giả hoặc trả tiền trước nhưng không được giao hàng.

Ngày 27-12, Viện Y tế công cộng Na Uy (NIPH) cho biết, biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 được tìm thấy trước đó ở Anh đã được phát hiện tại 2 bệnh nhân ở Na Uy, trở về sau khi đi du lịch ở Anh trong tháng này. Theo đại diện NIPH, các xét nghiệm và nghiên cứu chuyên sâu hơn đang được thực hiện.

Biến thể mới của Covid-19 liên quan đến sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm bệnh ở Anh cũng đã được phát hiện tại đảo Madeira của Bồ Đào Nha. Trong một tuyên bố hôm 27-12, giới chức khu vực này cho biết biến thể đã được phát hiện ở những du khách đến từ Anh, song không nêu rõ có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh.

Châu Á

Ngày 27-12, Israel đã bắt đầu bước vào đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba để phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian phong tỏa dự kiến kéo dài ít nhất 2 tuần này, người dân không được đi khỏi nơi sinh sống trong phạm vi quá 1km, ngoại trừ các mục đích như đi tiêm phòng dịch, khám chữa bệnh, đi làm, đi học hoặc tới những địa điểm được cho phép…

Các địa điểm công cộng như khu mua sắm, giải trí tạm ngừng hoạt động, trừ các cửa hàng phục vụ mặt hàng thiết yếu. Cơ quan, doanh nghiệp chỉ được cho phép tối đa 10 người, hoặc không quá 50% tổng số nhân viên tới chỗ làm, trừ một số trường hợp đặc biệt. Biện pháp phong tỏa được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới ở Israel có xu hướng tăng nhanh. Nước này đã ghi nhận hơn 400.000 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có hơn 3.200 bệnh nhân tử vong.

Ngày 27-12, chính quyền thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) đã siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch Covid-19 do lo ngại hoạt động đi lại của người dân trong kỳ nghỉ lễ sẽ khiến số ca nhiễm mới tăng nhanh. Nhà chức trách cũng khuyến cáo người dân không thực hiện các chuyến đi không cần thiết trong thời gian từ Tết Dương lịch 1-1-2021 tới kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol cho biết, nước này sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay đến ngày 3-1-2021. Khu vực thủ đô Seoul hiện đang ở mức hạn chế cấp độ 2,5 trong khi phần còn lại của nước này được đặt ở mức độ 2. Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét các điều chỉnh cần thiết dựa vào tình hình dịch bệnh trong tuần này.

Châu Phi

Ngày 27-12, Nam Phi thông báo số ca mắc Covid-19 ở nước này đã vượt mốc 1 triệu người, sau khi ghi nhận thêm 9.502 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Đây là quốc gia thứ 18 trên thế giới có trên 1 triệu người nhiễm bệnh và là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu Phi.

Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize, tốc độ lây lan của dịch Covid-19 tại nước này đang tăng lên nhanh chóng, khi số ca nhiễm bệnh tăng từ 900.000 lên 1 triệu ca chỉ trong vòng 9 ngày.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Các trường hợp F2 của BN 1440 cách ly tại nhà có sự giám sát của ngành y tế, chính quyền địa phương.

Bộ Y tế thông tin, tất cả các ca tiếp xúc gần (F1) của BN 1440 ở Vĩnh Long - ca bệnh nhập cảnh trái phép, đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Các chuyến bay quốc tế đều bị hủy do dịch COVID-19 tại sân bay Narita ở Chiba, Nhật Bản ngày 7/4/2020.

Nhật Bản tạm ngừng cho phép nhập cảnh đối với công dân nước ngoài không sinh sống tại Nhật Bản tới cuối tháng 1/2021 nhằm tìm cách ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện yêu cầu mọi người dân Việt Nam phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đã đề ra. Đồng thời, Việt Nam phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch, nhất là trường hợp bệnh nhân 1440 tại tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 27/12, Đoàn công tác của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh do PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long về công tác phòng, chống dịch khi tỉnh đã xác định có 1 ca mắc COVID-19 trở về bằng đường nhập cảnh trái phép là BN1440 (32 tuổi, ngụ huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục