Châu Âu
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi có thêm nhiều nước phát hiện các ca nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có tên gọi VUI-202012/01 đang lây lan nhanh tại Anh, trong đó có Na Uy, Bồ Đào Nha.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, đến tháng 9-2021, Liên minh châu Âu (EU) sẽ hoàn tất việc phân phối trong khối lô đầu tiên gồm 200 triệu liều vắc xin của Pfizer - BionTech để ngừa Covid-19. Ngoài ra, EU đang tiến hành các cuộc đàm phán để nhận thêm 100 triệu liều vắc xin theo hợp đồng đã ký kết với hai công ty trên.
Ngày 28-12, đại diện Trung tâm đối phó với đại dịch Covid-19 của Nga cho biết, nước này đã kéo dài lệnh ngừng hoạt động vận tải hàng không với Anh cho đến hết ngày 12-1-2021. Thông báo được đưa ra khi Cơ quan thống kê của Nga - Rosstat cho biết, hơn 186.000 người tại nước này đã tử vong do vi rút SARS-CoV-2.
Châu Á
Giới chức Philippines cho biết, các thành viên trong đội cận vệ của Tổng thống Rodrigo Duterte đã được tiêm vắc xin do hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) bào chế để phòng Covid-19. Đây là những người đầu tiên tại Philippines được tiêm phòng dù đến nay Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm của nước này chưa chính thức cấp phép cho loại vắc xin này. Hiện, Chính phủ Philippines đang đàm phán với một số công ty dược phẩm, trong đó có tập đoàn AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ) và Sinopharm để đảm bảo nguồn cung 60 triệu liều vắc xin cho người dân từ quý II-2021.
Trong khi đó, Thái Lan thông báo ca tử vong vì dịch Covid-19 đầu tiên trong gần 2 tháng trở lại đây, đồng thời ban bố các biện pháp hạn chế các hoạt động giải trí tại thủ đô Bangkok. Đây là nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát dịch bệnh mới hiện đã lan ra hơn một nửa trong tổng số tỉnh, thành của nước này. Thủ đô Bangkok cũng sẽ thiết lập một bệnh viện dã chiến và sẽ xem xét lại các biện pháp hạn chế trong tuần tới.
Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia (NSC) đã quyết định kéo dài lệnh hạn chế đi lại có điều kiện (CMCO) đến hết ngày 14-1-2021 tại Kuala Lumpur, Selangor, Sabah và một số địa phương thuộc các bang khác. Quyết định trên được đưa ra sau khi Selangor và Kuala Lumpur ghi nhận hơn 43.000 ca mắc Covid-19 trong 2 tuần, từ ngày 14 đến 27-12. Ngoài Selangor và Kuala Lumpur, CMCO cũng được kéo dài tại bang Sabah và một số địa phương như Tây Nam Mukim 12 và Đông Bắc Mukim 13 thuộc bang Penang; Seremban thuộc Negeri Sembilan; Johor Bahru và Batu Pahat thuộc bang Johor.
Hàn Quốc đang nỗ lực khởi động chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin ngừa Covid-19. Nhà chức trách Hàn Quốc cam kết đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng sau khi ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cho biết, thời gian để phê duyệt vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được rút ngắn từ 180 ngày xuống còn 40 ngày. Bên cạnh đó, tiến trình cấp phép bổ sung cho việc phân phối và bán vắc xin, thông thường kéo dài vài tháng, sẽ được rút ngắn xuống còn khoảng 20 ngày. Mục tiêu là đến tháng 2-2021, các nhân viên y tế và người cao tuổi sẽ được tiêm phòng trước, sau đó mở rộng tiêm chủng đại trà cho người dân.
Bộ Y tế Singapore thông báo, bắt đầu từ ngày 30-12 sẽ tiến hành tiêm vắc xin Pfizer - BionTech cho các nhân viên y tế tại Trung tâm các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NCID), sau đó là nhân viên làm việc tại các bệnh viện và trung tâm y tế khác trong các tuần tiếp theo. Từ tháng 2-2021, những người từ 70 tuổi trở lên sẽ được tiêm vắc xin, sau đó là các công dân Singapore và người cư trú dài hạn đủ điều kiện về mặt y tế.
Ngày 28-12, chính quyền Kazakhstan cho biết đã ký thỏa thuận sơ bộ với hãng dược phẩm Pfizer để mua vắc xin của Pfizer - BionTech. Thứ trưởng Bộ Y tế Marat Shoranov nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng xử lý các thủ tục cung cấp những vắc xin này trên lãnh thổ Kazakhstan bằng cách cấp các giấy phép đặc biệt. Mọi việc tùy thuộc vào năng lực sản xuất, cũng như khả năng cung cấp dược phẩm của Pfizer cho Kazakhstan”.
Châu Phi
Nhà chức trách Nam Phi vừa tuyên bố tái áp dụng lệnh phong tỏa cấp độ 3 trên quy mô toàn quốc bắt đầu từ ngày 29-12 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết, quyết định đầy khó khăn trên được ban hành sau khi nội các nước này thực hiện tham vấn với Ủy ban Phòng, chống Covid-19 quốc gia cũng như với lãnh đạo các địa phương của Nam Phi.
Theo đó, quyết định áp dụng lệnh phong tỏa cấp độ 3 trong thang cấp độ từ 1-5 nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn đà lây lan của vi rút SARS-CoV-2 trong khi vẫn duy trì hoạt động của nền kinh tế.
Sau khi lệnh phong tỏa cấp độ 3 có hiệu lực, tất cả sự kiện đông người sẽ bị cấm trong vòng 14 ngày, ngoại trừ việc tang lễ, song số người tham dự không được vượt quá 50 người. Ngoài ra, chính phủ nghiêm cấm các hoạt động mua bán đồ uống có cồn, đồng thời kéo dài thời gian giới nghiêm ban đêm từ 21h hôm trước đến 6h hôm sau.
Liên quan đến việc thực hiện các quy định về vệ sinh dịch tễ, ông C.Ramaphosa nhấn mạnh, việc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng là bắt buộc và cá nhân nào không thực hiện có thể bị truy tố và nhận án tù tới 6 tháng.
(Theo HNMO)