Đến 15/5, sẽ hoàn thành tiêm xong vaccine COVID-19 đợt 2. Ảnh: VGP/Hiền MinhNgay trong tuần này và tuần sau, tất cả các tỉnh thành đã được phân bổ vaccine AstraZeneca đợt 2 sẽ triển khai tiêm cho 9 nhóm đối tượng theo nghị quyết của Chính phủ.
Số vaccine AstraZeneca về Việt Nam đợt đầu tiên vào ngày 24/2 với 117.600 liều do công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) nhập khẩu. Đợt 2 gồm 811.200 liều cũng là vaccine AstraZeneca do COVAX tài trợ, về Việt Nam hôm 1/4. Hiện, số vaccine đợt 1 đã được tiêm hết cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Số vaccine đợt 2 cũng đã được phân bổ về 63 tỉnh, thành phố.
Theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến nay, cả nước đã tiêm vaccine AstraZeneca cả 2 đợt cho hơn 260.000 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
"Trong tuần này và tuần sau, mỗi ngày, tại tất cả tỉnh, thành được phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 2 sẽ có hàng nghìn người được tiêm vaccine. Dự kiến, từ ngày 10-15/5, cả nước sẽ hoàn thành tiêm hết số vaccine COVID-19 đợt 2”, GS.TS Đặng Đức Anh cho biết.
Trước đó, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã triển khai nhiều đợt tập huấn về tiêm chủng và điều trị cho tất cả các điểm tiêm chủng. Bộ Y tế cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực tiêm chủng, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, huyết học, tim mạch, thần kinh… thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức sàng lọc, theo dõi xử trí phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử trí khi có tình huống xảy ra trong quá trình tiêm chủng với mục tiêu tiêm đến đâu an toàn đến đó.
Đại diện chương trình tiêm chủng mở rộng cũng cho biết, dự kiến trong tháng 6/2021, tổ chức Y tế thế giới sẽ tiếp tục cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam và sẽ tiếp tục tiêm trên phạm vi cả nước với các đối tượng khác.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện chúng ta chưa có nhiều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho toàn bộ người dân, mà chúng ta mới chỉ tiêm được cho những đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ. Để đạt được miễn dịch cộng đồng trước tình hình dịch diễn biến phức tạp hiện nay, thì phải 70% dân số được tiêm vaccine phòng bệnh, thì mới có thể kiểm soát được dịch.
Việt Nam có cái lợi là dựa vào hệ thống tiêm chủng mở rộng đã rất bài bản từ nhiều năm nay trên cả nước, vì vậy, chúng ta cần phải vừa đảm bảo tiêm an toàn vừa đẩy nhanh tiến trình tiêm. Và mỗi người trong đối tượng ưu tiên được tiêm cần coi việc tiêm vaccine là trách nhiệm của mình nhưng cũng là trách nhiệm với cộng đồng. Các nơi được phân phối vaccine cũng phải có trách nhiệm tổ chức sắp xếp tiêm để đẩy nhanh tiến trình tiêm trong thời gian tới, song tiêm chủng đến đâu phải đảm bảo an toàn đến đó, PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ.
Chuyên gia về dịch tễ học cũng nhấn mạnh, Bộ Y tế cũng cần tiếp tục có những tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc tiêm vaccine và cách theo dõi những phản ứng sau tiêm để thông báo kịp thời cho cơ quan y tế.
Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp tới, tại công điện 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19; phân bổ và tổ chức tiêm vaccine phù hợp với tình hình diễn biến dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để vaccine bị quá hạn.
(Theo chinhphu.vn)