Trao đổi với báo chí sáng nay, 15/6, về tiêm vaccine phòng Covid-19, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong.
Dù vậy, GS.TS Đặng Đức Anh cũng nhấn mạnh, hiện nay, không có một loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%. Điều này có nghĩa, sau tiêm chủng vaccine, vẫn có một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm có thể vẫn mắc bệnh.
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân tích, giống như các loại vaccine giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vaccine Covid-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh Covid-19 mà không cần nhiễm bệnh.
Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine rồi sau đó bị bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh.
Chuyên gia: Sau tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, khả năng tử vong nếu mắc bệnh giảm gần 100% ảnh 1
Tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam đang được triển khai mạnh mẽ
"Tuy nhiên, nếu bị mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề.
Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng đạt 70% - 85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh” - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói.
Đối với vaccine phòng Covid-19 cũng vậy, ngoài tác dụng làm giảm số người nhiễm virus, các loại vaccine phòng Covid-19 sẽ giúp làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ và giảm nguy cơ tử vong.
Như vậy, vaccine phòng Covid-19 nói chung và vaccine AstraZeneca nói riêng không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế.
Đại diện Bộ Y tế thông tin, các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều có hiệu lực bảo vệ từ trên 60 đến 95%, vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới - WHO, khuyến cáo vaccine là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19.
Đối với vaccine AstraZeneca, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm 1 liều vaccine từ 22-90 ngày, vẫn có một số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng số trường hợp tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng.
GS Đặng Đức Anh nhấn mạnh: "Sau khi tiêm 2 mũi vaccine, số trường hợp tử vong giảm đến gần 100%. Điều này cho thấy, tiêm chủng vaccine là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra”.
Từ lập luận trên, GS Đặng Đức Anh khuyến cáo: "Để đảm bảo hiệu quả tối đa của vaccine, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70% - 85% để có miễn dịch cộng đồng phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đồng thời, sau khi tiêm chủng, vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch (thông điệp 5K) để đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch Covid-19.
Tiêm vaccine Covid-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng, khi đến lượt bạn, hãy đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine và theo dõi sức khỏe”.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ghi nhận 53 nhân viên dương tính nCoV trong tổng số 887 nhân viên bệnh viện. Những nhân viên này đã được tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca đầy đủ hai liều.
Về hiện tượng trên, Giáo sư Trần Tịnh Hiền, Giám đốc chuyên môn Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, nhấn mạnh, "không có bất cứ loại vaccine nào bảo vệ 100% người tiêm khỏi mắc bệnh".
Theo Giáo sư Hiền, một khảo sát trên dân số Anh đã chủng ngừa từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, vaccine Covid-19 AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ 60% sau 28 ngày. Theo công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine AstraZeneca giúp giảm các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng, giảm tỷ lệ tử vong và bệnh nặng.
"Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vaccine, nếu ghi nhận tỷ lệ 5-10% trường hợp xét nghiệm dương tính, thì không phải do tiêm chủng thất bại", Giáo sư Hiền nhấn mạnh.
Giáo sư Hiền phân tích, bên cạnh khả năng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm tỷ lệ bệnh nặng hay tử vong, tiêm ngừa vaccine tạo ra lợi ích to lớn hơn là miễn dịch cộng đồng cho dân chúng, khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70-80% dân số. Ngay cả hai loại vaccine tốt nhất hiện nay ở Mỹ và cả thế giới là Moderna và Pfizer, vẫn có những trường hợp mắc bệnh sau tiêm.
(Theo ANTĐ)