Bộ trưởng Y tế: Thần tốc đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với COVID-19

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/6/2021 | 7:37:55 AM

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này có quy mô lớn nhất trong lịch sử khi được triển khai ở tất cả các địa phương, với các điểm tiêm chủng lưu động cũng như tới tận các xã, phường.

Yên Bái triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 2.
Yên Bái triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 2.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đang triển khai là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và các bộ, ngành.

Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này là tiêm được cho khoảng 70 triệu người dân Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những chia sẻ với báo chí về chiến dịch tiêm chủng quốc gia lần này để mọi người hiểu rõ hơn về những điểm mới và những chính sách của ngành y tế để đảm bảo an toàn cho người dân.

Có thêm các điểm tiêm chủng lưu động

- Bộ Y tế chủ trì chiến dịch quốc gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử. Xin Bộ trưởng cho biết những điểm cơ bản của chiến dịch này?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chiến dịch tiêm chủng quy mô quốc gia lần này có những điểm đặc trưng khi được triển khai trên quy mô tất cả các địa phương và các điểm tiêm ở tất cả các xã, phường.

Chiến dịch tiêm chủng lần này được thực hiện tại các điểm tiêm chủng đã triển khai lâu nay, nhưng khác là có thêm các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, trường học và một số khu vực khác để đảm bảo người dân được tiếp cận vaccine một cách thuận lợi và dễ dàng nhất.

Một điểm mới nữa là chiến dịch tiêm chủng lần này có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải cùng đồng hành với Bộ Y tế để triển khai chiến dịch này.

Bên cạnh đó, một điểm rất quan trọng của chiến dịch này đó là sự triển khai đồng loạt ở tất cả các địa phương. Chúng tôi cho rằng đó là một yếu tố hết sức quan trọng giúp cho thành công của chiến dịch tiêm chủng lần này.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

- Thưa Bộ trưởng, có phải trong chiến dịch tiêm chủng lần này việc ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai mạnh và đồng bộ nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Trong chiến trong dịch này, công nghệ thông tin được đẩy mạnh ứng dụng trong triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai rất tốt công nghệ thông tin vào phòng chống dịch. Hiện Bộ Y tế đã phát triển Sổ sức khỏe điện tử đối với cá nhân. Theo đó, mỗi người dân khi đi tiêm chủng đều đăng ký lịch tiêm trên Sổ sức khoẻ điện tử hoặc qua tin nhắn. Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ chuyển tin nhắn đến người dân thông tin về địa điểm tiêm cũng như thời gian tiêm, tránh việc người dân phải xếp hàng đợi chờ tiêm.

Cán bộ tiêm chủng cũng sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử để quản lý người được tiêm chủng thông qua hệ thống phần mềm do Bộ Y tế phát triển cùng Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tất cả các cơ sở tiêm chủng triển khai nội dung này.

Sổ sức khỏe điện tử này đồng bộ hoá cả kết quả tiêm chủng và thông tin về xét nghiệm. Đây cũng chính là cơ sở dữ liệu để tiến tới áp dụng hộ chiếu vaccine.

Ngoài ra, người dân có thể khai báo triệu chứng và những phản ứng sau tiêm để cơ quan y tế quản lý và xử trí kịp thời.

Đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng

- Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này là tiêm được cho khoảng 70 triệu người dân Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của con số này?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Hiện nay, nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Muốn có miễn dịch cộng đồng thì việc quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Đây là điều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vaccine và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao đảm bảo khoảng 70 triệu người dân tiếp cận được vaccine.

- Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã có những chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có thể nói rằng, an toàn tiêm chủng là vấn đề Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua ở Việt Nam (không chỉ đối với vaccine phòng COVID-19 mà còn nhiều vaccine khác), Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu.

Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở Việt Nam đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, họ sẽ được các điểm tiêm trì hoãn tiêm.

Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe và được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm.

Bên cạnh đó, các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Ca nghi nhiễm được phát hiện thông hoa hoạt động sàng lọc, phân luồng (Ảnh: Báo Lào Cai điện tử)

Thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai, chiều 17/6, cơ quan y tế tỉnh đã phát hiện một trường hợp nghi nhiễm COVID-19 thông qua biện pháp sàng lọc y tế.

Ảnh minh họa.

Danh sách cập nhật ổ dịch Covid-19 theo thông báo của Sở Y tế Yên Bái ngày 18/6/2021. Đề nghị người dân theo dõi, nắm bắt để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch!

Ảnh minh họa.

Từ 18h ngày 17/6 đến 6h 18/6, Yên Bái đã có 14.583 trường hợp (TH) được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt 2.

Tiêm vaccine COVID-19 tại Amazonas, Brazil.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 365.000 ca bệnh COVID-19 và trên 7.900 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 178 triệu ca, trong đó trên 3,85 triệu ca tử vong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục