Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để đạt được mục ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, Thành phố cũng lường trước việc sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg một thời gian nữa sau khi hết 15 ngày giãn cách xã hội.
Đây là thông tin được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu ra tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 16/7.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi, sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã đạt một số kết quả quan trọng.
Từ ngày 9/7 đến nay, Thành phố phát sinh 9.736 ca nhiễm, trong đó có 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng, 7.942 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Mặc dù số ca phát sinh tăng từng ngày nhưng số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng và bệnh viện có xu hướng giảm.
Tính đến 16 giờ ngày 16/7, các cơ sở điều trị COVID-19 đang điều trị cho 20.411 bệnh nhân; có 722 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
Thời gian qua, Thành phố đã có nhiều biện pháp về tăng cường năng lực cách ly, giám sát trong khu cách ly tập trung và khu phong tỏa; phát huy tổ giám sát tuyên truyền phòng, chống dịch tại cộng đồng trong khu vực phong tỏa; yêu cầu người dân phải ở nhà, hộ gia đình cách ly hộ gia đình...
Riêng về năng lực điều trị, dưới áp lực gia tăng của các ca bệnh, ba ngày qua, Thành phố đã sửa chữa, đưa vào sử dụng 5 toà nhà chung cư làm bệnh viện dã chiến, đồng thời đưa vào sử dụng 1 bệnh viện với 1.000 giường hồi sức; chuẩn bị 39.240 giường tại 23 bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thời gian qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố đã vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao, mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Các cửa hàng, quán ăn trên đường Trương Định, Quận 1 đã nghiêm túc đóng cửa.
Do đó, Thành phố đang tiếp tục tranh thủ "thời gian vàng” còn lại để khống chế dịch bệnh, đồng thời đưa ra 3 kịch bản dịch có thể xảy ra sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16.
Cụ thể, kịch bản thứ nhất là Thành phố Hồ Chí Minh thành công ngăn chặn, kiểm soát được dịch COVID-19. Lúc này sẽ xem xét việc thực hiện Chỉ thị 16 trong thời gian tiếp theo như thế nào; có thể là vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, hoặc chuyển sang Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 19 tùy theo diễn biến của dịch.
Kịch bản thứ 2 là Thành phố Hồ Chí Minh chưa kiểm soát được, dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện 16 "cộng” ở một số địa bàn.
Kịch bản thứ 3 là tình huống xấu nhất không ai mong muốn, đó là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát. Đối mặt với tình huống này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải tính đến phong tỏa kèm biện pháp mạnh hơn để ứng phó hoặc sẽ có một cách tiếp cận khác.
Theo ông Phan Văn Mãi, Thành phố cũng đã có sự chuẩn bị cho từng kịch bản cụ thể. Trong đó, Thành phố tập trung xét nghiệm tầm soát F0, cách ly, thu dung điều trị; hình thành trung tâm giám sát điều trị COVID-19, tập trung mọi nguồn lực điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng nặng và rất nặng, giảm tối đa trường hợp tử vong; tiếp tục triển khai tiêm vaccine nhanh chóng, an toàn cho những đối tượng có nguy cơ cao, như: người lớn tuổi, người thường xuyên phải di chuyển nhiều, công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp...
Về việc cách ly, điều trị các trường hợp F0 và F1, Thành phố sẽ hình thành quy trình, cơ chế phối hợp theo mô hình "tháp 4 tầng.” Theo đó, hầu hết các trường hợp F1 và F0 không có triệu chứng sẽ được giám sát bằng công nghệ, cách ly điều trị tại nhà. Chỉ có những F0 có triệu chứng hoặc bệnh nền mới được chuyển đến cơ sở y tế để điều trị; nếu F0 có chuyển biến nặng, chuyển đến bệnh viện tuyến trên.
Thực hiện theo cách làm này sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế của Thành phố, tập trung điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng nặng; đồng thời đảm bảo F0 không có triệu chứng được giám sát tại cộng đồng nhưng khi có tình huống xấu sẽ được đưa đến cơ sở y tế để điều trị nhanh chóng.
Tính đến ngày 15/7, Thành phố đang thực hiện cách ly thí điểm 2.058 trường hợp F1 tại nhà ở các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức.
Liên quan đến vấn đề cung ứng hàng hóa, ông Phan Văn Mãi cho biết, dù thời gian qua ngành công thương đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Do đó, thời gian tới, Thành phố tiếp tục huy động nguồn lực, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu đủ cho nhu cầu của người dân.
Đặc biệt, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức để tạo điều kiện cho tiểu thương, thương nhân tại 3 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận lượng hàng hóa trung bình khoảng 4.500-5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống/ngày đêm; hình thành các điểm trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm bảo đảm nguồn nông sản thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân.
Đề cập đến nhu cầu về quê của người dân có hộ khẩu tại các tỉnh, thành phố khác, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố không có chủ trương chính thức về việc đưa người dân về quê nhưng nếu người dân có nhu cầu và các địa phương đồng thuận tiếp nhận, Thành phố sẵn sàng hỗ trợ về phương tiện và thủ tục giao thông.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cũng thông tin hiện tại, do tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh khu vực phía Nam cũng rất phức tạp nên nhiều địa phương chưa có ý định tổ chức, tiếp nhận người dân từ Thành phố về./.