Mỗi nơi một kiểu
Dù không cấm người dân về quê đón tết Nguyên đán, nhưng mỗi địa phương lại có quy định chống dịch khác nhau. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm, cách ly y tế, trong khi nhiều tỉnh lại nới lỏng, chỉ yêu cầu khai báo y tế và đảm bảo 5K.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu người đến, đi về Nam Định từ "vùng cam” thực hiện tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc; người từ "vùng đỏ” đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày; người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hoặc đã tiêm mũi 2, nhưng chưa đủ 14 ngày, phải cách ly y tế tại nhà trong 14 ngày.
Nhiều ý kiến đề xuất Bộ Y tế cần quy định thống nhất về thời gian tự cách ly của người dân, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu như hiện nay. Hơn nữa, nếu người dân đã tiêm đủ mũi vắc-xin cơ bản mà đến từ vùng có mức độ dịch tương đương thì không cần tự cách ly tại nhà. Nếu đến từ vùng có mức độ dịch cao hơn, quy định cách ly tại nhà 3 ngày là phù hợp.
|
Tỉnh Bắc Giang thì yêu cầu người đến từ tỉnh, thành phố có ca nhiễm cộng đồng vào địa bàn phải có kết quả test nhanh âm tính trong 48 giờ, hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ. Với Bắc Ninh, người từ những nơi có cấp độ dịch 3 và 4 chỉ cần xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, nếu âm tính thì không phải cách ly.
Người trở về Hải Dương từ các tỉnh, thành phố có dịch lây lan rộng trong cộng đồng phải khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày. Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng, phải báo cho y tế địa phương.
Hải Phòng yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly người về từ vùng đỏ và vùng cam. Đồng thời, người từ vùng vàng và vùng xanh về Hải Phòng phải tự theo dõi sức khỏe trong 7 - 14 ngày, tương ứng với trường hợp vừa khỏi Covid-19, đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và chưa tiêm đủ.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu những người đến/về Ninh Bình phải làm xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được trở về gia đình. Đối với những trường hợp có nhu cầu đến/về Ninh Bình, yêu cầu phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú và làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh nếu âm tính mới được trở về gia đình.
Thanh Hóa không hạn chế người dân về quê đón tết, nhưng phải tuân thủ các quy định về cách ly y tế. Tỉnh này quy định, người từ vùng dịch cấp độ 1, 2 (vùng xanh, vùng vàng) trở về địa phương không phải cách ly y tế, chỉ phải khai báo y tế, tuân thủ 5K và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày…
Phải thống nhất quy định
Nhiều người dân ở Hà Nội đang lên phương án về quê ăn Tết đang khá bối rối với quy định cách ly, xét nghiệm ở các địa phương. Theo đó, với những gia đình có 2-3 quê, cần phải về thì việc tính toán, tìm hiểu các quy định địa phương để đáp ứng thực sự là rối bời.
Chưa kể, hiện nhiều địa phương yêu cầu người về phải có kết quả test nhanh Covid-19, nhưng theo thông tin phóng viên có được, hiện không dễ để có được kết quả test này, do một số cơ sở y tế từ chối test theo yêu cầu, chỉ test khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc liên quan tới việc tiếp xúc F0. Nhiều người lo ngại việc phải test nhanh tại chỗ khi về địa phương dịp tết sẽ phát sinh tình trạng tắc nghẽn, quá tải, phải chờ đợi nhiều giờ. Chưa kể, địa điểm test nhanh còn có nguy cơ là ổ dịch vì tập trung đông người.
Trước quy định chống dịch khác nhau của các địa phương, nhiều người dân bức xúc cho rằng, đã là chống dịch thì cần áp dụng thống nhất trên toàn quốc, không phải mỗi nơi một kiểu, gây khó cho người dân. "Bộ Y tế nên thống nhất với các địa phương là người người đã tiêm 2-3 mũi thì chỉ tự theo dõi tại nhà 3 ngày như quy định đang áp dụng với người nhập cảnh vào Việt Nam”, là quan điểm chung của nhiều người dân khi được hỏi về quy định chống dịch mà các địa phương đưa ra.
Dẫn chứng về sự bất hợp lý trong quy định cách ly, chị Nguyễn Thị Minh Trang (Hà Nội) bức xúc, không chỉ địa phương thực hiện mỗi nơi một kiểu, mà ngay Bộ Y tế cũng quy định khác nhau về thời gian tự cách ly đối với người nhập cảnh và người dân trong nước dù đã tiêm đủ liều cơ bản vắc-xin Covid-19.
Cụ thể, theo quy định tại Công văn số 10688/BYT-MT, từ ngày 1/1/2022, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì trong 3 ngày đầu tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.
Trong khi đó, đối với người dân trong nước, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 9472/BYT-MT về việc tăng cường chủ động rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch.
Theo đó, những người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác, cần báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử lý theo quy định.
Về việc này, theo một số chuyên gia, hướng dẫn của Bộ Y tế về quy định cách ly người về từ các tỉnh, thành phố phải cách ly từ 7-14 ngày (tùy mức độ dịch) hiện không còn phù hợp. Bởi tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam hiện đã rất cao, đến nay đã lên đến hơn 164 triệu liều. Hầu hết người dân trong độ tuổi đã tiêm 2 mũi cơ bản, một số địa phương đã tiêm mũi nhắc lại. Trong khi đó, với biến chủng Delta và Omicron lây lan nhanh thì các biện pháp "ngăn sông cấm chợ" cũng không thể ngăn cản được. Đó là chưa kể, nhiều nơi chỉ yêu cầu cho có hình thức.
(Theo Đầu tư)