Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 78 triệu ca mắc và gần 925.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 34.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã triển khai một thiết bị đo mới nhằm truy vết COVID-19 trong các mẫu nước thải trên khắp đất nước. Việc kiểm tra này sẽ được thực hiện tại hơn 400 điểm trên cả nước. Đây là lần đầu tiên các dữ liệu về giám sát nước thải của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ có thể được tải xuống. Theo cơ quan này, vì virus SARS-CoV-2 vẫn sinh sôi trong môi trường nước thải khoảng 4 đến 6 ngày nên việc giám sát nước thải có tác dụng như cảnh báo sớm về khả năng tăng số ca mắc COVID-19 và giúp các cộng đồng có biện pháp đề phòng và ngăn chặn.
CDC Mỹ đang cân nhắc kéo dài thời gian chờ giữa hai mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên lên 8 tuần. Mục đích là giảm nguy cơ của một số biến chứng hiếm gặp sau tiêm và giúp cải thiện hiệu quả vaccine.
Tại Mỹ, thời gian khuyến nghị giữa 2 mũi tiêm đầu hiện nay đối với vaccine Pfizer là 3 tuần, còn với vaccine Moderna là 4 tuần. Việc kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm được cho sẽ giúp giảm nguy cơ đối với một số ít ca viêm cơ tim và tỷ lệ vViêm cơ tim sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, vẫn có một số đối tượng cần rút ngắn thời gian giữa hai mũi tiêm, nhất là các nhóm mà lợi ích của việc bảo vệ trước COVID-19 cao hơn nguy cơ mắc chứng viêm cơ tim.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 6/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,18 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 502.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya ngày 6/2 thông báo, nhà chức trách nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine COVID-19 đơn liều Sputnik Light. Các nguồn tin trong Cơ quan kiểm soát tiêu chuẩn dược phẩm trung ương Ấn Độ (CDSCO) nói rằng, giấy phép được cấp dựa trên cơ sở dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của Sputnik Light ở Nga, cùng với dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Nga và một số quốc gia khác. Vaccine này có thể được sử dụng làm liều tăng cường chống COVID-19 cho các nhóm dân số đủ điều kiện.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 631.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 26,47 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Từ ngày 6/2, Nga chính thức bãi bỏ quy định cách ly 14 ngày với những người tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19, còn gọi là F1. Quy định mới được đưa ra sau khi Nga xem xét các đặc điểm của biến thể Omicron mới đang lây lan nhanh, nhiều ca nhiễm mới không triệu chứng. Theo các chuyên gia y tế Nga, việc điều chỉnh các quy định dịch tễ có thể thay đổi, tùy vào từng loại biến chủng có thể xuất hiện.
Biến thể Omicron đang gây ra làn sóng dịch mới tại Nga. Ngày 5/2, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã tăng lên hơn 177.000 ca. Còn ngày 6/2, Nga xác nhận thêm 180.071 trường hợp nhiễm mới. Đây là số ca mắc mới ghi nhận hàng ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh này bùng phát ở Nga trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan rộng. Các chuyên gia nhận định, làn sóng dịch mới tại nước này có thể đạt đỉnh trong tháng 2. Mặc dù dịch phức tạp nhưng cho tới nay, mới chỉ gần một nửa dân số Nga tiêm đủ hai mũi vaccine cơ bản.
Từ ngày 7/2, Bồ Đào Nha chính thức nới lỏng quy định về nhập cảnh đối với du khách nhằm nhanh chóng nối lại hoạt động đi lại xuyên biên giới và thúc đẩy ngành du lịch phục hồi. Những người nhập cảnh vào Bồ Đào Nha chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) hoặc các chứng nhận hợp lệ khác chứ không cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Các điều chỉnh của Bồ Đào Nha tuân theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu nhằm tạo ra một cách tiếp cận phối hợp, thúc đẩy quá trình đi lại dễ dàng hơn cho những người đã tiêm chủng đầy đủ.
Australia sẽ sớm mở lại biên giới đón du khách quốc tế, đây là thông tin do Thủ tướng nước này Scott Morrison đưa ra ngày 6/2. Theo Thủ tướng Morrison, nhiều bang của Australia đã qua thời kỳ đỉnh dịch. Trong tuần tới, Quốc hội Australia sẽ thảo luận về vấn đề này và biên giới sẽ được mở ngay khi đất nước có thể đạt được trạng thái an toàn. Hiện gần 95% người dân Australia từ 16 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 liều.
Trong những tháng gần đây, Australia đang từng bước mở lại một cách thận trọng, trong đó đã cho phép công dân, lao động tay nghề cao, sinh viên quốc tế và một số lao động thời vụ nhập cảnh. Trước đó, Australia cũng đã lên kế hoạch có thể mở cửa biên giới vào tháng 4 năm nay.
Các dữ liệu sơ bộ cho thấy, hầu hết trẻ em nhiễm biến chủng Omicron đều không xuất hiện triệu chứng hậu COVID-19. Đây là kết luận của Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Moscow, Liên bang Nga. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các dữ liệu ban đầu và chưa thể đánh giá được tần suất biến chứng COVID-19 ở trẻ em. Đồng thời dữ liệu cũng lưu ý, nhiều trẻ em vẫn còn mệt mỏi, đau đầu và bị sốt nhẹ và cần được theo dõi y tế, thăm khám trong trường hợp cần thiết. Trước đó, chuyên gia này cũng từng kết luận, biến thể Omicron gây ra hội chứng hậu COVID-19 nhẹ hơn so với chủng Delta.
Indonesia sẽ yêu cầu những người từ 60 tuổi trở lên mắc bệnh nền và chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 không được ra khỏi nhà trong tháng 3 tới. Những người mắc các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường… và người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao trong số ca tử vong do COVID-19 tăng đột biến trong thời gian gần đây tại quốc gia này.
Bộ Y tế Indonesia khuyến nghị, những trường hợp có biểu hiện nhẹ nên tự cách ly và điều trị tại nhà, nhưng những bệnh nhân thuộc nhóm người cao tuổi cần được đưa ngay đến bệnh viện hoặc khu cách ly tập trung.
Malaysia cùng với hơn 50 quốc gia khác đã đạt được mục tiêu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra là 70% dân số hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022.
Trước đó, đăng tải trên trang Twitter cùng ngày, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah dự báo, số ca mắc mới hàng ngày ở nước này sẽ quay trở lại thời kỳ cao điểm khoảng 22.000 ca vào cuối tháng 3 tới nếu mức độ lây nhiễm (R0) vẫn ở mức 1,2. Tuy nhiên, do mức độ bao phủ vaccine của Malaysia đang rất tốt nên sẽ hạn chế được những ca bệnh có biểu hiện nghiêm trọng. Ông cũng khuyến cáo người dân nên tiêm liều vaccine tăng cường cũng như tuân thủ các quy trình vận hành tiêu chuẩn (giãn cách xã hội) để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Thái Lan đã phê chuẩn tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng sản xuất dược phẩm Trung Quốc Sinovac và Sinopharm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng nhằm tăng cường "lá chắn" phòng chống COVID-19. Trước đó, cơ quan này chỉ mới cấp phép tiêm vaccine của các hãng trên cho người dân từ 18 tuổi trở lên và cho phép tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Về tình hình dịch bệnh, Thái Lan đã ghi nhận 10.879 ca mắc mới trong ngày 6/2. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong hơn 3 tháng qua.
Ngày 6/2, Campuchia ghi nhận 111 ca nhiễm mới biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh dịch COVID-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm biến thể này tăng ở mức 3 con số. Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Campuchia cho biết, trong số ca mắc mới có 16 trường hợp nhập cảnh và 95 người lây nhiễm trong nước. Tuyên bố nêu rõ, nước này không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 trong 33 ngày qua.
Campuchia phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 14/12/2021. Cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.332 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 544 người nhập cảnh và 788 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, Campchia đã ghi nhận tổng cộng 121.773 ca mắc COVID-19 và 3.015 trường hợp tử vong, 118.122 bệnh nhân đã phục hồi.
(Theo VTV)