Chiều 14/2, UBND TP Hải Phòng họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu ngành Y tế chỉ đạo thanh tra việc các quầy bán thuốc điều trị COVID-19 không đúng theo quy định. Lãnh đạo thành phố khuyến khích người dân tự mua kit thử, thử và khai báo khi có kết quả dương tính với chính quyền địa phương.
"Số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố tăng cao hơn so với trước Tết Nguyên đán, đề nghị các địa phương tiếp tục tục tập trung cao hơn nữa cho công tác phòng, chống dịch, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, để người dân không chủ quan, hoang mang, đặc biệt đối với việc tự ý sử dụng thuốc, gây nhiều tác dụng phụ.
Với những người đến cơ quan làm việc, học sinh đến trường học, F0 được ở nhà điều trị, F1 xét nghiệm âm tính tiếp tục làm việc, học tập bình thường. Tất cả các nhà trường mở cửa đón học sinh, trường nào học bán trú vẫn phải tổ chức bán trú bình thường", Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nói.
Bên cạnh đó, Hải Phòng quyết định không mở thêm trạm y tế lưu động, tuy nhiên tăng thêm nhân lực, vật lực cho các trạm này.
Thành phố huy động sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Cao đẳng Y Hải Phòng, Đại học Hải Phòng từ 16/2 - 16/3 để hỗ trợ trạm y tế lưu động tại các địa phương có số ca mắc cao, có hỗ trợ kinh phí, giao Sở Y tế bố trí thời gian phù hợp để sinh viên duy trì việc học tập tại trường.
Đối với việc thành lập tổ chăm sóc tại cộng đồng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đồng ý phương án tổ chức thí điểm tại các địa phương có số ca mắc cao như huyện An Dương, quận Hải An, Ngô Quyền.
Mỗi quận huyện từ 5 - 6 tổ, mỗi tổ từ 5 - 6 người, có hỗ trợ kinh phí, lựa chọn lực lượng trẻ, có sức khỏe để tham gia. Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các xã/phường sẽ hoạt động chung địa điểm với trạm y tế lưu động, thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng tại cuộc họp, theo báo cáo của ông Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế Hải Phòng, tính đến ngày 13/2/2022, Hải Phòng ghi nhận 68.091 ca mắc COVID-19; đến nay có 35.558 ca hồi phục xuất viện; 110 ca tử vong (chiếm 0,16%); 32.423 ca đang điều trị, trong đó 31.032 ca điều trị tại nhà (chiếm 95,7%), 1.391 ca điều trị tại cơ sở y tế (chiếm 4,3%).
"Hiện nay một số người dân mắc COVID-19 nhưng không khai báo y tế, tự mua thuốc về nhà dùng, gây khó khăn cho các đơn vị y tế trong việc vận động, thực hiện giám sát y tế, theo dõi, quản lý và điều trị.
Một số bộ phận và người dân còn biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Nhân lực tại một số đơn vị y tế còn mỏng, đặc biệt khi số ca mắc tăng nhanh, nhân lực tại trạm y tế không đủ để quản lý, theo dõi F0 tại nhà.
Nhiều nhân viên y tế mắc COVID-19 từ cộng đồng và trong khu điều trị. Thuốc kháng virus từ nguồn cung ứng của Bộ Y tế chưa đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo nên việc dự toán mua sắm gặp nhiều khó khăn, khó chủ động", ông Thục chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Văn Kiệm, đến 11h30 ngày 14/2, ngành Giáo dục Hải Phòng có tổng 22.652 ca COVID-19, gồm 1.288 giáo viên, 21.364 học sinh, chủ yếu biểu hiện nhẹ, chưa ghi nhận ca chuyển biến xấu, ca nặng. Trong đó, 6.104 ca chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Ông Kiệm đánh giá, việc trẻ đến trường hay trẻ ở nhà thì nguy cơ nhiễm bệnh là như nhau, vì vẫn tiếp xúc với ông bà, bố mẹ, người thân có nguy cơ mang bệnh.
"Quan điểm chỉ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng là nhà trường luôn sẵn sàng mở cửa đón học sinh đến trường dù chỉ có 1 học sinh. Qua kiểm tra thực tế tại một số trường trong ngày đầu đi học trở lại sau Tết, các trường đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch và rất thận trọng khi đón trẻ đi học", ông Kiệm nói.
Hiện, tỷ lệ học sinh đến trường ở bậc mầm non Hải Phòng là 15%, tiểu học 28% và THCS 43%, tổng các cấp học là 27% (chưa bao gồm cấp THPT). Ở bậc mầm non, nhà trường đón trẻ dựa trên tinh thần tự nguyện của gia đình. Trong thời gian này chương trình đào tạo không đặt nặng về kiến thức, chủ yếu ôn tập và rèn luyện kỹ năng.
(Theo VOV)