Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tăng cao, Nam Định nằm trong các tỉnh, thành phố có số ca mắc mới cao trong cả nước.
Chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đang gấp rút triển khai các biện pháp cấp bách, đồng bộ nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Số ca mắc mới tăng nhanh sau Tết
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định cho thấy trong một tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tăng cao, bình quân ghi nhận trên 1.200 ca/ngày, gấp gần 3 lần so với dịp trước và trong Tết. Đặc biệt, liên tiếp trong các ngày 12 và 13/2, số ca mắc mới lần lượt là 1.842 và 1.894. Ngày 14/2, con số này có giảm song vẫn ở mức 1.362 ca.
Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến chiều 14/2, tỉnh Nam Định ghi nhận hơn 23.720 ca; trong đó, 14.170 ca tại cộng đồng, 8.553 ca trong khu cách ly, phong tỏa.
Hiện 13.810 bệnh nhân đang được điều trị; trong đó, 754 điều trị tại các cơ sở y tế, cơ sở thu dung, còn lại là được cách ly, điều trị tại nhà. Toàn tỉnh có trên 9.760 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện; 115 người được chuyển lên các bệnh viện Trung ương điều trị.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định xác định, nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng nhanh chủ yếu là do ý thức tuân thủ, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa nghiêm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Một số đơn vị, địa phương có lúc còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch...
Tập trung kiểm soát dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chiều 14/2, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định có thông báo, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chấn chỉnh, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo, chính quyền, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác, nơi đông người khi không thực sự cần thiết; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người; vận động nhân dân tổ chức lễ cưới, lễ tang trong phạm vi gia đình, quy mô nhỏ gọn và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện quy định phòng, chống dịch.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trên địa bàn tỉnh, nhất là những lễ hội nổi tiếng, thường có số lượng người về tham dự đông như Lễ hội chợ Viềng Xuân (huyện Vụ Bản và Nam Trực) họp vào đêm mùng 8 tháng Giêng; lễ hội Khai ấn đền Trần (thành phố Nam Định) tổ chức vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng...
Các huyện, thành phố tổ chức ít nhất một địa điểm tiêm cố định, hoạt động liên tục 7/7 ngày; thông báo rộng rãi, công khai địa điểm, thời gian để người dân đến tiêm khi đủ điều kiện. Các địa phương tiếp tục tổ chức các tổ lưu động, khẩn trương tiêm vét vaccine ngay tại nhà cho những người vì lý do sức khỏe không thể đến nơi tiêm tập trung nhằm không bỏ sót người đủ điều kiện tiêm mà không được tiêm vaccine phòng dịch.
Các huyện, thành phố thực hiện nghiêm việc điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà, đảm bảo các điều kiện theo hướng dẫn của ngành y tế; đồng thời kiểm soát nghiêm việc cách ly, điều trị tại nhà theo quy định; thường xuyên rà soát, đảm bảo đầy đủ các điều kiện vận hành trạm y tế lưu động để hỗ trợ người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, theo dõi, chăm sóc y tế và được dùng thuốc điều trị đầy đủ...
(Theo Vietnam+)