Tại Đông Nam Á, Lào thông báo ghi nhận tổng cộng 27 ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, trong đó có 1 ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng và 26 ca nhập cảnh. Tính đến ngày 23/2, Lào ghi nhận 141.694 ca mắc COVID-19, trong đó có 616 ca tử vong. Bộ Y tế Lào nước này cho biết cần thêm hơn 1 triệu liều vaccine nữa để hoàn thành mục tiêu 93% dân số được tiêm vaccine trong năm 2022. Tính đến ngày 22/2, Lào đã có 4.842.963 người (66% dân số) được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 4.280.530 người đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản.
Thái Lan sẽ không áp đặt bất kỳ biện pháp bổ sung nào trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng, nhưng sẽ thực thi nghiêm ngặt các hạn chế hiện có. Theo Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Thái Lan, quyết định được đưa ra sau khi xem xét tất cả các khía cạnh của dịch bệnh bao gồm số ca nhiễm mới và số người tử vong, triển vọng phục hồi kinh tế và du lịch.
Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 yêu cầu các chuyên gia y tế cấp cao không đưa ra bình luận về đại dịch theo cách có thể khiến công chúng hoang mang hoặc lo lắng.
Cũng theo trung tâm này, chương trình thúc đẩy du lịch "Xét nghiệm và đi" sẽ không bị đình chỉ nếu số ca nhiễm mới trong nước tăng cao. Chương trình được nối lại từ ngày 1/2 và đã giúp phát hiện gần 3.500 ca dương tính trước khi nhập cảnh.
Vùng thủ đô Manila của Philippines hôm nay đã nhất trí hạ mức cảnh báo đại dịch COVID-19 ở khu vực này xuống mức 1, mức thấp nhất trong thang gồm 5 mức bắt đầu từ ngày 1/3 tới.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 có chiều hướng giảm dần. Dự kiến trong ngày mai, lãnh đạo các khu vực thuộc vùng thủ đô Manila sẽ thảo luận với lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 liên cơ quan về các hạn chế mới được đề xuất cũng như cho phép nhiều lĩnh vực hơn được mở cửa trở lại.
Tại Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hong Kong ghi nhận kỷ lục 8.674 ca mắc mới COVID-19, trong bối cảnh thành phố đang chuẩn bị tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với người dân, sau khi cơ quan chức năng gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cơ quan y tế Hong Kong thông báo ghi nhận thêm 24 ca tử vong, giảm so với con số 32 ca ghi nhận trước đó 1 ngày.
Lào ghi nhận 27 ca nhiễm Omicron, thế giới cần nhanh chóng tiêm mũi vaccine tăng cường - Ảnh 1.
Người đi bộ đeo khẩu trang trên đường phố ở quận Causeway Bay, Hong Kong, Trung Quốc ngày 9/2/2022. Ảnh: Reuters
Tại Nhật Bản, dịch có dấu hiệu lắng dịu sau khi ghi nhận con số kỷ lục 104.345 ca mắc mới hôm 3/2. Tuy nhiên, số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở nước này vẫn tăng cao kỷ lục. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy Nhật Bản ghi nhận 69.525 ca mắc mới trong ngày 22/2, giảm hơn 14.600 ca so với một tuần trước đó, trong đó riêng Tokyo có 11.443 ca và Osaka có 10.939 ca. Tuy nhiên, số ca tử vong trong ngày tăng cao kỷ lục lên 319 ca. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong vì COVID-19 ở Nhật Bản vượt ngưỡng 300 ca/ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.
Ngày 23/2, Campuchia đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 3 đến dưới 5 tuổi trên toàn quốc. Các cơ sở tiêm chủng tại 25 tỉnh/thành Campuchia đã tổ chức tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cho trẻ em từ 3 đến dưới 5 tuổi bằng vaccine Sinovac, mũi thứ hai sẽ được tiêm sau 28 ngày. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế Campuchia, các nhân viên y tế phải thăm khám sức khỏe cho trẻ em cả trước và sau khi tiêm vaccine. Ước tính, có khoảng 700 nghìn trẻ em từ 3 đến dưới 5 tuổi được tiêm phòng COVID-19 đợt này.
Các chuyên gia Malaysia khuyến cáo người dân không nên đánh giá thấp biến thể Omicron và cần tiêm mũi tăng cường. Tiến sỹ Koh Kar Chai, Chủ tịch của Hiệp hội Y khoa Malaysia (MMA), kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus cũng như không để bệnh diễn tiến nặng do biến thể Omicron.
Trong khi đó, Indonesia đã quyết định rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ hai và thứ ba trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba do biến thể Omicron đang lây lan nhanh. Theo đó thời gian giữa hai lần tiêm được rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng đối với những người từ 60 tuổi trở lên. Mũi tiêm tăng cường có thể cùng loại hoặc khác loại vaccine với lần tiêm thứ nhất và thứ hai.
Bắt đầu từ hôm nay, Australia sẽ triển khai tiêm vaccine Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai được cấp phép sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi tại Australia sau vaccine của hãng Pfizer. Loại vaccine đầu tiên đang được tiêm cho tất cả công dân Australia từ 5 tuổi trở lên.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia khuyến nghị, khoảng cách tiêm phòng giữa hai liều vaccine Moderna là 8 tuần đối với trẻ em khỏe mạnh, nhưng có thể giảm xuống mức 3 tuần nếu cần thiết. Liều vaccine của trẻ chỉ bằng một nửa liều so với liều tiêm cơ bản của người lớn. Hiện 49% trẻ em Australia từ 5 đến 11 tuổi đã được tiêm phòng.
(Theo VTV)