Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng thuốc Molnupiravir an toàn và hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/2/2022 | 4:37:19 PM

Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh.

Để đảm bảo nguồn cung ứng và tăng cường khả năng tiếp tận thuốc mới trong điều trị bệnh Covid-19, ngày 17/02/2022, Bộ Y tế đã có Quyết định số 69/QĐ-QLD cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 03 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước, cụ thể: Thuốc Molnupiravir 200mg của Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar; Molnupiravir 400mg của Công ty TNHH Liên doanh StellaPharm; Molnupiravir 400mg của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam.

Thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ về các phản ứng có hại của thuốc.

Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị COVID-19 như sau:

1. Về chỉ định của thuốc:

Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

2. Các giới hạn sử dụng thuốc:

- Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu trứng dưới 5 ngày.

- Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.

- Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.

Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc

3. Khuyến cáo và thận trọng khi dùng thuốc:

Phụ nữ có thai và cho con bú

- Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

- Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Trẻ em và thanh thiếu niên

Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

Nam giới

Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.

(Theo SKĐS)

Các tin khác
Tiếp tục triển khai kế hoạch để bảo đảm thực hiện tốt quản lý người mắc COVID-19 tại nhà theo hướng của Bộ Y tế.

Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế vừa có Công văn 176/KCB-NV đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh/thành phố, Y tế các Bộ, ngành thực hiện Công điện số 235/CĐ-BYT về triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Công nhân Điện lực Yên Bái được kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Công ty Điện lực Yên Bái (PCYB) đã kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất song song với xây dựng phương án cấp điện an toàn, ổn định cho khu cách ly y tế, bệnh viện điều trị bệnh nhân trong mùa dịch.

Hội chứng hậu Covid-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị mắc căn bệnh này.

Mệt mỏi, khó thở, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ, thậm chí rối loạn nhận thức, gặp phải các vấn đề về tim mạch..., đó là những hệ lụy sau khi mắc Covid-19 khiến bệnh nhân lo lắng.

Ảnh minh họa.

Theo một nghiên cứu mới, người từng nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần mới cao hơn nhiều so với những người không bị COVID-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục