Ác mộng kéo dài
Khỏi Covid-19 đã 2 tháng nay nhưng ông Hà Văn Đăng (quận Hà Đông, Hà Nội) cảm thấy làm việc gì cũng hụt hơi. Trước kia ngày nào ông cũng đi bộ tầm 10km, vậy mà sau khi mắc Covid-19 chỉ đi bộ vài trăm mét cũng thở dốc. Tương tự, sau khi đã có xét nghiệm âm tính nhưng ông Đặng Văn Thanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn ôm ngực ho từng tràng dài, hay khó thở, mất ngủ...
Không chỉ người cao tuổi mà người trẻ cũng bất an vì di chứng hậu Covid. Chị Nguyễn Bình An (quận Ba Đình, Hà Nội) bị rụng tóc, đau mỏi người, ăn không ngon, mất ngủ thường xuyên, người luôn uể oải, thâm quầng hai mắt, da sạm đi. Đặc biệt, khi quay lại công việc, chị thường không tập trung, làm việc kém hiệu quả.
Nói về hội chứng hậu Covid-19, bác sĩ Đinh Thế Tiến (khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho hay: Hội chứng hậu Covid-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai. Ngay cả người bị bệnh nhẹ, thậm chí trong thời gian mắc bệnh không có triệu chứng thì vẫn có thể bị khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, chóng mặt, ho kéo dài, đau ngực, thay đổi giọng nói, đau cơ, rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác, đau đầu, đau khớp, sốt... Theo bác sĩ Tiến, phần lớn người mắc di chứng đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang ở tuổi trưởng thành và có nhiều bệnh nền, số ít là trẻ em, trong đó có những người từng mắc Covid-19 thể nhẹ nhưng sau khi khỏi vẫn bị mệt mỏi, khó thở, bồn chồn... Một số người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường thì các bệnh này có xu hướng nặng lên và khó kiểm soát hơn.
Lý giải về tình trạng này, chuyên gia y tế cho hay, Covid-19 gây viêm tế bào và làm tổn thương mất - bù, kiệt năng lượng ở các tế bào cơ tim, tế bào hô hấp... Hệ quả là cơ thể trở nên mệt mỏi sau khi khỏi Covid-19. Kết hợp với tâm lý căng thẳng, lo lắng khi trở thành F0, các ảnh hưởng này bị khuếch đại và gây ra nhiều triệu chứng như hụt hơi, mệt mỏi, cảm giác thiếu năng lượng. Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách (Trung tâm Tâm lý lâm sàng Dr Bee, Hà Nội) lo ngại: Những triệu chứng này nếu không điều trị sớm, dứt điểm sẽ là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới bệnh tim mạch, tiêu hóa, dạ dày.
Bác sĩ Bách phân tích, Covid-19 gây sang chấn tâm lý cho xã hội, kể cả những người chưa từng mắc. Với những người yếu thế về tài chính, bệnh tật, về vị trí xã hội... thì sang chấn tâm lý càng lớn, tạo nên áp lực vô cùng lớn trong não bộ của mỗi người. Chưa kể, những cú sốc về mặt tâm lý như mất người thân do đại dịch, chứng kiến các bệnh nhân qua đời, bản thân phải đối mặt với bệnh tật, cái chết, cô đơn khi đi điều trị một mình... nhưng không thể điều hòa được cảm xúc, điều đó sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý, mất ngủ, trầm cảm ở F0 khỏi bệnh.
Thăm khám kịp thời
Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 quận Hoàng Mai, Hà Nội đã thành lập khoa Hồi phục chức năng hậu Covid-19 với 40 giường bệnh. Đây cũng là đơn vị hồi phục chức năng hậu Covid-19 đầu tiên tại phía Bắc nhằm chăm sóc, khôi phục sức khỏe và tinh thần cho những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh. Bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết, hiện nay, bệnh viện chưa tiếp nhận người dân có mong muốn điều trị hồi phục chức năng hậu Covid-19 ở ngoài khu vực bệnh viện.
Còn Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thì đã thành lập Phòng khám hậu Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đây là nơi thăm khám và điều trị chuyên sâu dành cho người bệnh sau mắc Covid-19 với sự hỗ trợ của các chuyên gia về Covid-19, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, dinh dưỡng. Người bệnh sẽ được khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh, đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, nhất là những người từng bị Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khỏe sau khi khỏi bệnh. "Tất cả bệnh nhân Covid-19, bao gồm người bệnh nhẹ, nặng hay nguy kịch, đều cần được theo dõi, đánh giá và điều trị toàn diện các biến chứng và di chứng kéo dài của bệnh" - Giám đốc Thường cho biết.
Theo bác sĩ Tiến, các triệu chứng của hội chứng hậu Covid-19 thường dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh nền khác. Vì vậy, bác sĩ Tiến khuyến cáo, mọi người cần lắng nghe cơ thể sau khi mắc Covid-19. Nếu có triệu chứng bất thường liên quan tới hệ hô hấp, tim mạch, stress, người dân nên đi khám để được tư vấn các bài tập, phương pháp hồi phục chức năng. Trường hợp chưa tiêm đủ liệu trình vắc xin thì nên đăng ký tiêm bổ sung, tuân thủ 5K phòng tái nhiễm và tuân thủ điều trị để sớm trở lại cuộc sống bình thường. "Hiện nay, chưa có định nghĩa chính xác rằng còn triệu chứng bao lâu sau nhiễm Covid-19 thì được gọi là hậu Covid-19. Tuy nhiên, những bệnh nhân xuất hiện triệu chứng hậu Covid-19 sau 1 tháng nên đi khám để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Đặc biệt, nếu triệu chứng kéo dài đến 3 tháng và khác thường so với các vấn đề của bệnh nền vốn có thì cần đi khám sớm nhất có thể để điều trị kịp thời” - bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Dùng thuốc hỗ trợ rõ nguồn gốc, đúng liều và tập thể dục, ăn uống lành mạnh theo tư vấn chuyên môn từ bác sĩ sẽ giúp các triệu chứng nhanh chóng được cải thiện. Bởi vậy, người bệnh cần bình tĩnh, không nên quá lo sợ để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
(Theo HNMO)