Gia đình chị Nguyễn Thu Loan ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái có 2 con gái trong độ tuổi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt này. Trước khi tiêm chị đã làm công tác tư tưởng động viên các con cũng như ý nghĩa của việc tiêm phòng vắc-xin.
Chị Loan chia sẻ: "Trước khi tiêm các cháu cũng lo lắng, hồi hộp, cháu lớn học lớp 5 đã tiêm được 3 hôm nhưng không có phản ứng nhiều, chỉ hơi đau chỗ vết tiêm. Gia đình thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cháu; bổ sung đầy đủ dưỡng chất, các loại vitamin cho cháu”.
Chị Nguyễn Thị Thanh ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái cũng có con trai học lớp 5 được tiêm phòng Covid-19 trong đợt này, chị chia sẻ: "Tôi đã nghiên cứu kỹ các khuyến cáo của chuyên gia về việc tiêm phòng Covid-19 cho trẻ, tôi có gọi điện tới Trung tâm CDC Yên Bái để nhờ tư vấn vì cháu hồi nhỏ bị hen sữa và được các bác sĩ tư vấn tận tình. Khi khám sàng lọc trước tiêm các bác sĩ cũng khám rất kỹ. Sau tiêm tôi theo dõi sức khỏe và bổ sung dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của con, tăng cường hoa quả. Rất may cháu không bị phản ứng sau tiêm. Tôi khá yên tâm”.
Theo chuyên gia ngành y tế thì các phản ứng mà vắc-xin phòng Covid-19 tác dụng lên trẻ sau khi tiêm cũng tương tự với người lớn nhưng tỷ lệ gặp phải ít hơn và mức độ nhẹ hơn. Trẻ có thể gặp các phản ứng bất lợi như: đau, sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, sốt, ban đỏ,... nhưng tỷ lệ gặp các phản ứng này chỉ ở mức 1/10. Sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ, nếu như tại vết tiêm có tình trạng chai cứng, nổi u cục, phát ban thì phụ huynh không cần quá lo lắng.
Chỉ sau một thời gian tình trạng này sẽ biến mất hoàn toàn mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Nếu như trẻ có gặp các triệu chứng như sốt, ho, tức ngực, mệt mỏi thì tình trạng này cũng sẽ thuyên giảm và ổn dần. Nếu cần thì phụ huynh có thể sử dụng các thuốc kháng viêm để tình trạng này nhanh hết.
Cùng đó, để có thể kiểm soát được tình hình của trẻ sau khi tiêm và các tình huống xấu xảy ra, phụ huynh nên tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế, tiến hành theo dõi trẻ 30 phút sau khi tiêm tại điểm tiêm. Theo dõi trẻ 24/24 giờ trong vòng 3 ngày đầu vì những phản ứng mạnh và nguy hiểm nhất thường xuất hiện vào thời gian này. Liên tục theo dõi sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày tiếp theo.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái khuyến cáo: Ngay khi phát hiện trẻ có triệu chứng tức ngực, khó thở thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời. Sau khi về nhà, để trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh hay tập thể thao trong 3 ngày sau tiêm, cho trẻ uống nhiều nước, thực hiện chế độ ăn đủ dinh dưỡng...
Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm thì tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì cần cho trẻ đi khám ngay. Không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. Đo nhiệt độ thường xuyên cho trẻ, nếu sốt nhẹ thì cởi bớt và nới lỏng quần áo, chườm/ lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn; uống đủ nước và lưu ý không để nhiễm lạnh.
"Nếu sốt 38,5 độ C trở lên thì cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế; trong vòng 2 giờ, nếu không cắt được sốt hoặc trẻ sốt lại thì cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám” - bác sỹ Hà nói.
Hồng Duyên