Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực, WHO Đông Nam Á, cho biết: "WHO quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ chính phủ và người dân Triều Tiên ứng phó với đại dịch và cứu người. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Triều Tiền, nếu cần, bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để mở rộng quy mô xét nghiệm, tăng cường quản lý ca bệnh, thực hiện các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng cụ thể, đồng thời cung cấp vật tư y tế và thuốc thiết yếu".
WHO đã hỗ trợ Triều Tiên xây dựng kế hoạch ứng phó và chuẩn bị chiến lược quốc gia cho COVID-19.
Theo Tiến sĩ Khetrapal Singh, việc Triều Tiên chưa triển khai tiêm vaccine COVID-19 làm tăng nguy cơ virus có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, trừ khi được ngăn chặn bằng các biện pháp thích hợp và tức thì.
"Điều quan trọng đối với tất cả các quốc gia, bất kể tình trạng lây lan COVID-19 như thế nào, phải triển khai tiêm chủng COVID-19, nhằm bảo vệ chống lại nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong" - bà Singh khẳng định.
Hiện WHO đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng quốc gia Triều Tiên bằng cách cung cấp cho họ thông tin cần thiết về vaccine COVID-19 có sẵn thông qua COVAX. WHO đã hỗ trợ Triều Tiên xây dựng kế hoạch triển khai vaccine COVID-19 cùng với các tổ chức đối tác - UNICEF và GAVI. Kế hoạch này đã được xem xét và phê duyệt, giúp Triều Tiên đủ điều kiện nhận vaccine COVID-19 thông qua COVAX.
"Đại dịch còn lâu mới kết thúc. Mọi quốc gia phải thực hiện các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng phù hợp và bảo vệ dân số của mình bằng vaccine COVID-19, ưu tiên nhóm dân số dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có bệnh lý tiềm ẩn khiến họ có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19 " - bà Singh nhấn mạnh.
Được biết, hiện WHO chưa nhận được báo cáo về đợt bùng phát dịch bệnh từ Triều Tiên. Theo quy định, 194 thành viên của WHO, bao gồm Triều Tiên, có nghĩa vụ phải báo cáo tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong vòng 24 giờ sau khi dịch bùng phát.
Ngày 16/5, ông Kim Hyung Hoon, Thứ trưởng Bộ Y tế Triều Tiên cho biết: "Chúng tôi đã chuyển từ hệ thống định hướng kiểm dịch trước đây sang hệ thống định hướng xử lý. Điều quan trọng nhất lúc này là kiểm soát triệt để tình hình dịch bệnh. Đối với vấn đề này, các tổ chức chuyên sâu về y tế và dịch bệnh trên cả nước đang tiến hành dự án truy vết những người bị sốt, cách ly và điều trị cho họ".
Trước đó, theo truyền thông Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khiển trách các quan chức về việc thuốc không được kịp thời chuyển đến người dân trong lúc dịch bùng phát. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bày tỏ không hài lòng với việc các nhà thuốc không có đủ nguồn cung, đồng thời huy động quân đội tham gia ổn định nguồn cung dược phẩm. Ngày 16/5, một số quan chức cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên đã tới thị sát các cửa hàng dược phẩm và đơn vị quản lý dược phẩm để kiểm tra nguồn cung cầu.
Mỹ và Hàn Quốc đã đề nghị hỗ trợ Triều Tiên. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ ủng hộ viện trợ vaccine cho nước này. Bộ Thống nhất của Hàn Quốc cùng ngày cho biết đã đề xuất các cuộc đàm phán về việc hỗ trợ nguồn cung y tế, bao gồm vaccine, khẩu trang và bộ xét nghiệm, cũng như hợp tác kỹ thuật cho Triều Tiên.
(Theo SKĐS)