90% ca bệnh lao mới và tái phát điều trị thành công

  • Cập nhật: Chủ nhật, 20/11/2022 | 6:44:02 AM

Việt Nam duy trì được tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao mới và tái phát trên 90%. Đây là thông tin được đưa ra tại Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng, chống lao năm 2022 và kế hoạch năm 2023 do Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức chiều 19/11 tại Hà Nội.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2022).
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2022).

Tỷ lệ phát hiện mới ca mắc lao phục hồi ngoạn mục

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Chương trình chống Lao Quốc gia đã phát hiện được 76.072 ca bệnh lao mới, ngang bằng thời trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. 

Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, tuy mới chỉ đạt được 54,7% chỉ tiêu kế hoạch cả năm (76.072 ca bệnh/chỉ tiêu 139.000 ca), nhưng có thể nói số phát hiện của Chương trình chống Lao quốc gia đã có sự cải thiện đáng kể để phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình so với cùng kỳ năm 2021 và thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm 2020, thời điểm COVID-19 chỉ mới xảy ra tại Việt Nam. Việc đạt được con số 100.000 ca phát hiện trong cả năm 2022 là vô cùng khả thi

Đặc biệt, Việt Nam duy trì được tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao mới và tái phát trên 90%.

Để bù đắp các chỉ tiêu phát hiện ca bệnh lao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2022, Chương trình chống lao Quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động sàng lọc phát hiện chủ động, hoạt động lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc, lao trong trại giam, lao trẻ em, phối hợp công tư trong công tác phòng chống lao...

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, mặc dù Covid-19 vẫn còn tác động đến khu vực miền Bắc trong 3 tháng đầu năm, tuy nhiên sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực miền Nam và miền Trung đã đóng góp rất lớn trong số liệu phát hiện trên toàn quốc.

Sự kiện ngày 1/7 cũng là một điểm nhấn nổi bật trong năm 2022, Chương trình chống Lao Quốc gia đã thực hiện chuyển giao cơ chế cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách Nhà nước sang nguồn Quỹ BHYT, mở ra một cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả hơn cho người bệnh lao.

Đến nay, Chương trình chống Lao Quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

51/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thành lập bệnh viện phổi, bệnh viện lao và bệnh phổi. Chương trình Chống lao Quốc gia đã tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp với các đối tác như: Bộ Công an; Cục phòng chống HIV/AIDS; WHO; KNCV; CDC: CHAI, … các bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và nhiều đối tác khác như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Y tế-Bộ Công an.

Chương trình cũng hỗ trợ, tham mưu Bộ Y tế về cơ cấu tổ chức, hoạt động của 12 tỉnh không có bệnh viện chuyên khoa để bảo đảm nhân lực triển khai công tác chống lao.

Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Kết thúc chiến dịch nhắn tin ủng hộ Quỹ từ 22/03 đến 20/05/2022, chương trình đã tiếp nhận được 49 nghìn tin nhắn, tương đương hơn 980 triệu đồng ủng hộ.

Những thách thức, khó khăn phía trước

Dù tỉ lệ phát hiện ca mắc lao mới phục hồi ngang bằng thời kì trước đại dịch nhưng Chương trình chống Lao quốc gia vẫn gặp vô vàn khó khăn, thách thức trong giai đoạn cuối năm để đạt chỉ tiêu đề ra.

"Sau dịch COVID-19, số bệnh nhân lao nặng tăng lên rất nhiều, thậm chí có bệnh nhân bị lao toàn thể, lao màng não... là những ca bệnh trước đây ít gặp. Điều này là do trong dịch bệnh, người dân khó tiếp cận dịch vụ y tế do sợ lây nhiễm." - PGS. TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.

3 tháng đầu năm 2022 do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn ảnh hưởng tại một số tỉnh, tới cuối tháng 3 vẫn còn tới 11 bệnh viện chuyên khoa Lao tỉnh thực hiện 100% công suất giường bệnh chăm sóc, điều trị Covid đã ảnh hưởng nhiều tới công tác sàng lọc, phát hiện và thu nhận điều trị lao tiềm ẩn.

Ảnh hưởng của Covid-19 cũng khiến người dân không tiếp cận y tế thường xuyên nên tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới chỉ đạt 77%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của WHO (85%) và của Chương trình Chống lao Quốc gia (90%).

Việc chuyển đổi cơ chế mua sắm, thanh toán thuốc chống lao từ ngân sách nhà nước sang BHYT đã bắt đầu được triển khai tuy nhiên nhiều địa phương gặp khó khăn và vướng mắc cần được Chương trình Chống lao cùng Bộ Y tế, BHXH Việt Nam hỗ trợ tháo gỡ.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung bày tỏ quan ngại, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tình hình phát hiện và thu nhận bệnh nhân lao kháng thuốc thấp hơn chỉ tiêu rất nhiều (năm 2021 đạt 53% chỉ tiêu đề ra) đã dẫn tới nguy cơ quá hạn một số thuốc hàng 2, chỉ tiêu phát hiện bệnh nhân lao nhi không đạt yêu cầu dẫn tới nguy cơ thừa thuốc lao nhi.

Trong thời gian tới, song song với việc sàng lọc người bệnh lao đa kháng trong số người bệnh lao đã phát hiện, Chương trình Chống lao tăng cường mở rộng tầm soát tới cộng đồng, tập trung hơn nữa đối với người tiếp xúc của bệnh nhân lao kháng thuốc.

Chương trình mở rộng tối đa dịch vụ điều trị lấy người bệnh làm trung tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh và tăng tỷ lệ tuân thủ; tăng cường vận động sự tham gia của bệnh viện đa khoa thu nhận điều trị người bệnh lao kháng thuốc có chỉ định nhập viện để giảm thiểu việc di chuyển tới các cơ sở ngoại tỉnh.

Trong năm 2023, Chương trình Chống lao đặt ra mục tiêu: Đảm bảo cung ứng thuốc lao hàng 1 cho các đối tượng bệnh nhân không có thẻ BHYT; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mềm hỗ trợ quản lý thuốc BHYT; Đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện mua sắm và nhận hàng các gói mua sắm test xét nghiệm, máy móc, vật tư, trang bị phòng hộ cá nhân, xe X-quang Kỹ thuật số… Tăng cường áp dụng chiến lược 2X (Xquang, Xpert) trong các tiếp cận phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh nhân lao, sử dụng hiệu quả xe Xquang di động kỹ thuật số và các máy Xquang di động được cấp cho các tỉnh trong phát hiện bệnh nhân lao.

(Theo hanoitv)

Các tin khác
Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới COVID-19.

Từ ngày 18/11, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện chính sách mới để đối phó linh hoạt hơn đối với dịch bệnh COVID-19.

Các thầy thuốc phẫu thuật cắt khối u cho bệnh nhân.

Người phụ nữ 41 tuổi đau đầu, buồn nôn 3 tháng nay, đau ngày càng nhiều mà không tìm ra nguyên nhân. Trí nhớ chị ngày càng suy giảm, không tìm được cảm giác thăng bằng khi đi bộ, thuốc uống mãi không khỏi.

Cao huyết áp là tình trạng thường xuất hiện ở người trưởng thành, nhưng nhiều năm trở lại đây, số ca trẻ em bị cao huyết áp ngày càng nhiều hơn.

Những hạt bụi ô nhiễm mà trẻ em hít phải có thể xâm nhập vào máu, gây tổn thương niêm mạc, làm mạch máu cứng hơn. Tim sẽ cần bơm máu nhanh hơn, làm tăng nguy cơ cao huyết áp khi đến tuổi trưởng thành.

Uống nhiều nước rất tốt cho cơ thể, tuy nhiên bạn nên xem xét việc uống nước trước khi đi ngủ vì hành động này không chỉ có lợi mà còn có những mặt hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục